Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh mới
(LĐXH) - Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế: hệ thống thể chế, chính sách từng bước được hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, chất lượng lao động và việc làm được cải thiện, cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực, tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Cùng với thị trường hàng hoá - dịch vụ, tài chính, tiền tệ, khoa học - công nghệ và thị trường bất động sản, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và cần được đổi mới, đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn tới.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thị trường lao động
Trong tiến trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước đã ban hành và sửa đổi hệ thống pháp luật về kinh tế và lao động nhằm làm tốt hơn vai trò hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Trong đó, hệ thống chính sách, pháp luật kinh tế đã góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã xác định: Thị trường lao động là một trong những thị trường quan trọng của kinh tế thị trường. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Thị trường (bao gồm thị trường lao động) đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực huy động, phân bố các nguồn lực. Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ chức trong giai đoạn mới cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững.
Bên cạnh đó, các quy định chính sách, pháp luật về thị trường lao động được thể hiện cụ thể trong Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động … được hoàn thiện theo hướng hiện đại và hội nhập, góp phần phát triển thể chế thị trường lao động và đảm bảo vận hành thị trường lao động theo đúng nguyên tắc thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Trên cơ sở đó, nhiều chương trình, đề án quốc gia đã được triển khai thực hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; thành lập Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ tạo việc làm thông qua các dự án vay vốn với lãi suất ưu đãi; thành lập Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước v.v… nhằm phát triển và mở rộng thị trường lao động trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp.
Trong giai đoạn phát triển mới, Chính phủ đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và tiếp tục ban hành các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến phát triển việc làm như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 với mục tiêu: “Phát triển thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Đây là những căn cứ pháp lý và chương trình quan trọng để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập trong bối cảnh mới.
Nhiều kết quả nổi bật
Trong những năm qua, thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang làm việc khu vực sản xuất hàng hóa, kinh tế, có quan hệ lao động. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm nhanh, từ 48,3% năm 2011 xuống còn 40,16% năm 2017 và 27,54% năm 2022; tỷ trọng lao động trong khu vực có quan hệ lao động tăng nhanh, từ 35% năm 2011 lên gần 43% năm 2017 và 53,81% năm 2022; thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện - tiền lương bình quân thực tế theo tháng của người lao động làm công hưởng lương có tốc độ tăng khá nhanh, đạt 12,15% giai đoạn 2011-2022. Hệ thống dự báo cung - cầu lao động, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm được thiết lập thực hiện chức năng tư vấn, kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động trên thị trường lao động trong nước và ngoài nước.
Đặc biệt, năm 2023, sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP, với những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành nên mặc dù nhiều khó khăn nhưng thị trường lao động Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển, các chỉ số cơ bản của thị trường lao động đều có chiều hướng tích cực so với cùng kỳ năm 2022: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người (tăng 666,5 nghìn người so với năm 2022). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9% (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước). Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động dần được cải thiện: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,8% (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước). Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,2 triệu người (tăng 683 nghìn người, tương ứng 1,35% so với năm 2022) ở cả khu vực thành thị và nông thôn (khu vực thành thị là 19,0 triệu người, tăng 1,8%, khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, tăng 1,1%. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh: Trong năm 2023, cả nước đã đưa khoảng 155 ngàn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Chuyển dịch cơ cấu lao động có chiều hướng tích cực: Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người (giảm 118,9 nghìn người, tương ứng 0,9% so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người (tăng 248,2 nghìn người, tương ứng tăng 1,5%); khu vực dịch vụ là 20,3 triệu người (tăng 553,6 nghìn người, tương ứng tăng 2,8%). Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng (tăng 6,9% tương ứng tăng 459 nghìn so với cùng kỳ năm trước). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,2 triệu đồng/tháng. Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm: Có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước (tỷ lệ thất nghiệp tương ứng là 2,28%, giảm 0,06%). Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 918,5 nghìn người, giảm 79,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022 (Tỷ lệ thiếu việc làm tương ứng là 2,01%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực thành thị là 1,61%, khu vực nông thôn là 2,26%). Độ bao phủ bảo hiểm được mở rộng: Năm 2023 có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao đọng trong độ tuổi; trong đó khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi; 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Nhận diện hạn chế của thị trường lao động
Bên cạnh những thành tựu, thị trường lao động Việt Nam cũng còn những hạn chế: Chất lượng và cơ cấu cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; thị trường vẫn có sự mất cân đối cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ mới chỉ đạt 27% cuối năm 2023, lao động Việt Nam còn yếu và thiếu về các kỹ năng làm việc cốt lõi trong bối cảnh tăng cường hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0; chất lượng việc làm thấp, tỷ trọng lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỷ lệ bao phủ của BHXH và bảo hiểm thất nghiệp còn thấp.
