Xã hội
Người thương binh giàu nghị lực trên quê hương Kinh Bắc
03:45 PM 10/06/2019
(LĐXH) – Từ một Trung đội trưởng gan dạ, xông sáo, quyết đoán đến người thương binh giàu nghị lực, lạc quan, kiên cường chiến đấu giữa đời thương. Đó là thương binh Nguyễn Đức Tuệ ở xã Bằng An, huyện Quế Võ, Bắc Ninh.
Sinh năm 1940, khi tròn 22 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Đức Tuệ lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại tỉnh, ông được cử về Sơn Tây học lớp Tiểu đội trưởng pháo phòng không khóa huấn luyện 3 tháng. Ra trường, về công tác tại C5, E230, F367, tham gia bảo vệ các mục tiêu Nhà máy Dệt và thành phố Nam Định. Năm 1964, giắc Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” rồi chiến tranh leo thang ra Miền Bắc, đơn vị ông được cử bảo vệ Cầu Hàm Rồng. Dần dần từng bước chuyển xuống phương Nam. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Bảo vệ cầu Hàm Rồng rồi vào ngã ba Đồng Lộc. Những chặng đường đã đi qua là những mốc son đánh dấu chiến công của F367 anh hùng.
Quê hương Võ ngày càng đổi thay, trong đó có sự cống hiến máu xương của những người như thương binh Nguyễn Đức Tuệ
Tiếp đó, đơn vị của ông lại được cử vào Vĩnh Linh tuyến đầu của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Theo đoàn quân chiến đấu, năm 1971 đơn vị được lệnh vượt sông Thạch Hãn vào tham gia chiến đấu giải phóng Quảng Trị. Tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào. Lúc này, trên cương vị là Trung đội trưởng, chiến đấu ở mặt trận đường 9 Nam Lào, ông luôn là một chỉ huy gan dạ, bình tĩnh và dũng cảm. Trên chiến trường ác liệt, giữa những làn bom, đạn của giặc Mỹ trút xuống, ông chỉ huy Trung đội chiếm lĩnh trận địa, đánh máy bay địch bổ nhào bắn phá vào đội hình chiến đấu của ta. Hết trận này, đến trận khác. Trong một lần di chuyển chiến đấu, Trung đội gặp một cây lớn đổ chắn đường đi, với bản lĩnh gương mẫu, xông pha đi đầu trong mọi tình huống. Ông cùng một số đồng chí ra cắt cây, dọn đường nhưng không may bị quả mìn vướng nổ làm ông bị thương. Một mảnh đã cắt cụt cánh tay trái, một mảnh găm vào chân và một mảnh vào đầu, đã để lại thương tật hơn 81% trên cơ thể ông. Ông ngã xuống và ngất đi. Đơn vị đưa ông về trạm quân y tiền phương chữa trị. Khi tỉnh dậy, mới biết mình mất một cánh tay và những vết băng kín khắp thân thể. Cuộc đời còn son trẻ nay mất một cánh tay liệu có thành phế nhân? Cả tươnglai phía trước của cuộc đời, cuộc sống của vợ con ông và gia đình sẽ ra sao khi trông cậy cả vào ông?
Dần dà, vết thương ngày một lành lặn, ông được về hậu cứ của đơn vị, được kết nạp vào Đảng, sau đó gửi ông về tuyến sau để điều dưỡng. Cuối năm 1971, ông còn về an dưỡng tại Trại an dưỡng thương binh Hà Bắc. Thấy ông có sức khỏe tốt lại nhiệt tình trong công việc và có trí tiến thủ, cấp trên điều ông về làm cán bộ trạm thương binh huyện Quế Võ để được gần nhà. Trong suốt những năm làm cán bộ ở đây, dù chỉ ở cương vị cấp phó nhưng ông không hề nản chí. Ông luôn đoàn kết thân ái, hòa nhã với mọi người, được mọi người tin yêu, quý mến. Cuộc đời vẫn mỉm cười với ông. Ông sinh được 5 người con: 3 gái, 2 trai đều học hành chăm ngoan. Đến nay, ông đã lên chức cụ. Năm 1985, ông nghỉ hưu, vào thời điểm đó, với đồng lương hưu và lương thương binh nuôi cả gia đình một vợ, năm con cộng thêm bố mẹ già thật là vất vả. Ông gắng gượng vươn lên khó khăn. Ông làm lụng đủ thứ việc từ đan nát rổ giá, nong nia đến đóng cay vôi làm nhà. Ông cùng vợ con vượt qua quãng đường đời gian nan, chật vật.
Đất nước đổi mới đi lên, khu công nghiệp ra đời, các con ông đã làm nên cuộc sống mới. Các con ai cũng hiếu thảo, chịu thương, chịu khó làm ăn, đời sống dần khấm khá. Nay cong trai ông đã được kết nạp đảng, làm trưởng thôn hai khóa. Các cháu cùng học hành chăm ngoan, có cháu lại lên đường nhập ngũ, tiếp nối truyền thống quê hương và gia đình.
Về phần ông, tuổi tác ngày càng cao, vết thương cũ lại tái phát. Hiện nay, ông lúc tỉnh lúc mê, cơn đau dữ dội trong đầu, trên cơ thể lại ập đến. 6 năm trở lại đây, ông phải ngồi xe lăn. Những lúc tỉnh táo, ông vẫn mỉm cười và tự động viên “thôi thì cái số tôi nó phải thế…”.
Hàng ngày, hàng giờ ông phải vật vã với những cơn đau chiến tranh để lại. Bà con, chòm xóm ai cũng yêu thương, quý mến, cảm kích người thương binh sáng ngời bản lĩnh lạc quan, kiên cường trong chiến đấu với địch, kiên cường chiến đấu giữa đời thường./.
Đinh Văn Hậu
Từ khóa: