Xã hội
Nghệ An tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
03:58 PM 24/09/2024
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Nghệ An đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đầy đủ các chính sách chăm lo cho người nghèo.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nghệ An, thực hiện Chương trình này, tính đến cuối năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 là 2,61% (45.333 hộ nghèo, 50.063 hộ cận nghèo); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân hằng năm là 4,72%, đạt kế hoạch đề ra. Số hộ nghèo của các huyện nghèo (Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn) là 24.197 hộ, tỷ lệ 36,54%; số hộ cận nghèo 14.446 hộ, tỷ lệ 21,82%. Ước tính đến năm 2025, toàn tỉnh còn 28.963 hộ nghèo, tỷ lệ 3,13%. 
Để đạt được kết quả trên, tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, như: tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đầy đủ các chính sách, vận động xã hội hóa chăm lo cho người nghèo. Qua đó, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thiếu hụt cơ bản; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất… để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình trồng khoai sọ ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) đã giúp nhiều hộ nghèo từng bước vươn lên

Cụ thể, về việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, chỉ tính riêng trong năm giai đoạn 2022 – 2023, nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương giao cho tỉnh là 509,976 tỷ đồng; giải ngân đến 31/01/2024 là hơn 321,104 tỷ đồng; đã làm thủ tục kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 là trên 188,054 tỷ đồng; giải ngân số vốn kéo dài trong 5 tháng đầu năm 2024 là hơn 38,31 tỷ đồng. Trong năm 2024, Trung ương đã giao cho tỉnh 247,343 tỷ đồng; giải ngân 5 tháng đầu năm 2024 là hơn 20,662 tỷ đồng (đạt 8,35%); ước giải ngân đến hết năm 2024 đạt 90%.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, giai đoạn 2022-2023, Nghệ An được giao 406,662 tỷ đồng; giải ngân đến 31/01/2024 là hơn 316,068 tỷ đồng; đã làm thủ tục kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 là gần 90,6 tỷ đồng; ước giải ngân đến hết năm 2024 đạt 80%.
Đối với nguồn đối ứng ngân sách địa phương, riêng năm 2023, tỉnh Nghệ An đã ban hành các Quyết định số 2091/QĐ-UBND ngày 18/7/2023 phân bổ 7,15 tỷ đồng và Quyết định số 3039/QĐ-UBND ngày 22/9/2023 phân bổ 2,85 tỷ đồng để hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 của Chương trình. Báo cáo đến cuối tháng 5/2024, đã thực hiện và giải ngân 9,246 tỷ đồng, đạt 92,46%.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, trong 4 năm (2021 – 2024), toàn tỉnh đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 305.876 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, có 31.561 hộ nghèo, 58.373 hộ cận nghèo, 32.327 hộ mới thoát nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, vay vốn cho con đi học, vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; vay vốn sửa chữa, cải tạo, xây mới, mua nhà ở xã hội; vay vốn để làm công trình nước sạch, công trình vệ sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực hiện chính sách về BHYT, trong giai đoạn 2021-2024, Nghệ An có 1.714.838 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT, với số tiền gần 1.652 tỷ đồng. Trong đó, có 386.618 người thuộc hộ nghèo, 329.068 người thuộc hộ cận nghèo, 196.714 người sống ở vùng đặc biệt khó khăn, 802.438 người dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…
Đối với công tác huy động xã hội hoá, tỉnh Nghệ An đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; các cuộc vận động, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, Chương trình “Tết vì người nghèo”; Chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở và huy động các nguồn lực để hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo được tổ chức tạo sự lan tỏa trong nhân dân.
Bằng việc tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, theo dự ước đến cuối năm 2025, tỉnh Nghệ An còn khoảng 28.960 hộ nghèo, trong đó có 24.126 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
Có thể khẳng định, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước kết hợp với các chương trình của địa phương, tỉnh Nghệ An đã huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu nghèo bền vững.
Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến cuối giai đoạn, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và tập trung chính vào địa bàn khó khăn, đối tượng nghèo. Coi đây chính là cơ hội để người nghèo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chí Tâm

Từ khóa: