Xã hội
Hiệu quả từ mô hình dưỡng già tự nguyện
03:31 PM 26/04/2021
Ở nước ta cũng như nhiều nước khác, hình thức chăm sóc người cao tuổi hiện tập trung vào 2 loại hình phổ biến là chăm sóc tập tập trung và chăm sóc tại nhà/cộng đồng. Mô hình dưỡng già tự nguyện hiện cũng đã được triển khai ở nhiều địa phương và mang lại nhiều giá trị thiết thực và ý nghĩa.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, tốc độ già hóa ở nước ta đang diễn ra nhanh, mô hình gia đình chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân và con cái có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Người cao tuổi phải sống một mình là điều bất lợi khi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần, vật chất quan trọng với họ.
Việc đẩy mạnh các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là điều quan trọng để người cao tuổi sống vui – khỏe – có ích. Điều này cũng tận dụng xu hướng già hóa dân số và khai thác tiềm năng của người cao tuổi, tạo ra động lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với già hóa dân số, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết cho người cao tuổi, cũng như đẩy mạnh việc phát triển các cơ sở chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi.
Chăm sóc người cao tuổi ở nhà dưỡng lão
Ở nước ta cũng như nhiều nước khác, hình thức chăm sóc người cao tuổi hiện tập trung vào 2 loại hình phổ biến là chăm sóc tập trung và chăm sóc tại nhà/cộng đồng. Hiện nay mô hình dưỡng già tự nguyện đã được triển khai ở nhiều địa phương mang lại và mang lại nhiều giá trị. Như tại Yên Bái, từ tháng 3/2018, Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái triển khai thí điểm mô hình dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện dành cho các đối tượng không thuộc diện bảo trợ có nhu cầu theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí. Mô hình đã cho thấy sự phù hợp xu thế xã hội hiện đại ngày nay khi số lượng người cao tuổi quan tâm ngày một nhiều. Mô hình nuôi dưỡng tự nguyện tại Trung tâm đã chăm sóc cho 21 lượt đối tượng, trong đó chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng không có khả năng tự phục vụ. Hiện tại, Trung tâm đang chăm sóc, phục vụ 11 đối tượng. Điều này cho thấy sự cởi mở hơn trong việc lựa chọn hình thức nuôi dưỡng tự nguyện cho người thân của nhiều gia đình, nhất là người cao tuổi.
Theo ông Phạm Công Quyết, Giám đốc Trung tâm CTXH&BTXH tỉnh Yên Bái, các đối tượng nuôi dưỡng ở Trung tâm phần lớn là người già sức khỏe yếu, mắc các chứng bệnh mạn tính, không có khả năng tự phục vụ hoặc phải hỗ trợ nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Việc chăm sóc các cụ được cán bộ nhân viên Trung tâm rất quan tâm. Chế độ ăn hàng ngày của các cụ được đảm bảo, thời gian sinh hoạt phù hợp.
Ngoài ra, các cụ được chăm sóc sức khỏe, xoa bóp bấm huyệt, được ở trong những phòng khép kín hiện đại, thoáng mát và đặc biệt là được tham gia những hoạt động tinh thần phù hợp với NCT, có bạn già để cùng chia sẻ, trò chuyện… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng có một phòng tập gồm máy móc và trang thiết bị mới nhất để các cụ được tập thể dục và phục hồi chức năng theo đúng tình trạng bệnh và nhu cầu rèn luyện sức khỏe hàng ngày.
Ngoài đối tượng là người cao tuổi, Trung tâm còn hướng đến dịch vụ chăm sóc đối tượng tự nguyện là người khuyết tật, trẻ tự kỷ và phấn đấu để trở thành địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng nhiều gia đình trong chăm sóc, nuôi dưỡng người thân của họ. Hiện nay, dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện có mức thu thí điểm là 4 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở vật chất của Trung tâm hiện có khả năng đáp ứng cho nhu cầu của hàng trăm đối tượng.
Tại Vĩnh Phúc, với Đề án "Nhận chăm sóc và nuôi dưỡng tự nguyện", người cao tuổi neo đơn, không người chăm sóc khi tự nguyện vào trung tâm được cung ứng những dịch vụ tương ứng theo nhu cầu và điều kiện của mỗi người. Người cao tuổi sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng ở khu riêng biệt; được bố trí ở phòng khép kín, đảm bảo thoáng mát.
Những người cao tuổi sinh sống ở đây, mỗi người có một phác đồ điều trị, chăm sóc riêng phù hợp với tuổi tác, sức khỏe và tính cách. Trường hợp bị tai biến nhẹ có khả năng phục hồi, trung tâm sẽ có hệ thống máy tập, xoa bóp để phục hồi chức năng, cải thiện tình trạng sức khỏe… Với những tiện ích này, nhiều người cao tuổi neo đơn đã tự nguyện vào sinh sống ở "trung tâm dưỡng lão".
Theo bà Lưu Thị Hường, Trưởng ban Chăm sóc người cao tuổi, TƯ Hội người cao tuổi Việt Nam, người cao tuổi trong xã hội hiện đại dễ có cảm giác lạc lõng nên nhiều người muốn vào sống tại các trung tâm dưỡng lão để nâng cao chất lượng cuộc sống tuổi già. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có hơn 400 trung tâm dưỡng lão, trong đó một nửa theo mô hình bảo trợ xã hội và một nửa là mô hình tư nhân.
Trong bối cảnh già hóa dân số cần xã hội hóa dịch vụ dưỡng lão, đa dạng hóa mô hình dưỡng lão phù hợp với từng đối tượng người cao tuổi. Người cao tuổi còn sức khỏe có thể chọn mô hình dưỡng lão dạng bán trú. Còn những người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe, không tự chăm sóc được bản thân được đưa đến các trung tâm dưỡng lão tập trung chăm sóc là điều nên làm.
Thực tế, việc triển khai có hiệu quả mô hình dưỡng già tự nguyện ở các địa phương đã giúp cho nhiều gia đình, nhất là các gia đình phải dành nhiều thời gian cho học tập công tác, ít có thời gian chăm sóc và lo toan cho người cao tuổi, người khuyết tật. Mô hình cũng tạo môi trường sống phù hợp, ý nghĩa cho người cao tuổi trong xu thế già hóa dân số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
 
 PV
Từ khóa: