Xã hội
Lấy ý kiến Dự thảo Sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công
04:27 PM 25/06/2019
(LĐXH) - Ngày 24/6/2019, tại TP.HCM, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Sửa đổi). Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tham dự và chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảo

Tham dự hội thảo còn có ông Huỳnh Văn Tý – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Duy Kiên – Phó Cục trưởng cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cùng đại diện lãnh đạo các sở LĐ-TB&XH khu vực phía Mam…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến của người có công với cách mạng.

Hiện nay, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công (ban hành năm 2012, hiện còn hiệu lực) đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Trong đó, chưa có một khái niệm chung thế nào là “người có công với cách mạng”; chưa được làm rõ về điều kiện, tiêu chí mức độ cống hiến, đóng góp, hy sinh; chưa quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người hoạt động cách mạng các thời kỳ…

Chính vì vậy,  hội thảo lần này nhằm mục đích  lấy ý kiến cho dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi một cách toàn diện, nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ. Huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, của các tổ chức, cá nhân để cùng với nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; Xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên Người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM phát biểu tại Hội thảo

Trong đó, quan trọng là bảo đảm công khai, minh bạch trong công nhận và tôn vinh người có công với cách mạng, với đất nước; bảo đảm nguyên tắc cống hiến và công bằng trong thực hiện chế độ ưu đãi người có công, kế thừa và nâng tầm hiệu lực pháp lý các quy định của pháp luật ưu đãi người có công hiện hành vẫn còn phù hợp; bảo đảm tính khả thi trong việc giải quyết hồ sơ xác định đối tượng người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn lịch sử cách mạng; kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác chăm sóc người có công.

Thứ trưởng cũng cho biết, nội dung tại dự thảo sửa đổi lần này gồm có 7 chương và 59 điều (tăng 2 chương và 11 điều), trong đó điểm mới được đưa vào là đặt tên điều và tên chương (pháp lệnh trước không có). Dự thảo lần này cũng được thiết kế theo hướng quy định cụ thể điều kiện quy định từng diện đối tượng theo các chế độ chính sách.Trong đó, phạm vi điều chỉnh được tập trung vào 2 nhóm đó là: Thứ 1: Quy định về đối tượng, điều chỉnh một số chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Thứ 2 là trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Thứ trưởng  Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công tập trung sửa đổi các nội dung cơ bản như:  bổ sung 1 điều quy định về đối tượng áp dụng của Pháp lệnh, quy định rõ hơn về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, quy định về giải thích từ ngữ đối với “người có công với cách mạng”, “người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, “nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”, “dũng cảm”, “người có công nuôi liệt sĩ”, “thân nhân người có công với cách mạng sống cô đơn không nơi nương tựa”; bổ sung các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chuẩn đối với 11 đối tượng người có công. Về chế độ chính sách, dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; chế độ bảo hiểm cho thân nhân người có công.

Cũng theo thứ trưởng Lê Tấn Dũng, so với Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành, dự thảo Pháp lệnh tập trung sửa đổi các nội dung như: Bổ sung 01 điều quy định về đối tượng áp dụng của Pháp lệnh, bao gồm: người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh đã quy định rõ hơn về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, cụ thể: (i) Đối tượng liên quan đến nhiễm chất độc hóa học theo hướng quy định người hoạt động kháng chiến mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi (thay vì quy định người bị nhiễm chất độc hóa học là chưa đảm bảo về mặt khoa học); (ii) Quy định rõ đối tượng người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày như sau “Người bị địch bắt tù, đày là người bị địch bắt tù, đày do tham gia cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế”.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nếu ý kiến tại hội thảo

Bên cạnh đó, dự thảo Pháp lệnh đã sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chuẩn đối với 11 đối tượng người có công. Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; chế độ bảo hiểm cho thân nhân người có công.

Tại hội nghi, nhiều ý kiến về dự thảo sửa đổi lần này từ đại diện một số sở LĐ-TB&XH cũng đã được nêu ra. Theo ông Lê Minh Tấn – Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM thì cơ bản về nguyên tắc là đồng ý với các nội dung cần sửa đổi của dự thảo đã nêu, tuy nhiên có một số nội dung cần xem xét và sửa đổi thêm như: Mức độ cống hiến của người có công với cách mạng; Yêu cầu phải công bằng minh bạch, rõ ràng cho người có công cách mạng và toàn thể tầng lớp xã hội; Vấn đề “ Đền ơn đáp nghĩa” cần phải được nhấn mạnh. Mở rộng thêm huy chương kháng chiến ngoài huân chương kháng chiến; Vấn đề tái giá cho trường hợp có vợ hoặc chồng là liệt sỹ cũng cần được nêu lên. Đồng thời đề  nghị cần xây dựng Pháp lệnh ưu đãi người có công trở thành luật, vì pháp lệnh còn hạn chế.

Ngoài ra, các đia phương Kiên Giang, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Nam, Long An, Đồng Nai, Bình Thuận, Sóc Trăng….cũng đưa ra những ý kiến, đóng góp về dự thảo sửa đổi pháp lệnh người có công lần này. Các ý kiến tập trung về nội dung quy định về vợ liệt sĩ tái giá, nâng trợ cấp tiền thờ cúng liệt sĩ, chế độ mai táng phí, quan tâm đầu tư các công trình bia, đền thờ liệt sĩ với mức kinh phí phù hợp,  từ ngữ giải thích trong các điều cần rõ ràng, chính xác,  phù hợp với điều kiện và tình hình mới hiện nay.

Nhiều  ý kiến đóng góp tại dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công ( sửa đổi)

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, đề xuất của các địa phương cũng như làm rõ các nội dung trong dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công ( sửa đổi), Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã ghi nhận, đồng thời để nghị các địa phương tổng hợp, gửi văn bản để Bộ tổng hợp và đưa vào dự thảo Pháp lệnh những ý kiến, kiến nghị đề xuất mà đang vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương trong cả nước. Thứ trưởng cũng cho rằng, những ý kiến phản ảnh từ thực tiển, dù chưa phổ biến nhưng đây là thực tế. Một trong những nút thắt mà chúng ta không tháo gỡ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng. Thứ trưởng cũng khẳng định, các ý kiến góp ý cho dự thảo lần này bô ghi nhận và tiếp thu và đưa vào trong pháp lệnh hoặc đưa vào Nghi định.

Vương Linh - Lê Việt

 

Từ khóa: