Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
Chiều ngày 25/3/2025, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công đã có bài tham luận tại Hội nghị, Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu.
1. Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2021 – 2024
Ngày 24/11/2024, Kết luận số 09-KL/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia sáp nhập vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo Quyết định số 214 QĐ/TW ngày 28/12/2024 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia được đổi tên thành Học viện Hành chính và Quản trị công.

TT | Loại hìnhlớp bồi dưỡng | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 | ||||
Số lớp | Số học viên | Số lớp | Số học viên | Số lớp | Số học viên | Số lớp | Số học viên | ||
1. | Cấp Vụ | 45 | 2.139 | 23 | 1.164 | 23 | 996 | 19 | 994 |
2. | Cấp Sở | 52 | 2.872 | 28 | 1.357 | 26 | 1.240 | 18 | 1.006 |
3. | Cấp Huyện | 25 | 1.028 | 11 | 503 | 13 | 575 | 12 | 411 |
4. | Cấp phòng | 107 | 9.406 | 163 | 4.370 | 100 | 6.526 | 88 | 5.163 |
5. | Chuyên viên cao cấp | 30 | 1.596 | 36 | 2.188 | 44 | 1.965 | 59 | 2.892 |
6. | Chuyên viên chính | 48 | 4.185 | 46 | 2.552 | 96 | 6.139 | 152 | 9.217 |
7. | Chuyên viên | 73 | 6.769 | 113 | 4.342 | 130 | 8.588 | 200 | 11.780 |
8. | Bồi dưỡng khác* | 30 | 3.538 | 162 | 13.558 | 128 | 9.463 | 179 | 14.478 |
Tổng cộng | 411 | 31.533 | 582 | 30.004 | 560 | 35.492 | 727 | 45.941 |
Qua bảng số liệu cho thấy, số lượt cán bộ, công chức, viên chức do Học viện Hành chính Quốc gia bồi dưỡng trong 3 năm là rất lớn. Điều quan trọng hơn là góp phần quan trọng hoàn thiện tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh kết quả đạt được là quan trọng, như: công tác biên soạn giáo trình, tài liệu ngày càng được quan tâm, đổi mới; đội ngũ giảng viên ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu đặt ra; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không ngừng được nâng cao… còn có những hạn chế, bất cập, như: chương trình, nội dung còn nặng về lý luận, chưa nhiều kỹ năng và tình huống thực tiễn; còn có sự trùng lắp nhất định nội dung các chương trình bồi dưỡng hoặc giữa chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước với đào tạo trung cấp và cao cấp chính trị; một bộ phận giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa thu hút được các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý giàu kinh nghiệm tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; việc phân cấp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa gắn cụ thể với năng lực của đơn vị thực hiện; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức không đầy đủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, còn nặng về việc học để có bằng cấp, chứng chỉ; công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa được chú trọng; công tác đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng gắn với kết quả công việc chưa được quan tâm….
2. Những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Trước bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang thực hiện quyết liệt công cuộc cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đồng thời, đặt ra những yêu cầu mới về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay cần có những đổi mới căn bản.
Hiện nay, bộ máy tinh giản, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải xử lý công việc nhanh hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn, năng suất cao hơn. Từ đó, áp lực trách nhiệm cá nhân ngày càng cao, yêu cầu mỗi người phải có năng lực tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị công hiện đại, hướng tới kết quả cụ thể. Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức phải thích nghi nhanh chóng với công nghệ số, ứng dụng AI trong công việc… Bối cảnh đó làm cho cán bộ, công chức, viên chức có nguy cơ bị lạc hậu, tụt lại phía sau nếu không được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kịp thời. Yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải thực sự đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
3. Những kiến nghị cụ thể nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Thứ nhất, về nhận thức.
Trong bối cảnh nhiều thay đổi hiện nay cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu quả quản trị quốc gia, địa phương. Việc nâng cao nhận thức về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công của công tác này trong bối cảnh hiện nay. Chú trọng đúng mức vào việc nâng cao nhận thức sẽ giúp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao, năng động, sáng tạo, có khả năng thích nghi nhanh chóng với mọi thay đổi, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiệu quả và quản trị địa phương hiệu quả trong thời đại mới. Cụ thể: nhận thức xác định rõ ràng tầm quan trọng chiến lược của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài chứ không phải nhiệm vụ nhất thời, hình thức; xác định rõ ràng mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu mới; nhận thức rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với mục tiêu xuyên suốt của công tác đào tạo, bồi dưỡng là để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức rõ giá trị thực tiễn của các khóa đào tạo để chủ động, nghiêm túc tham gia.
Nhận thức đúng đắn về công tác đào tạo, bồi dưỡng giúp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa giỏi chuyên môn, vừa có năng lực quản trị hiệu quả, có khả năng giải quyết nhanh chóng các vấn đề thực tiễn phức tạp hiện nay.
Thứ hai, về thống nhất quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Sau khi Học viện Hành chính Quốc gia sáp nhập vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc thống nhất quản lý công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết và có điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện, đây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bởi vì, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng trên toàn quốc; khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo, lãng phí nguồn lực; tạo sự kết nối chặt chẽ giữa đào tạo lý luận chính trị và bồi dưỡng quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa có năng lực quản trị, điều hành vừa thấm nhuần lý luận chính trị.
Việc quản lý thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần được thực hiện trên các phương diện sau đây:
(1) Thống nhất quản lý về chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng.
Xây dựng khung chương trình thống nhất trên phạm vi toàn quốc cho các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, cấp xã.
Nội dung đào tạo kết hợp một cách hợp lý giữa lý luận chính trị với kỹ năng hành chính, quản trị hiện đại, tăng cường các kỹ năng thực tiễn.
Việc quản lý thống nhất chương trình, nội dung đối với những chương trình, nội dung để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn năng lực của cán bộ, công chức, viên chức. Còn xuất phát từ nâng cao năng lực đối với cán bộ, công chức, viên chức và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công việc, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chủ động xác định, xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn hoặc đề nghị đơn vị đào tạo, bồi dưỡng có năng lực tư vấn, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về một hoặc một số nội dung nhất định. Không đặt vấn đề quản lý thống nhất chương trình, nội dung trong trường hợp này.
(2) Thống nhất quản lý về tiêu chuẩn, điều kiện giảng viên và đội ngũ chuyên gia.
Xây dựng tiêu chuẩn thống nhất, rõ ràng đối với giảng viên tham gia giảng dạy, trong đó ưu tiên giảng viên có kiến thức chuyên sâu, phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp, giảng viên kiêm nhiệm là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Xây dựng cơ chế tuyển dụng, đánh giá, quản lý giảng viên trên toàn quốc nhằm đảm bảo chất lượng đồng bộ.
(3) Thống nhất quản lý về công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Áp dụng chung bộ tiêu chí thống nhất đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả thực tế sau đào tạo.
Định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên toàn quốc nhằm đảm bảo chất lượng, thống nhất nội dung và phương pháp đào tạo.
(4) Thống nhất quản lý về cấp chứng chỉ, văn bằng đào tạo, bồi dưỡng.
Quy định thống nhất quản lý về cấp chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh việc thực hiện thống nhất quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cần thiết phải có sự phân cấp hợp lý. Việc phân cấp này giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong quản lý; đồng thời, bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng sát hợp hơn với thực tiễn ở mỗi bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương. Cần xây dựng các hệ thống quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để thực hiện phân cấp. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ nhằm điều chỉnh, hoàn thiện phân cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Kết hợp hài hòa giữa thống nhất quản lý và phân cấp hợp lý sẽ phát huy tối đa hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Thứ ba, thực hiện tổng rà soát chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chương trình đào tạo lý luận chính trị.
Tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; lãnh đạo cấp phòng, cấp sở, cấp vụ và các chương trình bồi dưỡng khác; chương trình đào tạo trung cấp và cao cấp chính trị cần được rà soát tổng thể để tránh sự trùng lặp gây lãng phí thời gian, công sức, tiền của, ảnh hưởng đến việc giải quyết công việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, thông qua tổng rà soát các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay để bổ sung, cập nhật những nội dung mới cần được trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, như: khát vọng và tầm nhìn phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong kỷ nguyên mới; tư duy chiến lược, quản trị chiến lược; quản trị địa phương và phát triển bền vững; xây dựng hình ảnh lãnh đạo chuyên nghiệp, hiện đại; chuyển đổi số trong quản trị nhà nước; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nhà nước; quản trị dữ liệu, ra quyết định dựa trên dữ liệu…. nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Phương hướng chung trong rà soát, loại bỏ sự trùng lặp cần:
(1) Bảo đảm rõ ràng mục tiêu và chức năng đào tạo: xác định rõ mục tiêu từng chương trình; đào tạo lý luận chính trị tập trung vào nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, phương pháp luận; đào tạo, bồi dưỡng hành chính tập trung vào kỹ năng quản trị quốc gia, kỹ năng quản lý điều hành.
(2) Bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thiết thực: nội dung chương trình cần hướng vào mục tiêu cụ thể, tránh lý thuyết chung chung, lặp lại, tập trung vào phát triển tư duy quản lý hiện đại và năng lực thực hành.
(3) Đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn: nội dung chương trình phải được xây dựng dựa trên nhiệm vụ thực tế công tác của cán bộ, công chức, viên chức, tránh trùng lắp nội dung không cần thiết với chương trình đào tạo lý luận chính trị.
Thứ tư, xác định rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Việc xác định rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả, chất lượng và sự thành công của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện tốt việc này sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất và kỹ năng phù hợp, đáp ứng hiệu quả yêu cầu ngày càng cao của công tác quản trị quốc gia và quản trị địa phương trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Việc xác định rõ đối tượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có tác dụng: giúp xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng đúng trọng tâm, phù hợp yêu cầu; đảm bảo nội dung, phương pháp đào tạo bồi dưỡng phù hợp (ví dụ: cán bộ lãnh đạo cấp cao cần tập trung đào tạo kỹ năng hoạch định chiến lược, quản trị tổng thể; cán bộ cấp cơ sở, cấp phòng cần đào tạo kỹ năng thực thi, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế cụ thể); tiết kiệm tối đa nguồn lực và thời gian đào tạo; nâng cao chất lượng và hiệu quả thực tiễn của công tác đào tạo bồi dưỡng; nâng cao tính trách nhiệm và động lực cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo bồi dưỡng; giúp định hướng phát triển và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dài hạn.
Thứ năm, đổi mới thể chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Để khắc phục những điểm còn hạn chế hiện nay trong thể chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cần sửa đổi thể chế theo hướng: thống nhất quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức kết hợp có sự phân cấp hợp lý; xác định rõ hơn đối tượng cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu về vị ví việc làm, chức danh lãnh đạo, quản lý; quy định quản lý, biên soạn chương trình, tài liệu; tiêu chuẩn giảng viên; điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; thể chế hóa rõ ràng nội dung đào tạo, bồi dưỡng dựa trên tiêu chuẩn năng lực thực tế là quan trọng nhất, thay vì chú trọng nhiều đến bằng cấp, chứng chỉ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải tăng thời lượng thực hành, ứng dụng trực tiếp vào giải quyết vấn đề thực tế; quy định rõ cơ chế bắt buộc lãnh đạo, quản lý trực tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; quy định cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo theo kết quả thực tế công việc.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến
Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công
Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công
-
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
29-03-2025 12:06 12 -
Nâng cao văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho thanh niên hiện nay
14-01-2025 14:35 56 -
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Thực trạng về “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất” và giải pháp hoàn thiện
25-10-2024 16:24 12 -
Ông Trần Quản Quốc giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM
09-09-2024 12:21 43 -
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19