Lao động
Những kết quả nổi bật của Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững
09:05 AM 28/12/2024
(LĐXH)- Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Tiểu dự án 3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Dự án 4 đã ghi nhận những kết quả quan trọng, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Ngay từ khi khởi động, Tiểu dự án 3 nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành. Quốc hội đã cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước dành cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2023 sang năm 2024 nhằm đảm bảo tính liên tục và hiệu quả. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo Chương trình, xây dựng kế hoạch thực hiện rõ ràng, cụ thể cho từng năm và cả giai đoạn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đóng vai trò chủ đạo trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đặc biệt, Cục Việc làm đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai Tiểu dự án, trả lời vướng mắc và điều chỉnh chính sách kịp thời. Các địa phương cũng chủ động tham mưu, ban hành các nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các nội dung của Tiểu dự án.
Sự phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương được thực hiện chặt chẽ. UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt là Sở LĐTBXH, triển khai hiệu quả các hoạt động. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, giúp chính sách giảm nghèo và hỗ trợ việc làm lan tỏa đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
47 địa phương đã được Nhà nước phân bổ vốn để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động,
xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến và cơ sở dữ liệu việc làm
Song song với đó, công tác giám sát được chú trọng từ trung ương đến địa phương. Cục Việc làm đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra đến các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình thực tế, từ đó kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Hệ thống báo cáo trực tuyến cũng được xây dựng, giúp cập nhật nhanh chóng các kết quả và đề xuất từ địa phương.
Một trong những thành tựu nổi bật của Tiểu dự án 3 là việc giải quyết hiệu quả thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản trong lĩnh vực việc làm. Tính đến nay, 100% người lao động thuộc diện hỗ trợ, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đã được tư vấn, kết nối và cung cấp thông tin về thị trường lao động.
Từ năm 2022 đến nay, các địa phương đã hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho khoảng 27.000 lao động. Đặc biệt, những lao động ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cũng được ưu tiên. Những nỗ lực này không chỉ giúp người lao động tìm được việc làm ổn định mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin là một hoạt động quan trọng. Với sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, 47/47 địa phương đã được phân bổ vốn để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến và cơ sở dữ liệu việc làm. Một số địa phương đã hoàn tất thủ tục đấu thầu, triển khai đầu tư và báo cáo kết quả giải ngân.
Cơ sở dữ liệu việc làm cũng được xây dựng nhằm kết nối hiệu quả giữa người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa báo cáo chi tiết kết quả, điều này đặt ra thách thức trong việc đo lường và đánh giá hiệu quả toàn diện.
Từ đầu năm 2023 đến quí 3 năm 2024, cả nước đã tổ chức 929 phiên giao dịch việc làm, cung cấp thông tin và tư vấn việc làm cho hơn 224.900 lao động. Các ngày hội việc làm ở cấp huyện thu hút hàng nghìn người tham gia, tạo cơ hội kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động. Đây là những con số đáng khích lệ, chứng tỏ sự nỗ lực của các địa phương trong việc hỗ trợ người lao động.
Bên cạnh đó, việc quản lý lao động được gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến ngày 7/12/2023, đã có gần 12 triệu người lao động được nhập dữ liệu. Một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp đã hoàn tất, trong khi các địa phương khác đang nỗ lực triển khai.
Việc thu thập, phân tích và dự báo thị trường lao động đã được triển khai tốt tại một số địa phương. Trong năm 2022, 8/63 tỉnh đã báo cáo kết quả, với 17 cuộc khảo sát và 10 ấn phẩm dự báo thị trường lao động được phát hành. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn, đòi hỏi sự nỗ lực triển khai từ các địa phương khác.
Với những hoạt động thiết thực và những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững khẳng định là một phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, phát triển và bền vững./.

Đặng Thị Thảo Lan