Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Kon Tum
(LĐXH) – Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Kon Tum đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho một bộ phận nhân dân.
Tu Mơ Rông là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa có xã và thôn nào đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền huyện Tu Mơ Rông luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển mạnh ngành nghề nông thôn, phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh công tác phát triển sản xuất tăng thu nhập người dân, huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã vận động chú trọng thay thế các giống cây trồng cũ cho năng suất thấp bằng các giống mới phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu cho năng suất cao hơn. Tập trung phát triển các loại cây trồng có lợi thế và giá trị kinh tế cao như cây sâm dây, sâm Ngọc Linh, sơn tra gắn với hình thành, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung và bảo quản, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất trong xây dựng các sản phẩm OCOP. Đồng thời, khuyến khích và tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho người người yên tâm lao động sản xuất. Và hiện, huyện đã phê duyệt 4 dự án chuỗi liên kết, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với 10 chuỗi liên kết để trình phê duyệt.
Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị và các xã tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất; đồng thời, định hướng, tư vấn cho người dân trong vấn đề phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ.
Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều toàn huyện giảm 10,50%. Trong đó, giảm 562 hộ nghèo (tỷ lệ giảm 8,48%), hộ nghèo còn lại 2.297/7.050 hộ, chiếm tỷ lệ 32,58% tổng số hộ toàn huyện; giảm 137 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ giảm 2,02%), hộ cận nghèo còn lại 295/7.050 hộ, chiếm tỷ lệ 4,18%.
Tại huyện Đăk Glei, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện được thực hiện 7 dự án thành phần (7 tiểu dự án liên quan) bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Theo đó, năm 2024, huyện xây dựng mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,5-4%/năm. Trong đó, một số địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cụ thể như: xã Đăk Long phấn đấu giảm 6,53% tỷ lệ hộ nghèo; xã Đăk Môn phấn đấu giảm 1,97% hộ nghèo; xã Đăk kroong 1,73% hộ nghèo; xã Đăk thị trấn phấn đấu giảm 3,49% hộ nghèo; xã Đăk Pék phấn đấu giảm 2,21% hộ nghèo; xã Đăk Nhoong phấn đấu giảm 1,67% hộ nghèo; xã Đăk Man phấn đấu giảm 6,1% hộ nghèo; xã Đăk Plô phấn đấu giảm 2,51% hộ nghèo; xã Đăk Choong phấn đấu giảm 2,5% hộ nghèo; xã Xốp phấn đấu giảm 3,57% hộ nghèo; xã Mường Hoong phấn đấu giảm 10,57% hộ nghèo và xã Ngọc Linh phấn đấu giảm 10,91% hộ nghèo.
Là huyện mới ở vùng biên được tách ra từ huyện Sa Thầy, ngoài việc chăm lo phát triển sản xuất, chính quyền huyện Ia H’Drai xác định mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc ở vùng biên. Toàn huyện có tổng diện tích hơn 98.000ha với 3 xã gồm Ia Dom, Ia Tơi và Ia Đal; dân số 11.600 người, trong đó 62% là người DTTS.
Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là hơn 42%, sau hơn 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,9% (chủ yếu là người mới vào định cư), và dự kiến năm 2024 chỉ còn hơn 1% theo tiêu chí mới. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng người dân và doanh nghiệp địa phương trong thực hiện công tác xóa nghèo.
Để giúp những hộ mới định cư, chính quyền đã phối hợp với các công ty hỗ trợ, chăm lo đời sống cho người dân. Các công ty cao su trên địa bàn khi tuyển mới lao động đều bố trí, tạo điều kiện nơi ăn, chỗ ở ổn định cho công nhân; tổ chức đào tạo nghề trước khi bố trí việc làm. Cùng với đó, mỗi công nhân đều được nhận khoán vườn cây khai thác từ 4 - 5ha, được cấp từ 500 - 1.000m2 đất để định cư.
Anh Phạm Duy Vương- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray cho biết, với công nhân mới, trong tháng đầu, Công ty hỗ trợ tiền ăn, nhu yếu phẩm để đảm bảo đủ yêu cầu sinh hoạt. Nếu công nhân làm nhà, đơn vị sẽ cho vay 30-50 triệu đồng, trả góp trong 2 năm; giới thiệu đất tại vị trí quy hoạch để xây nhà. Ngoài thu nhập từ Công ty (bình quân hơn 9 triệu đồng/tháng), người lao động còn được tạo điều kiện tăng gia sản xuất (trồng lúa, rau màu) tại các vị trí đất bờ lô, ven suối.
Hà Giang
Từ khóa:
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55