Những yếu kém, hạn chế này lại càng bộc bộ rõ nét hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19: Hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp; gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động (phần lớn là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật); nhiều lao động di cư trở về quê, khiến quan hệ cung - cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp căn cơ lâu dài để khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động, khan hiếm lao động trình độ cao, vẫn tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cục bộ cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phần đông người lao động thiếu hụt các kỹ năng để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của các hạn chế nêu trên là do chính sách thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa đủ mạnh để thúc đẩy tự do hóa lao động trong và ngoài nước, chưa bao phủ hết các nhóm lao động ở khu vực phi chính thức, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các loại hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tự do trên nền tảng trực tuyến...; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động ứng phó với các cú sốc trên diện rộng khi xảy ra khủng hoảng như dịch bệnh, thiên tai, ứng dụng công nghệ cao - tự động hóa…; cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận các bên trong quan hệ lao động cấp doanh nghiệp chưa hoàn thiện; thiết chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công chưa phù hợp với thực tế; thiếu cơ chế chính sách thiết thực trong tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng nhân lực nói chung, nhân lực chất lượng cao nói riêng. Chính sách việc làm công chậm triển khai nên không phát huy được hiệu quả, nhất là trong những thời điểm chịu tác động của dịch bệnh, biến đối khí hậu và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Thêm vào đó, hệ thống giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế, cũng như gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Hệ thống dịch vụ việc làm chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cả người sử dụng lao động và người lao động; công tác định hướng, dự báo thị trường lao động làm chưa làm tốt; hệ thống kết nối cung – cầu lao động lao động chưa được đầu tư hiện đại, các dữ liệu về cung, cầu lao động còn nằm rải rác thiếu sự liên kết, đồng bộ,..
Định hướng phát triển thị trường lao động thời gian tới
Để xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách thị trường lao động theo hướng giải phóng triệt để sức lao động và tự do hóa lao động, thúc đẩy tạo việc làm bền vững. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, đặc biệt là những nội dung đột phá liên quan đến thị trường lao động. Nội luật hoá các cam kết quốc tế và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế nhằm bảo đảm khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện mục tiêu việc làm bền vững đến 2030, đặt ra yêu cầu về sửa đổi và hướng dẫn các luật liên quan cho phù hợp với thông lệ quốc tế như sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật BHXH, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động, .v.v….; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhanh thị trường lao động trình độ cao, tạo môi trường cho lao động trí thức, lao động chất lượng cao tự do di chuyển giữa các ngành, vùng, lĩnh vực trong nước và quốc tế; đổi mới và hoàn thiện cơ chế thu hút, quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và cạnh tranh khu vực, quốc tế. Đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng trang bị năng lực toàn diện cho người học, nhất là năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tiếp cận tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực và thế giới, khả năng lập nghiệp, v.v…; tăng cường đào tạo gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động (nhất là lao động trình độ thấp, lao động trung niên và cao tuổi) phục vụ tái cơ cấu sản xuất của nền kinh tế, thích ứng với thay đổi của khoa học và công nghệ.
Đẩy mạnh các chương trình/đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực sản xuất chip và chất bán dẫn, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội. Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài.
Thứ ba, phát triển hệ thống dịch vụ việc làm chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ tìm việc cho người lao động. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hoá. Tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp, xu hướng ngành nghề và dịch chuyển lao động.
Thứ tư, tăng cường chính sách, chương trình hỗ trợ tạo việc làm và phát triển việc làm bền vững cho các nhóm lao động đặc thù, yếu thế như người nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các nhóm đối tượng yếu thế, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng chiến lược, chính sách tạo việc làm phù hợp và thu nhập thoả đáng cho người cao tuổi có nhu cầu làm việc để người cao tuổi chủ động đảm bảo an ninh thu nhập và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại hướng tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, trong đó cần chú trọng cải cách hệ thống hưu trí, đổi mới các chính sách bảo hiểm tự nguyện, phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung, hấp dẫn người lao động tham gia, giảm nhu cầu hưởng BHXH một lần. Phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đẩy mạnh đàm phán và ký kết các Hiệp định song phương về BHXH, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. Đảm đảm an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy những thế mạnh của kinh tế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tạo việc làm năng suất, chất lượng cho nền kinh tế.
Trong giai đoạn tới cần lồng ghép các mục tiêu phát triển việc làm trong thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng sang những công đoạn có hàm lượng tri thức cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; thực thi bình đẳng hóa giữa khu vực kinh tế nhà nước, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kinh tế tư nhân nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tạo thêm nhiều việc làm mới cho nền kinh tế./.
TS. Lê Văn Thanh
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Từ khóa:
-
Nâng cao văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho thanh niên hiện nay
14-01-2025 14:35 56
-
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
08-12-2024 16:25 28
-
Ông Trần Quản Quốc giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM
09-09-2024 12:21 43
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
14-05-2024 10:45 10
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31