Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
(LĐXH) - Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội ở các huyện nghèo là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Tại tỉnh Lạng Sơn, nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của chương trình này đã góp phần tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân.
Trong những năm qua, với nguồn lực đầu tư của nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được kết quả tích cực. Năm 2023, tỉnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,9% so với năm 2022 (từ 8,92% xuống còn 6,02%, tương đương giảm khoảng 5.100 hộ), đạt 96,6% kế hoạch; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm từ 5% trở lên, tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên. Năm 2024, tỉnh ước thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%. UBND tỉnh đã xác định cụ thể mục tiêu nhiệm vụ năm 2024 ngay từ Quyết định giao kế hoạch vốn đầu năm. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 6,02% tiến tới sát lõi nghèo nên khả năng giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 khó đạt 3% và tỉnh đã đề xuất điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 từ mỗi năm giảm 3% thành mỗi năm giảm từ 2 - 3%.
Thực hiện Dự án 1. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, trong đó đối với Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời phân bổ kinh phí để thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn 02 huyện nghèo (Văn Quan, Bình Gia), đảm bảo mục tiêu đề ra. Trong đó, tại huyện Bình Gia, vốn đầu tư ngân sách trung ương được phân bổ thực hiện năm 2024 là 74.032 triệu đồng, đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn để đầu tư xây dựng các dự án thuộc các lĩnh vực: Giao thông (tiếp tục đầu tư 10 dự án hoàn thành năm 2023, 01 dự án chuyển tiếp và 02 dự án khởi công mới); Điện (tiếp tục đầu tư 02 dự án hoàn thành năm 2023; 01 dự án đầu tư khởi công mới năm 2024); Thủy lợi (03 dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2024); Giáo dục (tiếp tục đầu tư 07 dự án hoàn thành năm 2023; thực hiện 06 dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2024; thực hiện 01 dự án khởi công mới năm 2024); Văn hóa (tiếp tục đầu tư 01 dự án hoàn thành năm 2023); Lĩnh vực cộng đồng (tiếp tục đầu tư 03 dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2023).
Việc mở rộng, nâng cấp nhiều công trình giao thông đã góp phần thông thương hàng hóa, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn các huyện nghèo
Đối với huyện Văn Quan, vốn đầu tư ngân sách trung ương phân bổ thực hiện năm 2024 là 59.864 triệu đồng, huyện đã đối ứng nguồn ngân sách địa phương là 2.224 triệu đồng bố trí cho 02 dự án hoàn thành, 11 dự án chuyển tiếp và 11 dự án khởi công mới. Tính đến tháng 7/2024, đã thi công xong 08 dự án; 02 dự án đang trong giai đoạn thi công; 07 dự án đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; 02 dự án đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu; 01 dự án đã quyết toán; 01 dự án không phù hợp với quy hoạch nên tạm ngừng chưa thực hiện; 01 dự án không thực hiện do dự kiến sáp nhập đơn vị hành chính; 01 dự án vướng mặt bằng đang tạm dừng. Thực hiện duy tu bảo dưỡng 08 công trình, kinh phí 6.672 triệu đồng.
Về Tiểu dự án 2: Triển khai Đề án hỗ trợ huyện Văn Quan thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg, kế hoạch vốn giao 14.279 triệu đồng, tỉnh đã phân bổ 5.279 triệu đồng (còn 9.000 triệu đồng chưa phân bổ chi tiết) bố trí cho 04 dự án chuyển tiếp và 1 dự án khởi công mới. Tiến độ có 03 dự án đang trong quá trình thi công; 01 dự án đang giải phóng mặt bằng thi công, 01 dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư để chờ giao vốn chính thức. Thực hiện duy tu bảo dưỡng 02 công trình, kinh phí 1.428 triệu đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện phối hợp với các xã tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn tại cơ sở, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện. Các công trình hạ tầng thiết yếu được ưu tiên đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn một số khó khăn như: Đối với Tiểu dự án 1- Dự án 1, số lượng danh mục công trình trong Chương trình nhiều và phải thông qua HĐND các cấp (huyện, xã) nên chậm trong việc thực hiện thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, đặc thù của Chương trình giảm nghèo là triển khai hầu hết ở các huyện miền núi có thời tiết, khí hậu không thuận lợi, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt nên ảnh hưởng tiến độ thi công. Cán bộ theo dõi, tham mưu ở cấp huyện, xã không những thiếu mà thường xuyên biến động, dẫn đến một số nội dung, nhiệm vụ, hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu và hiệu quả.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư công trình giao thông, cầu, nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo… tại địa bàn 02 huyện Bình Gia, Văn Quan để giảm chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ dân, tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; vận động các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững. Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội./.
Thu Hương
Từ khóa:
-
TP.HCM: Một ngày phát triển thêm 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
03-11-2024 11:50 18
-
Kiên Giang: Chú trọng làm tốt công tác quản lý nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn
01-11-2024 18:11 05
-
Quận Ngô Quyền: Nỗ lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công
02-10-2024 10:51 36
-
Hoà Bình: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
31-10-2024 11:24 10
-
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
31-10-2024 08:29 49
-
Long An nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng
31-10-2024 07:48 26