Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
(LĐXH)- Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp giúp cho việc thực hiện lộ trình tự chủ dần dần đi tới những chuyển biến tích cực hơn.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) theo hướng nâng cao tính chủ động trong cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện thu nhập và đời sống cho người lao động và giảm sự bao cấp từ ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, các CSGDNN được trao nhiều quyền hơn, trong đó có quyền tự chủ hoàn toàn hoặc một phần về tài chính.
Theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 là “Đẩy mạnh tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Tăng cường nguồn thu sự nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động liên doanh liên kết và cho thuê tài sản công theo quy định của pháp luật”.
Chính vì vậy, tự chủ tài chính là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp các CSGDNN đảm bảo hoạt động ổn định và phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, việc phát huy các nguồn lực hiện có để thực hiện tự chủ tài chính không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với các CSGDNN, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước có thể giảm đi hoặc không đủ để đáp ứng các nhu cầu của CSGDNN.
Giờ thực hành Lớp Chất lượng cao nghề Điện tử công nghiệp của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh
Tại khoản 1, điều 3 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, xác định: “Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan”.
Căn cứ Nghị định 60/2021/NĐ-CP, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh đã giao cơ chế tự chủ cho các CSGDNN đa số ở mức 3 (đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên); một số CSGDNN được giao cơ chế tự chủ ở mức 2 (đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên).
Phải khẳng định rằng, tự chủ tài chính là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp các CSGDNN đảm bảo hoạt động ổn định và phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, việc phát huy các nguồn lực hiện có để thực hiện tự chủ tài chính không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với các CSGDNN.
Thực tế đã xuất hiện tình trạng các CSGDNN chuyển sang tự chủ ngày càng khó khăn và một số đơn vị đã được giao tự chủ nay xin trở lại không tự chủ. Tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra ngày càng trầm trọng; viên chức có năng lực rời bỏ CSGDNN công lập để làm việc cho khu vực tư nhân hoặc FDI. Nhiều người tuy vẫn giữ biên chế Nhà nước, nhưng không chuyên tâm làm việc mà dành nhiều thời gian đi làm thuê cho cơ quan khác và doanh nghiệp để có thu nhập…
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác truyền thông nội bộ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập cho cán bộ, viên chức, người lao động, tránh tình trạng vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Qua đó, giúp cán bộ, viên chức, người lao động thông hiểu tự chủ là tất yếu và tham gia góp công, góp sức chung tay cùng hệ thống chính trị của nhà trường phát huy tối đa các nguồn lực hiện có để từng bước thực hiện tự chủ tài chính.
Thứ hai, xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ đúng quy định là một trong những bước quan trọng để phát huy được nguồn lực hiện có thực hiện tự chủ tài chính tại nhà trường. Quy chế này đã giúp cho Nhà trường có được một hệ thống quản lý chi tiêu rõ ràng, theo quy định, đảm bảo sự minh bạch và hạn chế các rủi ro trong việc sử dụng nguồn tài chính.
Thứ ba, kết cấu, sắp xếp lại và tổ chức quản lý tốt các nguồn thu theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Nhà trường đã thực hiện kết cấu và tổ chức quản lý tốt các nguồn thu. Cụ thể:
- Về nguồn thu hoạt động sự nghiệp, gồm:
+ Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công (học phí): Xây dựng phương án, lộ trình tăng học phí đúng quy trình theo quy định của Nhà nước và đáp ứng mức sẵn sàng chi trả của người học; mở rộng ngành nghề đào tạo; tăng quy mô tuyển sinh theo sự phát triển của thị trường lao động, đặc biệt chú trọng tuyển sinh trình độ cao đẳng, đào tạo theo chương trình chất lượng cao; đa dạng hóa loại hình đào tạo (nguồn thu chủ yếu chiếm 85,7%).
+ Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh: Liên kết đào tạo với các doanh nghiệp; đưa học sinh, sinh viên thực tập trải nghiệm tại doanh nghiệp; đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên; đào tạo theo hợp đồng liên kết đặt địa điểm đào tạo từ TC, CĐ lên ĐH; liên kết đào tạo Văn hóa (8,9% nguồn thu).
+ Thu từ cho thuê tài sản công: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án cho thuê tài sản công cho Nhà trường. Khai thác có hiệu quả các dịch vụ cho người học như: dịch vụ gửi xe, nhà ăn căng tin và các dịch vụ khác… để từng bước chuyên nghiệp hóa hình thành các chuỗi dịch vụ phục vụ người học (5,2% nguồn thu).
- Nguồn thu lệ phí tuyển sinh được để lại chi theo quy định của pháp luật (0,2% nguồn thu).
- Nguồn vốn vay, vốn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật: Tham gia dự án ODA “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện" để mua sắm máy móc, trang thiết bị tăng cường cơ sở vật chất nhằm mở rộng hình thức đào tạo và tăng cường công tác hợp tác quốc tế.
- Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật: Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo. Nhà tường đã thực hiện ký kết hợp các biên bản ghi nhớ và triển khai hợp tác với các đối tác để đào tạo sinh viên theo nhu cầu của Doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa loại hình đào tạo; các đối tác có thể cung cấp nguồn nhân lực, công nghệ, hoặc trao đổi học thuật…
Thứ tư, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí. Để đảm bảo hoạt động bền vững và hiệu quả, tiết kiệm chi phí là một trong những vấn đề được Nhà trường rất quan tâm và thực hiện, cụ thể:
- Xây dựng và phân bổ dự toán nội bộ phù hợp với tình hình thực tế và nguồn tài chính của nhà trường, cắt giảm nguồn chi không cần thiết ưu tiên những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và có hiệu quả cao.
- Tối ưu hóa hoạt động và sử dụng thiết bị và trang thiết bị hiệu quả, thực hiện bảo trì và sửa chữa định kỳ, tối ưu hóa quy trình và tăng năng suất lao động.
- Tiết kiệm điện, nước và sử dụng có hiệu quả các tài sản khác của nhà trường.
- Tích cực sử dụng các giải pháp công nghệ để giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động: sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, quản lý cán bộ và học sinh, sinh viên, quản lý tài sản, quản lý tiền lương, kế toán, LMS, thư viện điện tử…
- Sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng, khoa, trung tâm, hiệu quả sử dụng quỹ tiền lương, tiền công; đánh giá theo hiệu quả công việc.
- Tăng cường kiểm soát chi tiêu theo dự toán và theo dõi sát sao việc chi tiêu để phát hiện và giảm thiểu các khoản chi không cần thiết và tránh lãng phí.
- Ban hành và thực hiện tốt chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ.
Thứ năm, công khai trong tự chủ tài chính của nhà trường là một trong những vấn đề quan trọng giúp đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài chính. Một số giải pháp cụ thể nhà trường đã thực hiện:
- Cải thiện hệ thống sổ sách kế toán nhằm đảm bảo sự rõ ràng và đầy đủ trong việc ghi chép tài sản, nợ, tiền thu và chi phí để đảm bảo tính minh bạch và tránh việc tạo ra các khoản chi phí giả mạo.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm đánh giá tài chính rõ ràng và đầy đủ.
- Đăng tải thông tin tài chính công khai theo quy định để mọi cá nhân trong nhà trường có thể tiếp cận thông tin về quản lý tài chính một cách dễ dàng.
- Công khai số liệu tài chính tại hội nghị viên chức hàng năm.
- Tổ chức các buổi họp, hội thảo, hoặc hướng dẫn để giải thích các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính và tăng cường sự tham gia của các bộ phận chuyên môn của nhà trường.
Bài học kinh nghiệm:
Một là, xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong cán bộ, viên chức và người lao động của CSGDNN; làm cho cán bộ, viên chức và người lao động nhận thức, thông hiểu tự chủ là tất yếu và tham gia góp công, góp sức chung tay cùng hệ thống chính trị thực hiện tự chủ tài chính tại CSGDNN với tinh thần “Tôn trọng, công khai, trách nhiệm, hiệu quả, thành công”. Đặc biệt đối với những CSGDNN mới trong giai đoạn đầu của công cuộc tiến tới tự chủ toàn diện thì khối thống nhất nội bộ mang lại sức mạnh to lớn, nếu cán bộ viên chức không hiểu được hết ý nghĩa tác dụng của việc tự chủ thì khó có thể đưa CSGDNN thực hiện tốt nhiệm vụ tự chủ được. Điều này giảm được hiện tượng "chảy máu chất xám" trong nội bộ CSGDNN, người lao động yên tâm cống hiến với một tâm thế nhiệt tình và chủ động hơn.
Hai là, xác định lộ trình của tự chủ trong CSGDNN đang ở giai đoạn nào, mức đảm bảo đang là bao nhiêu của chi thường xuyên, từ đó có sự quyết tâm thực hiện một cách khoa học và quyết liệt để đạt tới mức tự chủ nhiều hơn. Để thực hiện được thì lãnh đạo CSGDNN cần nâng cao năng lực quản trị tài chính, quản lý tài sản công của đơn vị; ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý sử dụng tài sản công, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng phòng, khoa, trung tâm, cá nhân, đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu CSGDNN. Sẵn sàng công khai, minh bạch các số liệu tài chính nhằm tạo nên sự tin tưởng của bộ máy vào người đứng đầu cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý tài chính trong tiết kiệm chi phí hiệu quả.
Ba là, nghiên cứu tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp nhằm gia tăng nguồn thu cho CSGDNN thông qua các hoạt động hợp pháp như: tiếp cận các nguồn viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác để tạo nguồn thu từ sự đóng góp trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế giá dịch vụ, tăng cường liên kết, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác có cùng lĩnh vực hoạt động.
Bốn là, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện tiết kiệm chi phí, tập trung vào những hoạt động trọng tâm, mang lại hiệu quả cao nhằm nâng cao mức độ tự chủ tài chính.
Năm là, chủ động trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, các vị trí việc làm được xây dựng linh hoạt dựa trên nhu cầu. Xây dựng cơ chế trả lương tăng thêm theo kết quả hoạt động như vậy mới nâng cao chất lượng toàn diện của CSGDNN.
Sáu là, mức thu học phí là nguồn thu chính của CSGDNN, phải tiệm cận với lộ trình tính đủ chi phí đào tạo đi đôi với trách nhiệm giải trình và đảm bảo chất lượng đào tạo. Đặc biệt là việc hoàn thiện chương trình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị gắn với sản xuất, đội ngũ giảng viên đạt tiêu chuẩn, tiến tới mục tiêu đạt kiểm định trong nước và quốc tế của các CSGDNN. Đạt được và giữ ổn định các tiêu chí kiểm định thì các đơn vị mới khẳng định được thương hiệu và đảm bảo nguồn thu ngay cả khi NSNN cắt giảm theo lộ trình.
Kiến nghị, đề xuất:
- Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, điều chỉnh các quy định để tạo nên sự đồng nhất giữa các quy định của các bộ, ngành phù hợp với cơ chế tự chủ. Trao quyền tự chủ cho các CSGDNN một cách khoa học và linh hoạt, tạo điều kiện cho các CSGDNN thực hiện tốt nhất cơ chế tự chủ toàn diện về cả bộ máy, học thuật, chuyên môn và tài chính.
- Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, nghiên cứu đổi mới cơ chế cấp kinh phí thường xuyên chưa giao tự chủ cho các CSGDNN đảm bảo được các khoản chi lương và các khoản đóng góp theo lương Nhà nước quy định đối với chỉ tiêu biên chế được giao, nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính từ NSNN.
- Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm phê duyệt định mức diện tích và máy móc thiết bị chuyên dùng để các CSGDNN có đủ cơ sở pháp lý đề xuất các dự án đầu tư và tổ chức mua sắm tăng cường cơ sở vật chất.
Trao quyền tự chủ để chủ động thực hiện các nhiệm vụ, dịch vụ do nhà nước giao hoặc đặt hàng, giúp cho CSGDNN có tiền đề để xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, gắn bó lâu dài với CSGDNN, thu hút ngày càng nhiều nhân tài trong nước và nước ngoài tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp./.
TS. Nguyễn Quốc Huy - Th.S Trương Ngọc Tâm - Th.S Doãn Phương Nhung
Từ khóa:
-
Nâng cao văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho thanh niên hiện nay
14-01-2025 14:35 56
-
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
08-12-2024 16:25 28
-
Ông Trần Quản Quốc giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM
09-09-2024 12:21 43
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
14-05-2024 10:45 10
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31