Xã hội
Nơi đảm bảo quyền được sống, học tập và làm việc của nạn nhân bị mua bán trở về
06:58 AM 22/10/2020
(LĐXH)-Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 – tháng 6/2020, Lào Cai đã tiếp nhận 825 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó số nạn nhân trong tỉnh là 345 người (41%), số còn lại thuộc các tỉnh thành trong cả nước, có 02 nạn nhân thuộc nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, 02 nạn nhân Campuchia; có 85% số nạn nhân là người dân tộc thiểu số chủ yếu là người Mông, người Dao và người Thái.
Phần lớn các đối tượng bị lừa bán do thiếu sự quan tâm của gia đình. Trình độ văn hoá thấp: mù chữ 21%, trung học cơ sở 78%, trung học phổ thông và chuyên nghiệp 1%. Hầu hết các nạn nhân trở về gặp nhiều khó khăn như: Gia đình khó khăn kinh tế, sự kỳ thị của cộng đồng, rối loạn tinh thần, sang chấn tâm lý nặng nề, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một số trẻ em trở về cùng mẹ không có giấy khai sinh, một số mang thai. Một số nạn nhân trở về không còn hộ khẩu, đang học phổ thông dở dang, có nạn nhân bị thương. Không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp (78,5% làm nông nghiệp); thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức đi làm ăn xa an toàn. Nạn nhân đang phải sống trong nỗi đau khổ cả về thể chất lẫn tinh thần, bị kỳ thị, xa lánh sau khi bị mua bán, làm cho nỗi bất hạnh càng tăng lên gấp bội.
Các nạn nhân bị mua bán trở về được Nhà Nhân ái hỗ trợ học văn hóa, học nghề, chữa trị sang trấn tâm lý để tiếp tục một cuộc sống mới
Để giải quyết những vấn đề của nạn nhân bị mua bán trở về, 100% nạn nhân được giải cứu trở về đều được tỉnh Lào Cai thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định của Luật Phòng chống mua bán người, Nghị định 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ. Các nạn nhân khi tiếp nhận đều được sắp xếp chỗ ăn ở an toàn, được tư vấn về tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp pháp lý được hỗ trợ 100% tiền mua bảo hiểm y tế, được chuyển tuyến về gia đình và các cơ sở hỗ trợ nạn nhân an toàn khác.
Đặc biệt, Nhà Nhân ái – mô hình Tổ chức Vòng tay Thái Bình (NGO) của Mỹ tài trợ 100% bao gồm cả chi phí hoạt động cho nạn nhân và chi phí lương cho nhân viên. UBND tỉnh Lào Cai cấp 2000m2 đất đối ứng; Đại sứ quán Anh tài trợ tiền xây dựng toàn bộ Nhà Nhân ái đã thực hiện rất hiệu quả tất cả khâu: Tiếp nhận ban đầu tại các Đồn biên phòng; Hỗ trợ phục hồi tại Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; Kết nối các dịch vụ, chuyển tuyến an toàn giúp học viên học nghề, học văn hóa, vay vốn giải quyết việc làm; Đánh giá, Chuẩn bị hồi gia; Giám sát quá trình hòa nhập cộng đồng, chuyển giao kết thúc.
Những giây phút bình an của nạn nhân tại Nhà Nhân ái
Từ khi thành lập năm 2010 đến nay, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận, hỗ trợ cho 248 nạn nhân bị mua bán trở về. Tính riêng năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 nên tới nay mới tiếp nhận mới 15 học viên (100% dân tộc thiểu số), trong số các nạn nhân được tiếp nhận có 54 trẻ em (26%), 30 em đang học phổ thông, 20 em đã từng bỏ học, 10 em khó khăn trong giao tiếp không biết tiếng Kinh, gia đình khó khăn, nhiều em sống trong gia đình có bố nghiện rượu, mẹ bỏ đi lấy chồng, có những em 15 tuổi khi bố biết đã về lưu trú tại Nhà Nhân ái ra bắt con về để ép gả chồng. Nhờ có sự can thiệp kịp thời và sự phối hợp với chính quyền xã nơi cư trú của nhân viên công tác xã hội tại Nhà Nhân ái nên em này đã được giải thoát, đến nay em đã và đang theo học trường Đại học.
