Những mô hình kinh tế hiệu quả của cựu chiến binh huyện Bắc Yên
(LĐXH) – Trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh huyện Bắc Yên (Sơn La) lại phát huy tinh thần của người lính Bộ đội cụ Hồ không ngại khó khăn, gian khổ, vươn lên phát triển kinh tế với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hội Cựu chiến binh huyện Bắc Yên hiện có 16 cơ sở hội khối xã, thị trấn, 3 cơ sở hội khối các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, với trên 1.700 hội viên. Thời gian qua, bên cạnh việc tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở; luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, hội viên cựu chiến binh huyện cũng chú trọng thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Hội luôn chủ động tìm giải pháp để thúc đẩy việc phát triển kinh tế ở mỗi chi hội, gia đình hội viên bằng cách đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hơn 1.500 hội viên vay vốn sản xuất với tổng dư nợ trên 60 tỷ đồng. Tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh phong trào trồng cây sơn tra kết hợp chăn nuôi đại gia súc, tập trung ở các xã vùng cao Hang Chú, Xím Vàng, Háng Đồng; trồng cây ăn quả trên đất dốc, ghép nhãn, xoài ở các xã vùng thấp Song Pe, Chiềng Sại, Mường Khoa.
Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của cựu chiến binh xã Song Pe
Đến nay, toàn Hội có 3 hợp tác xã do hội viên cựu chiến binh làm chủ; 26 trang trại, 222 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; 73 mô hình dịch vụ, kinh doanh tổng hợp, dịch vụ ăn uống hoạt động hiệu quả... Trong đó, có các cựu chiến binh điển hình, như: Phạm Hồng Thái, Trần Văn Tiến (thị trấn Bắc Yên), Nguyễn Văn Quý (xã Mường Khoa), với mô hình kinh doanh tổng hợp kết hợp trồng cây ăn quả trên đất dốc, có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm; Lường Văn Chuẩn (xã Phiêng Ban), Lò Đình Ún (xã Chim Vàn), Lồ Văn Sính (xã Chiềng Sại), Mùa A Sáu (xã Làng Chếu), phát triển mô hình chăn nuôi gia súc nhốt chuồng và mô hình VAC, thu nhập bình quân hơn 100 triệu/năm... Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 19,7% (năm 2017) còn 8,8% (năm 2021), số hội viên khá, giàu đạt trên 70%.
Cựu chiến binh Lừ Văn Hồng, bản Pót, xã Mường Khoa có một gia trại rộng hơn 5.000 m2 mô hình VAC nuôi các loại cá, trồng cây ăn quả và hơn 20 con lợn hàng hóa, 5 con lợn nái sinh sản, 400 con gia cầm các loại, thu nhập từ các nguồn hơn 200 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn đi đầu trong các phong trào của địa phương, trở thành điển hình sản xuất giỏi của xã. Ông Hồng cho biết: Khi trong bản có công việc gì tôi đều sẵn sàng giúp đỡ và mạnh dạn thực hiện trước để bà con học tập. Tôi cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ trong bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, đưa giống mới, chất lượng cao vào gieo trồng phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương.
Hay như cựu chiến binh Đinh Văn Chấn ở bản Pe, xã Song Pe cũng thành công với mô hình trồng cây ăn quả. Trước đây, gia đình có 4 ha nhãn trồng từ năm 1996 đã già cỗi, cách một năm cây mới cho quả, thu nhập bấp bênh. Trăn trở với việc cải tạo vườn cây, vừa tham khảo trên sách báo, vừa đi học tập, tham quan một số mô hình nhãn ghép tại huyện Mai Sơn và Sông Mã, đặc biệt là nhờ có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cựu chiến binh Đinh Văn Chấn đã triển khai áp dụng phương pháp ghép giống mới trên 1 ha nhãn của gia đình. Sau 1 năm, nhãn ghép đã cho quả, thu được hơn 5 tấn quả, bán được hơn 80 triệu đồng. Phấn khởi với kết quả thu được, ông tiếp tục ghép thêm 1 ha nhãn nữa, đến nay, với 2 ha nhãn ghép bình quân mỗi năm cho sản lượng khoảng 30 tấn quả, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ngoài diện tích nhãn đang phát triển xanh tốt, năm 2017, từ số tiền tích góp bán nhãn ông Chấn tiếp tục đầu tư trồng mới 4 ha xoài và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho diện tích cây ăn quả của gia đình. Nhờ áp dụng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sau 3 năm, diện tích xoài của gia đình bắt đầu cho thu hoạch. Vụ xoài năm 2020, gia đình anh Chấn bán được gần 8 tấn, thu gần 100 triệu đồng. Dự kiến, từ năm 2022 trở đi, sản lượng xoài mỗi năm ước đạt 40-50 tấn, sẽ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh từ 350 đến 450 triệu.
Những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của các cựu chiến binh huyện Bắc Yên đã giúp các hộ gia đình cựu chiến binh tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó cũng giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn./.
Minh Cảnh
Từ khóa:
-
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
06-11-2024 15:27 49
-
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
22-11-2024 14:49 00
-
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
26-11-2024 14:41 29
-
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
25-11-2024 16:34 23
-
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
25-11-2024 16:34 03
-
Hỗ trợ 60 triệu đồng cho hộ người có công khi xây mới nhà ở
25-11-2024 15:37 59