Xã hội
Hòa Bình: Tích cực truyền thông BHYT hộ gia đình
12:11 PM 01/09/2021
(LĐXH) - Trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa nhân văn chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới xây dựng BHYT toàn dân một cách bền vững
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Hòa Bình, tính đến hết ngày 31/7/2021 đã có 571.494 lượt người có thẻ BHYT đi KCB tại tỉnh, chi phí KCB BHYT là 360.590 triệu đồng. Trong số này, có 8 trường hợp bệnh nhân có chi phí trên 200 triệu đồng/đợt điều trị, có 45 trường hợp có chi phí trên 100 triệu đồng. Ngoài ra các trường hợp bệnh nhân nặng phải chuyển lên tuyến Trung ương đã được quỹ BHYT chi trả số tiền rất cao. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Bùi Như Thường, sinh năm 1986, mã thẻ DT2170110067717, do BHXH tỉnh Hòa Bình cấp thẻ, quyền lợi hưởng BHYT 100%, đăng ký KCB ban đầu tại Trạm Y tế xã Tân Lập huyện Lạc Sơn. Bệnh nhân này đã chuyển tuyến Trung ương điều trị tại Bệnh viện Việt Đức từ ngày 29/12/2020 đến ngày 17/02/2021 do chấn thương sọ não, bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả với số tiền là 397,2 triệu đồng; Bệnh nhân Bùi Văn Châu sinh năm 1971, mã thẻ BHYT DT2171720919304, địa chỉ xóm Sằn, xã Hợp Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, bệnh nhân điều trị tại khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 01/12/2020 đến ngày 01/02/2021 và đã được quỹ BHYT chi trả số tiền 376,3 triệu đồng và còn rất nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị nếu tính tổng chi phí điều trị trong 01 năm trên 01 tỷ đồng.
Cán bộ BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ở thành phố Hòa Bình. 
Tập trung hỗ trợ nhóm DTTS
Thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hòa Bình có trên 146.000 lượt người không thuộc trong diện được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Việc thực hiện Quyết định số 861 sẽ làm thay đổi một số chính sách dành cho vùng khó khăn. Trong đó có việc cấp thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã này. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền tới người dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Đồng thời đề xuất những chính sách hợp lý hỗ trợ cho những đối tượng thực sự khó khăn cần có sự giúp đỡ của cộng đồng.
Theo  thống  kê của BHXH tỉnh Hòa Bình, từ 01/7/2021 toàn tỉnh có trong đó 58 xã chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách đối với vùng II, III (có 46 xã vùng I, 12 xã vùng II). Có 146.912 người không thuộc trong diện được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có khoảng 142.901 người là đồng bào dân tộc thiểu số và 4.011 người sống ở vùng KTXH đặc biệt khó khăn. Chiếm 17,85% người dân có thẻ BHYT (đến 30/6/2021 toàn có 822.938 người có thẻ BHYT = 95,05% (822.938 người có thẻ/865.757 người dân)
Ngay từ khi Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7 BHXH tỉnh Hòa Bình đã chủ động phối hợp với các ngành như Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo hướng dẫn việc rà soát các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng mà trước đây được cấp thẻ BHYT theo nhóm đồng bào dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; đồng thời phối hợp với cấp chính quyền tại các huyện, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình; có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các cơ sở giáo dục để vận động phụ huynh học sinh tham gia BHYT học sinh cho con em mình. Tính đến hết 31/7/2021 số người tham gia BHYT hộ gia đình là 103.796 người, trong đó tháng 7 tăng 30.631 người; BHYT học sinh, sinh viên có 56.092 em, trong đó tháng 7 tăng 7.329 em. Do số lượng thẻ BHYT giảm nhiều mặc dù đã có nhiều giải pháp tập chung để vận động người dân nhưng đến hết 31/7/2021 toàn tỉnh số người có thẻ BHYT là 733.885 người = 84,76% dân số (giảm 89.053 thẻ).
Trong những tháng cuối năm 2021, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác vận động người dân tham gia BHYT: Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông, báo chí triển khai công tác tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT ở địa phương; tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp dân cư về chính sách BHYT, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận đầy đủ thông tin về quyền, nghĩa vụ khi tham gia BHYT và cách thức tham gia; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt BHYT học sinh, sinh viên năm học 2021-2022 phấn đấu học sinh các trường tham gia BHYT 100%, nhất là các xã thoát ra khỏi vùng khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg; Phối hợp với UBND huyện, xã tăng cường triển khai tốt công tác tuyên truyền cho người dân nắm bắt được chế độ quyền lợi của chính sách BHYT nhất là các xã vừa thoát ra khỏi vùng khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Đồng thời phối hợp với các Bưu điện, đại lý thu các xã, tổ chức đoàn thể để vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình; Để thực hiện được tỷ lệ BHYT toàn dân theo Nghị quyết đảng bộ nhiệm ký 2021-2025 đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp kinh phí hỗ trợ thêm mức đóng BHYT từ nguồn ngân sách cho đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình và học sinh sinh viên.
Hà Giang
 
Từ khóa: