Nghiên cứu - trao đổi
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
08:36 PM 25/04/2024
(LĐXH)- Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành và liên vùng. Sự phát triển du lịch gắn liền với tài nguyên môi trường, với các giá trị văn hóa lịch sử.
Việt Nam là đất nước có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng cả về điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội. Con người Việt Nam thân thiện và mến khách với lịch sử hào hùng của hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước, với những di sản tự nhiên, lịch sử và văn hoá quý báu, trong đó có vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới và nhiều di sản đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài ra còn có nhiều di tích lịch sử, đình, chùa đã được xếp hạng, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, nhiều bãi biển và hang động đẹp…
Bản sắc văn hoá Việt Nam càng đậm đà chất dân tộc, phong phú và đa sắc màu bởi các hoạt động lễ hội, văn hoá dân gian đặc sắc, nhiều món ăn ngon và nổi tiếng của cộng đồng 54 dân tộc cùng chung sống trên dải đất hình chữ S. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tới tài nguyên môi trường. Vì vậy để phát triển du lịch một cách bền vững và có hiệu quả thì cần phải phân tích, đánh giá các tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế những tác động này là rất cần thiết.
Hình ảnh rác thải tại những bãi biến đã trở nên phổ biến 
1. Thực trạng tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường
Việc đào đắp, san lấp mặt bằng để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới cấu trúc, thành phần của đất, đến mạch nước ngầm, đến lưu lượng của các dòng chảy, đến môi trường không khí và làm ô nhiễm đất, nước, không khí, đồng thời tác động đến đời sống của con người. Các chất thải từ các phương tiện giao thông đường thủy, các hoạt động vui chơi giải trí của du khách như: Tắm biển, đua thuyền, đua ca nô trên sông, trên biển, trên hồ cũng gây ảnh hưởng đến nước bề mặt.
Bên cạnh đó cũng vẫn còn những hành động thiếu ý thức của một số du khách đã xả chất thải, xả rác bừa bãi ra môi trường gây ô nhiễm. Các hoạt động chế biến món ăn, việc đốt lửa trại, đốt hương, đốt vàng mã của du khách khi đi thăm quan lễ hội, lễ phật cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường không khí. Ở một số điểm du lịch tâm linh như: Văn miếu quốc tử giám, một số đình chùa vẫn xảy ra hiện tượng du khách ném tiền giấy xuống hồ, xuống giếng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nước. 
Hiện nay vẫn còn một số các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh ăn uống không có hệ thống xử lý nước thải, mà vẫn thường xuyên thải trực tiếp nước thải ra môi trường gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Các hoạt động chặt phá thảm thực vật để lấy diện tích xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cũng gây mất cân bằng sinh thái, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường.
Khi lượng khách du lịch ra tăng kéo theo các phương tiện tham gia giao thông cũng gia tăng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các chất thải, khí thải từ người và các phương tiện tham gia giao thông gia tăng gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường, đặc biệt là làm tăng lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, từ đó làm ảnh hưởng đến đời sống của con người và các sinh vật khác.
Ngoài việc gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên thì các hoạt động du lịch còn tác động trực tiếp làm suy giảm đa dạng sinh học, làm mất cân bằng sinh thái. Khi đi tham quan du lịch thì du khách thường muốn được thưởng thức các món ăn đặc sản như thịt thú rừng, thủy hải sản quý... điều đó sẽ kích thích người dân địa phương tìm kiếm săn bắt, khai thác các động thực vật quý hiếm đó để bán cho các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch. Vì thế sẽ làm cho những loài động thực vật này có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Bên cạnh đó, việc chặt phá cây cối, san lấp mặt bằng, lấn ra sông, ra biển, ra hồ để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã làm ảnh hưởng tới không gian sống, môi trường sống của động thực vật. Vào mùa du lịch, mùa lễ hội lượng khách du lịch và các phương tiện tham gia giao thông gia tăng kéo theo tiếng ồn ào gây ảnh hưởng trực tiếp tới các loài động thực vật. Các hoạt động vui chơi của du khách như: Thả neo, tắm biển, thu nhặt san hô làm ảnh hưởng đến các rạn san hô, các hoạt động vui chơi giải trí trên mặt nước cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh vật thủy sinh.
