Mường Tè: Triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững
(LĐXH)- Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện Mường Tè đã triển khai tích cực, đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân.
Mường Tè là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu với tỷ lệ hộ nghèo cao, 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 14 đơn vị hành chính xã, thị trấn với dân số trên 49.000 người, có 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Hết năm 2023, toàn huyện còn trên 5.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ gần 48%.
Để công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt kết quả, huyện Mường Tè tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
Lãnh đạo huyện Mường Tè thăm mô hình trồng cây sâm mang lại giá trị kinh tế cao của nhân dân bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ
Huyện đã tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, như: hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở, trong đó quan tâm đến các xóm, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và các chính sách dân tộc; tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ ngân sách Nhà nước nhằm thực hiện các chương trình đạt hiệu quả cao...
Trong giai đoạn 2019 - 2024, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn qua các nguồn và hình thức đầu tư, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, đến nay toàn bộ 13 xã của huyện Mường Tè đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa. Tất cả trường học, trạm y tế xã trên địa bàn đều được xây dựng kiên cố; trên 95% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; trên 98% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Huyện cũng hỗ trợ người dân các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng y tế; xóa bỏ tư tưởng tự ti của đồng bào để hòa nhập vào sự phát triển chung; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, thời gian qua huyện đã triển khai nhiều giải pháp cũng như triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông hiệu quả như: mô hình chăn nuôi ngựa tại xã Tà Tổng; mô hình trồng cây Khoai Sọ tại xã Nậm Khao, Bum Tở; mô hình trồng cây Đẳng Sâm tại xã Tà Tổng; mô hình trồng cây Dong riềng tại xã Mường Tè… Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân vay nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Đến nay tổng huy động vốn cho vay tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội huyện đạt hơn 424 tỷ đồng, tăng 21,2 tỷ đồng; tổng dư nợ là gần 423,8 tỷ đồng, tăng hơn 21 tỷ đồng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được quan tâm thực hiện. Tính đến tháng 8/2024, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 770 lao động nông thôn, đạt 70% kế hoạch tỉnh và Nghị quyết HĐND huyện giao; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 62,1%, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,6% kế hoạch tỉnh và Nghị quyết HĐND huyện giao.
Đồng thời, huyện đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi...
Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mường Tè đã có những chuyển biến tích cực, hiện nay huyện cơ bản không còn hộ đói nghèo kéo dài, đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng (năm 2019) lên 27,6 triệu đồng (năm 2023). Tỷ trọng các ngành ước đạt: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33,6%; công nghiệp và xây dựng 54,8%; dịch vụ 11,6%./.
Mỹ Linh
Từ khóa:
-
GE Vernova Foundation công bố các khoản cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn cầu
21-11-2024 17:39 15
-
Herbalife Việt Nam và VTV3 khép lại mùa thứ hai của Chương trình “Sinh Viên Thế Hệ Mới” thành công tốt đẹp.
21-11-2024 15:47 57
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
18-11-2024 15:03 39
-
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
23-09-2024 12:15 30
-
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
02-10-2024 12:06 10