Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người nghèo tìm kiếm việc làm
(LĐXH) - Thời gian qua, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đã triển khai có hiệu quả nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, huyện đã sử dụng nguồn vốn đầu tư vào hỗ trợ việc làm bền vững, tạo điều kiện để người lao động, ưu tiên lao động nghèo tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, đảm bảo tính hiệu quả và theo đúng quy định. Đồng thời thực hiện theo nguyên tắc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên hỗ trợ các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng sâu, vùng xa và hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững.
Tổng vốn bố trí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo phân bổ cho huyện Đông Giang năm 2024 là 169,251 tỷ đồng, tính đến ngày 30/11/2024 đã giải ngân được 68,756 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,52% kế hoạch. Trong đó, tổng nguồn vốn được phân bổ để thực hiện Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững của Dự án 4 là 414 triệu đồng, trong đó: vốn năm 2022, 2023 chuyển sang là 264 triệu đồng vốn phân bổ năm 202 là 150 triệu đồng. UBND huyện giao cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai thực hiện, đến ngày 20/11/2024 đã giải ngân được 307 triệu đồng, đạt tỷ lệ 74 % kế hoạch.
Theo đó, ngày 9/8/2024, UBND huyện Đông Giang đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam tổ chức sàn giao dịch việc làm năm 2024. Tham gia sàn giao dịch việc làm có 16 công ty, doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng hơn 8.000 vị trí việc làm và học nghề trong nước, nước ngoài. Hơn 600 đoàn viên thanh niên và người lao động huyện Đông Giang được tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng, chính sách hỗ trợ... để tìm kiếm việc làm phù hợp. Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phổ thông và một số vị trí khác. Ngoài ra, các công ty còn tuyển dụng hơn 500 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Hy Lạp…; gần 3.000 lao động làm việc tại xí nghiệp chuối, xí nghiệp chăn nuôi bò, xí nghiệp cao su, nhân viên phụ bếp, tạp vụ… tại Lào.
Được biết, thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chỉ tính trong năm 2023, đã hỗ trợ kinh phí cho 14 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; năm 2024 hỗ trợ 11 người đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là làm việc trong ngắn hạn tại một số quốc gia.
Ông Đinh Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Lao động – TBXH huyện Đông Giang cho biết: Hỗ trợ tạo việc làm bền vững là một trong những giải pháp quan trọng và lâu dài giúp người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Mục đích thực hiện Tiểu dự án 3. Hỗ trợ việc làm bền vững là nhằm đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận với thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững; giải quyết việc làm mới cho lao động trên địa bàn huyện. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đặt mục tiêu đối với chiều thiếu hụt về việc làm, phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động và hỗ trợ tìm việc làm.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo đề ra tại huyện Đông Giang đã giảm hằng năm trên 5%/năm. Nếu cuối năm 2021, số hộ nghèo của huyện theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022-2025 là 3.905 hộ, chiếm tỷ lệ là 52,88% thì kết quả rà soát thời điểm cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 29,9% với 2.315 hộ, giảm so với năm 2023 là 563 hộ, tương ứng giảm 11,89%. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 29,9%.
Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 23,62%. Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.
Thời gian tới, huyện Đông Giang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao vốn thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ được giao năm 2024; Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng quy định và phát huy hiệu quả cao nhất. Đối với công tác việc làm, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền thu hút lực lượng lao động tham gia các Ngày hội việc làm cấp huyện, Phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tiến hành khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số./.
Đỗ Thị Phượng
Từ khóa:
Huyện Đông Giang
-
TP.HCM: Nhiều đầu việc mới đang đợi người tìm việc
27-12-2024 15:32 59
-
Hỗ trợ việc làm góp phần giảm nghèo bền vững ở Bình Sơn
27-12-2024 14:48 08
-
Thị xã Ngã Năm: Đột phá trong công tác tạo việc làm giúp người dân giảm nghèo bền vững
27-12-2024 14:47 54
-
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
27-12-2024 09:43 35
-
Xã Hành Đức: Nỗ lực kết nối việc làm cho người nghèo
19-12-2024 08:19 35
-
Huyện Đức Hoà (Long An) nỗ lực tìm kiếm giải pháp tạo việc làm ổn định cho người lao động
27-12-2024 08:12 22