2. Một số giải pháp hạn chế ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường
Để hạn chế ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường cần thực hiện các giải pháp như sau:
Thứ nhất: Cần định hướng tổ chức quản lý, điều hành các hoạt động du lịch ở các khu du lịch một cách khoa học và hợp lý. Việc định hướng tổ chức quả lý, điều hành có khoa học và hợp lý tác dụng mạnh mẽ trong việc hạn chế ảnh hưởng của các hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường. Vì thế cần thành lập cơ quan xúc tiến phát triển du lịch tại các địa phương nơi có khu du lịch. Cơ quan này có sự tham gia của nhiều ngành liên quan và có nhiệm vụ đề ra các chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thứ hai: Cần xây dựng cơ chế chính sách khen thưởng những cơ sở du lịch làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, sản xuất và kinh doanh du lịch thân thiện với môi trường. Đồng thời xử phạt những cơ sở du lịch để gây ra ô nhiễm môi trường, các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh ăn uống sử dụng nguồn thực phẩm từ động thực vật quý hiếm, động thực vật hoang dã.
Thứ ba: Tuyên truyền giáo dục cho người dân nơi có khu du lịch thấy lợi ích của môi trường trong sạch và tác hại của môi trường ô nhiễm, để từ đó nâng cao sự nhận thức của người dân về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường tại các khu du lịch. Ngoài việc tuyên truyền cho người dân địa phương thì cũng cần tuyên truyền cho khách du lịch bằng cách đặt các biển báo tại các khu du lịch. Việc tuyên truyền đó phải được thực hiện thường xuyên và đồng bộ. Cần tuyên truyền cho khách du lịch không lên sử dụng các loại thực phẩm từ các động thực vật quý hiếm, động thực vật hoang dã.
Thứ tư: Các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở chế biến món ăn cần tiết kiệm sử dụng nguyên liệu thực phẩm, tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm nước vừa góp phần giảm chi phí và hạn chế được lượng chất thải ra môi trường. Đồng thời các cơ sở này phải có hệ thống xử lý nước thải và hệ thống xử lý nước thải phải hoạt động thường xuyên có hiệu quả.
Thứ năm: Để hạn chế các tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường thì cần có một chương trình đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm cho những người lao động trong ngành du lịch và những người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch. Do đó cần phải mở các lớp đào tạo và bồi dưỡng các kiến thức về lĩnh vực này để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho cả nước.
Thứ sáu: Để bảo vệ tài nguyên môi trường một cách có hiệu quả cần thực hiện chính sách hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước. Có thể cử các nhà khoa học, cán bộ quản lý, sinh viên sang nước ngoài học tập và nghiên cứu về lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường. Bên cạnh đó có thể mời các chuyên gia của nước ngoài vào trong nước nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực này. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp du lịch về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thứ bảy: Đầu tư cho các nghiên cứu đánh giá và xử lý ô nhiễm môi trường để xác định các công nghệ thích hợp trong điều kiện của Việt Nam. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc xử lý chất thải, đặc biệt là ưu tiên việc sử dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực này. Nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, năng lượng gió và hạn chế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Các khách sạn, nhà hàng lớn có thể nghiên cứu xây dựng hệ thống sản xuất khí sinh học biogas. Việc nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng này có tác dụng tiết kiệm được các chi phí và đặc biệt là giảm được lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Thứ tám: Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy trồng cây xanh là một trong những giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường hữu hiệu nhất hiện nay. Vì thế các khu du lịch hãy tích cực trồng cây xanh vừa có tác dụng chắn sóng, chắn bão, chống xói mòn, rửa trôi, điều hòa không khí, giảm khí CO2, giữ cân bằng sinh thái... đồng thời còn có tác dụng tạo thêm phong cảnh đẹp cho các khu du lịch.
Thứ chín: Nghiên cứu phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Ở những nơi có điều kiện tự nhiên ưu đãi, phong cảnh đẹp, có hệ động thực vật đa dạng và phong phú như: Các khu rừng nguyên sinh, khu sinh quyển, khu rừng đặc dụng... thì có thể nghiên cứu phát triển loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên phải khảo sát chi tiết điều kiện tự nhiên, hệ động thực vật... để việc phát triển đó không gây ảnh hưởng tới tài nguyên môi trường.
Thứ mười: Nghiêm cấm việc săn bắt, khai thác, tiêu thụ các loại động thực vật quý hiếm, động thực vật hoang dã. Cần có chính sách nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loại động thực vật quý hiếm gắn với việc phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Như vậy qua phân tích trên cho thấy các hoạt động du lịch cũng gây tác động đến tài nguyên môi trường. Do đó để phát triển một cách khoa học và bền vững thì cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, tăng tường công tác quản lý ở các khu du lịch, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc xử lý chất thải, nước thải.../.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Thạc Cán (1994), Đánh giá tác động môi trường-Phương pháp luận và kinh nghiệm thực tiễn, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
2. Phạm Trung Lương (1996), Đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến môi trường và tài nguyên- Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch.
3. http://sovhttdl.haiduong.gov.vn/pages 
Tường Minh Ngọc - Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
Từ khóa: