Lao động
Nghệ An: Tăng cường kế nối cung – cầu lao động
10:11 AM 24/10/2024
(LĐXH) - Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác an toàn, vệ sinh lao động, quản lý Nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến đáng kể; các hoạt động kế nối cung – cầu lao động được tăng cường với nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực.
Với đặc điểm là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào. Hàng năm, Nghệ An có từ 33.000- 35.000 người đến tuổi lao động. Cùng với số quân nhân, công an hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, số học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường về tỉnh tìm việc làm, lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất có nhu cầu việc làm, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước; số lao động thất nghiệp ở thành thị, thiếu việc làm ở nông thôn, mỗi năm khoảng  60.000 đến 70.000 lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm.
Toàn tỉnh có 54 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có tham gia đào tạo nghề nghiệp, gồm: 09 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 23 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 10 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 03 trường chất lượng cao; 16 trường có các nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế, Khu vực ASEAN và quốc.
Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc tổ chức Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động
Giai đoạn từ 2019 – 6/2024. toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 241.862 lao động (bằng 106,22%  kế hoạch đề ra); trong đó việc làm trong tỉnh 98.742 chiếm 42.17% tổng số lao động được giải quyết việc làm, giải quyết việc làm ngoại tỉnh 45.874 lao động, chiếm 19.59% tổng số lao động được giải quyết việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 97.246 người, chiếm 40.22% tổng số lao động được giải quyết việc làm.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở LĐTBXH Nghệ An đã tiếp nhận hồ sơ thẩm định cấp giấy phép cho 1.274 lao động nước ngoài, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép 09 người, thu hồi 201 giấy phép lao động của lao động nước ngoài (Doanh nghiệp trả lại giấy phép do đã chấm dứt hợp đồng lao động, giấy phép lao động hết hạn); chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cho 113 doanh nghiệp với 1.406 người lao động nước ngoài, trong đó có: 24 vị trí Nhà quản lý, 68 vị trí Giám đốc điều hành, 189 vị trí Chuyên gia, 1.125 vị trí lao động kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH còn phối hợp với UBND huyện Đô Lương tổ chức Ngày Hội Việc làm, thu hút 1.890 lao động với 23 đơn vị, doanh nghiệp, trường nghề tham gia; tổ chức 39 phiên giao dịch việc làm cố định và online với 255 doanh nghiệp, 604 lao động tham gia. Trong đó có 452 lao động được giới thiệu việc làm. Đồng thời, có 61 Phiên giao dịch việc làm lưu động và tư vấn tại các địa phương, các trường Phổ thông trung học (gồm 06 phiên dành cho Bộ đội xuất ngũ tại Trung đoàn 764 Nghi Kim, huyện Nghi Lộc, huyện Anh Sơn, TX Hoàng Mai, TX Cửa Lò, Thành đội Vinh; các phiên ở địa phương: Yên Thành 04; Đô Lương 15; Tương Dương 06, Cửa Lò 02; Thanh chương 10 và  03 phiên cho các trường giáo dục nghề nghiệp...).
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, trong KKT, các KCN có thêm nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động (như: Luxshare-ICT Nghệ An 1 - xưởng số 2, Luxshare Nghệ An 2, Goertek Vina, Everwin, JuTeng, Sunny, Shandong, Runergy, Foxconn, Radiant, Hoa Lợi, Tân Việt, Thiên Năng ...), do đó nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Theo kết quả khảo sát của Ban quản lý KKT Đông Nam đối với các doanh nghiệp trong KKT, các KCN Nghệ An, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng cao: 6 tháng cuối năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng lao động trên 29.945 người, năm 2025 có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động.
Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của những năm tiếp theo, giai đoạn từ năm 2025 - 2029, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm (FDI ) trong KKT, các KCN có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả cung - cầu lao động và tăng cường công tác giải quyết việc làm, trong thời giản tới, Nghệ An tiếp tục tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm nhằm kết nối cung cầu lao động phù hợp với từng địa bàn, trên cơ sở đề xuất của các huyện, thành phố, thị xã để tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, lao động khu vực nông thôn, lao động các xã biên giới được tiếp cận nắm bắt thông tin về việc làm, thị trường lao động từ đó định hướng được nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, xúc tiến thu hút lao động đang làm việc, học tập tại các tỉnh, thành phố ngoài tỉnh (cả lao động người Nghệ An và lao động ngoại tỉnh) về làm việc tại tỉnh Nghệ An. Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; thường xuyên đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên Đài phát thanh & truyền hình, Báo Nghệ An; Website, Facebook, Zalo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Quản lý tốt lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, có các chính sách, đãi ngộ giúp người lao động có việc làm phù hợp. Tăng cường công tác đào tạo nghề, tăng kỹ năng đào tạo gắn với đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tiếng Trung để tạo điều kiện cho người lao động việc làm bền vững. Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, đảm bảo lợi ích chặt chẽ của cả 3 bên: doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động. Có các chính sách, đãi ngộ giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý, cao hơn hoặc bằng các khu vực ngoại tỉnh; tạo điều kiện cho lao động có cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc lành mạnh, tiến bộ nhằm giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài...
 Thục Quyên