Tại đây 100% các nạn nhân được nhân viên tại Nhà Nhân ái tư vấn ổn định về tâm lý, chế độ hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân gồm tư vấn, tham vấn tâm lý cho nạn nhân và thực hiện các liệu pháp trị liệu cá nhân, nhóm. Được cung cấp thức ăn, bố trí chỗ ngủ an toàn, trang bị tư trang quần áo. Tổ chức kết nối với các bệnh viện tỉnh để khám chữa bệnh cho 100% các nạn nhân, nhất là sự chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nạn nhân kịp thời (100% nạn nhân là nữ). Tư vấn về HIV/AIDS, 100% các nạn nhân được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Trong thời gian ở Nhà Nhân ái các nạn nhân được về thăm thân thường xuyên, thường là 3 tháng về 1 lần hoặc khi gia đình có việc gấp, mọi chi phí đi lại các em đều được Nhà Nhân ái hỗ trợ.
Cùng với đó, Nhà Nhân ái đã tích cực thực hiện hiệu quả hoạt động kết nối các dịch vụ, chuyển tuyến an toàn. Cán bộ Ban quản lý thường xuyên phối hợp với Công an địa phương ngoài tỉnh, các gia đình nạn nhân các tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường nơi nạn nhân sinh sống để tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân có nguyện vọng trở về. Các nạn nhân trước khi trở về bàn giao cho gia đình, đều có sự kết nối thông tin bằng văn bản cho các địa phương nơi cư trú (Phòng Lao động TBXH các huyện, UBND xã phường nơi nạn nhân cư trú).
Khi các nạn nhân được trở về gia đình, nhân viên công tác xã hội của Ban quản lý và Nhà Nhân ái phải kết nối với các địa phương giám sát quá trình tại cộng đồng và có kế hoạch hỗ trợ tiếp theo như học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ khó khăn ban đầu mới về nhà theo ngân sách địa phương quy định 1 triệu đồng/nạn nhân/đợt. Đặc biệt, với trẻ em bị mua bán có kế hoạch riêng, cùng với gia đình chăm sóc kỹ hơn.
Đồng thời Nhà Nhân ái đã hỗ trợ phục hồi, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, chuẩn bị các điều kiện để nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Hoạt động tư vấn về học nghề, việc làm tại Nhà Nhân ái luôn được đẩy mạnh. Tại Nhà Nhân ái, các nạn nhân được tự nguyện lựa chọn học nghề hoặc học phổ thông, có nhiều em học hết phổ thông và thi vào các trường chuyên nghiệp của tỉnh, học tại Trung tâm dạy nghề Hoa sữa và Koto Hà Nội, Trường nghề Đà Nẵng, có em thi đỗ và đã tốt nghiệp đại học Lao động xã hội Hà Nội, có em hiện đang theo học Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Cụ thể: Có 02 em học Đại học, 01 em học Cao đẳng, 12 em học Trung cấp, 17 em học xong văn hóa, 35 em học nghề.
 Những nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh đều được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Đến nay, Nhà Nhân ái đã hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 121 người với mức hỗ trợ từ 1.000.000 – 4.000.000 đ/người. Việc hỗ trợ vốn trồng trọt, chăn nuôi đã kịp thời giúp nạn nhân giải quyết được khó khăn ban đầu và đang góp phần nâng cao mức sống của nạn nhân. Chương trình trao sổ tiết kiệm của Nhà Nhân ái để tạo vốn cho các em đã được hưởng ứng có hiệu quả. Đã có trên 20 em lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đặc biệt có em đã tiết kiệm được 6 triệu đồng từ lao động của chính bản thân, đã được Nhà Nhân ái hỗ trợ thêm 6 triệu đồng nữa là 12 triệu đồng để các em tự mở cửa hàng may tại Lào Cai, tạo việc làm và thu nhập ổn định, từ đó tự tin, vươn lên trong cuộc sống.
Có thể nói, những năm qua, Nhà Nhân ái đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cơ quan Trung ương như: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động – TBXH và Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Công an, Biên phòng, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - TBXH, chính quyền địa phương nơi đặt Nhà Nhân ái và các cơ sở đào tạo dạy nghề, dạy văn hóa trên địa bàn thành phố Lào Cai. sự hợp tác giúp đỡ về kinh phí và kỹ thuật kịp thời của Tổ chức Vòng Tay Thái Bình, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Nhờ đó, Nhà Nhân ái đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình là bảo đảm quyền con người cho các nạn nhân bị mua bán, đảm bảo các quyền được sống, quyền được bình đẳng, quyền được bảo vệ an toàn, được cung cấp các dịch vụ ăn, ở, khám chữa bệnh (100% các em được hỗ trợ tiền mua bảo hiểm y tế khi trở về Nhà Nhân ái), học văn hóa, học nghề, học kỹ năng sống./.
Mỹ Hằng
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Từ khóa: