Xã hội
Lâm Đồng: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững
03:07 PM 08/12/2020
Chương trình MTQG nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được các cấp, các ngành tỉnh Lâm Đồng quan tâm thực hiện. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp tỉnh với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm thực hiện các nội dung có liên quan. Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, cấp xã và thành viên trong ban chỉ đạo triển khai phối hợp thực hiện các Chương trình MTQG với thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp tạo điều kiện cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành, quản lý hoạt động của Chương trình. Đối với cấp xã, hiện nay có 71/116 xã thuộc 07 huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Cát Tiên đã thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp xã.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Đam Rông thoát nghèo nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm
Bên cạnh đó, tỉnh đã kịp thời ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung vào các xã, thôn nghèo nhất; Thực hiện kịp thời, đồng bộ các chính sách giảm nghèo đối với vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, huy động toàn xã hội tham gia hỗ trợ người nghèo.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo được phân bổ cho tỉnh giai đoạn 2016-2019 là 441.005 triệu đồng. Trong đó ngân sách trung ương 403.080 triệu đồng; Ngân sách địa phương 37.925 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, Lâm Đồng đã triển khai Chương trình 30a trên địa bàn huyện Đam Rông, thông qua các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, cầu kiến cố qua suối…), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ kinh phí cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Chương trình 135, với tổng kinh phí 207.274 triệu đồng đã tập trung đầu tư xây dựng 556 công trình, giải ngân giai đoạn 2016-2019 đạt 99% kế hoạch; Duy tu bảo dưỡng 50 công trình, giải ngân đạt 100% kế hoạch. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ cho khoảng 8.000 hộ, chủ yếu về vật tư phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc nông cụ sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm...
Đối với các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, giai đoạn 2017-2019, với tổng kinh phí bố trí là 7.248 triệu đồng, tỉnh đã giải ngân 6.289 triệu đồng, đạt 86,77% kế hoạch; ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 294 triệu đồng, người dân đối ứng 346 triệu đồng. Từ nguồn vốn này đã hỗ trợ cho  693 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Điều tra, rà soát hộ nghèo 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin như phối hợp với các cơ quan báo chí triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách của nhà nước về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm, giới thiệu gương điển hình và mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn tỉnh… In và cấp phát 15.000 cuốn “cẩm nang dành cho hộ nghèo” bằng tiếng Việt, tiếng K’Ho và tiếng H’Mông; hơn 3.000 tờ rơi, áp phích, băng rôn tuyên truyền về công tác giảm nghèo; tổ chức 21 cuộc đối thoại chính sách với hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng thông tin truyền thông giảm nghèo cho trên 2.000 lượt cán bộ xã, thôn, cán bộ làm công tác thông tin truyền thông cơ sở… Qua đó đã kịp thời truyền tải chính sách, chương trình giảm nghèo đến cộng đồng và người dân; khuyến khích, động viên người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện dự án nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá, tỉnh đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho trên 2.000 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã và trưởng thôn của các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, hoặc thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát về tình hình triển khai các chính sách tại địa phương, cơ sở. Qua kiểm tra, giám sát, hầu hết các xã, thôn đều triển khai các chính sách kịp thời đến người dân; thực hiện đúng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như việc niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại trụ sở cấp thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã theo đúng quy định, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông tại cơ sở.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo của địa phương. Năm 2018-2019, từ nguồn ngân sách tỉnh đầu tư thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đã phân bổ 32.000 triệu đồng cho 21 xã nghèo để hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3.159 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (bình quân khoảng 10 triệu đồng/hộ), tập trung chủ yếu là hỗ trợ phân bón, nông cụ sản xuất, giống vật nuôi, hỗ trợ học nghề… Ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ, các huyện Đơn Dương, Di Linh đã cân đối ngân sách của địa phương để đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất từ năm 2016-2019 với tổng kinh phí 6.700 triệu đồng cho 750 hộ; huyện Lâm Hà (thực hiện năm 2016) nâng cấp 03 đường giao thông nông thôn, 02 nhà sinh hoạt cộng đồng và hỗ trợ cho các hộ nghèo tại xã Tân Thanh.
Thực hiện chính sách giảm nghèo chung, toàn tỉnh đã cấp 889.807 thẻ bảo hiểm y tế; Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.362 căn nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Doanh số cho vay hộ nghèo là 13.510 lượt/498.622 triệu đồng, hộ cận nghèo 16.535 lượt/642.855 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 21.373 lượt/866.398 triệu đồng; hỗ trợ vốn vay làm nhà ở theo Đề án 654/UBND-XD của UBND tỉnh cho 1080 lượt/27.000 triệu đồng, cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất đối với người đồng bào dân tộc thiểu số 887lượt/28.889 triệu đồng; Trợ giúp pháp lý cho 6.678 người thuộc hộ gia đình hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Lâm Đồng, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự cố gắng nỗ lực của người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm vượt mức kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 6.325 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,85% (hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 4.109 hộ, chiếm tỷ lệ 5,58%); hộ cận nghèo còn 12.587 hộ, chiếm tỷ lệ 3,69% (trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 7.070 hộ, chiếm tỷ lệ 10,52%). Số hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn là 914 hộ, chiếm tỷ lệ 8,55%, hộ cận nghèo 1.394 hộ, chiếm tỷ lệ 13,05%. Như vậy, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch về giao chỉ tiêu do Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra, đó là: “phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn dưới 1,9%”.
Giai đoạn 2016-2019, cả tỉnh giảm được 13.769 hộ nghèo so với đầu năm 2016, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,20%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,38%. Các địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao trong 4 năm qua là huyện Cát Tiên, Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và Đạ Tẻh. Kết quả giảm nghèo trong năm 2019 bền vững hơn so với năm 2016. Trong năm 2019, cả tỉnh có 3.228 hộ thoát nghèo, đồng thời có 476 hộ phát sinh nghèo và 28 hộ tái nghèo; nghĩa là khoảng 06 hộ thoát nghèo thì 01 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Hộ nghèo của tỉnh tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc thiểu số (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,81% số hộ dân cư, nhưng chiếm 64,96% hộ nghèo của tỉnh), các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở được nâng lên.
Trong giai đoạn từ năm 2020-2025, tỉnh phấu đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung từ 1-1,5%, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2-3%. Giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo hàng năm xuống dưới 10% so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Không còn hộ chính sách người có công là hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ đoàn thể được tập huấn kiến thức cơ bản về kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án.100% số xã có cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền nội dung giảm nghèo. 90% các hộ dân thuộc địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn được tiếp cận, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…/.
PV
Từ khóa: