Lao động
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
09:43 AM 27/12/2024
(LĐXH) – Năm 2024, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ, viên chức người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Nam Định còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, bộ ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở, các phòng chuyên môn thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh để đơn vị thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Trong năm qua, Trung tâm DVVL Nam Định chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức có hiệu quả các phiên sàn giao dịch việc làm, giải quyết tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhằm khẳng định vị thế của trung tâm trong việc kết nối cung- cầu: giúp lao động nhanh chóng ổn định, sớm quay trở lại thị trường lao động, giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thu hút lao động thông qua các hoạt động tiếp nhận các giao dịch nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu tìm việc làm qua điện thoại, Zalo, Facebook, trang Web của Trung tâm.
Để đơn vị thực sự là địa điểm tin cậy, kênh thông tin thị trường lao động chính thức, nơi kết nối việc làm hiệu quả giữa người lao động và người sử dụng lao động, thời gian qua, Trung tâm luôn tích cực thực hiện các giải pháp như thông tin thị trường lao động về người tìm việc, việc tìm người, phục vụ kết nối cung – cầu lao động. Trong năm 2024, đơn vị đã tổng hợp 882 thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp với gần 35.400 lượt lao động cần tuyển dụng. Tổ chức kết nối, khai thác thông tin của 1.397 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và khai thác 41.255 lượt việc làm trống; xây dựng 01 bản tin phân tích, dự báo thị trường lao động 6 tháng năm 2024.
Năm 2024, Trung tâm DVVL tỉnh Nam Định tổ chức thành công 30 phiên giao dịch việc làm
với 5.116 lượt người tham gia tìm kiếm việc làm, 2.813 lượt người tham gia phỏng vấn, 476 người được tuyển dụng
Trong năm qua, đơn vị đã tiếp nhận 9.580 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, có 9.611 lượt lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hàng tháng; 9.742 lượt người được chi trả TCTN; tư vấn cho 737 người không nộp hồ sơ hưởng TCTN và quay trở lại thị trường lao động; 142 người được hỗ trợ học nghề và 729 người có việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, tổ chức thành công 30 phiên giao dịch việc làm, với 509 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng và 5.116 lượt người tham gia tìm kiếm việc làm, 2.813 lượt người tham gia phỏng vấn, 476 người được tuyển dụng và 1.231 người được doanh nghiệp hẹn sau phỏng vấn.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hiện nay, Trung tâm DVVL tỉnh Nam Định còn gặp một số khó khăn như: Trụ sở làm việc của Trung tâm chưa cố định; Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo cho hoạt động của Trung tâm. Đội ngũ cán bộ viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của trung tâm còn mỏng, phải kiêm nhiệm trong khi quy mô lao động và số lượng doanh nghiệp trên địa bàn lớn.  Nguồn lực bố trí cho công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, khai thác thông tin thị trường, đặc biệt là phân tích thị trường lao động còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. Một số văn bản pháp luật quy định thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa phù hợp và đồng bộ với các văn bản pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính gây nhiều khó khăn vướng mắc cho trung tâm trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng lao động trong giai đoạn vừa qua tăng do các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông làm việc trong các lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử, máy tính, dệt may... Việc thu thập thông tin người tìm việc gặp nhiều khó khăn: những lao động tìm việc trực tuyến trên hệ thống website, facebook, zalo của Trung tâm cũng khá lớn nhưng không được tính.
Mặt khác, trình độ của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nhất là về vấn đề ngoại ngữ, tin học, kinh nghiệm vì vậy việc kết nối việc làm đạt tỷ lệ thành công thấp trong khi giao dịch giới thiệu lao động số lượng nhiều. Số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng nên thời gian dành cho công tác tư vấn cho đối tượng lao động này tăng...
Đối với một số tồn tại nêu trên, Trung tâm DVVL tỉnh Nam Định đã kiến nghị UBND tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường công tác thanh tra về việc sử dụng lao động của người sử dụng lao động, có biện pháp yêu cầu người sử dụng lao động báo cáo việc sử dụng lao động, biến động lao động theo đúng quy định của pháp luật và tất cả doanh nghiệp trên địa bàn gửi thông tin tuyển dụng lao động về Trung tâm Dịch vụ việc làm để Trung tâm có cơ sở dữ liệu xây dựng thông tin về bản tin thị trường lao động chính xác và kịp thời.
Đồng thời, quan tâm, bố trí kinh phí, cơ sở vật chất và bổ sung nhân lực để đảm bảo cho Trung tâm thực hiện tốt hoạt động khai thác thông tin thị trường lao động; phục vụ cho hoạt động của Sàn giao dịch việc làm; công tác phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ cho nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc có thời vụ tại Hàn Quốc; báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi văn bản pháp luật quy định thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp  cho phù hợp, đồng bộ với các văn bản pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính.
 Nam Khánh
Từ khóa: