Nghiên cứu - trao đổi
Nâng cao văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho thanh niên hiện nay
02:35 PM 14/01/2025
(LĐXH) - Tối 01/01/2025, Công an quận 1, TPHCM đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1969) và Bùi Thị Ngọc Anh (sinh năm 1971, ngụ quận 1) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Hình ảnh từ clip cho thấy, Dũng và Ngọc Anh liên tục la hét: "Mày biết tao là ai không?" và đánh vào mặt một phụ nữ. Còn Ngọc Anh, ngồi lên người tài xế công nghệ, đấm vào mặt, đạp chân vào lưng khi người này can ngăn hành vi côn đồ...
Bùi Thị Ngọc Anh và Nguyễn Văn Dũng có hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh_Công an cung cấp

Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ va chạm giao thông nhỏ nhưng lại dẫn đến những cuộc xô xát nghiêm trọng. Có người vung tay tát, có người sử dụng hung khí để “dạy cho đối phương một bài học”. Thậm chí, có trường hợp đẩy câu chuyện đến mức dùng hung khí tước đoạt sinh mạng người khác. Tình hình vi phạm luật giao thông và vi phạm các chuẩn mực văn hóa giao thông ngày càng nghiêm trọng. Nhất là độ tuổi thanh, thiếu niên diễn ra khá phổ biến.

Những hành vi này không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho các nạn nhân mà còn khiến chính kẻ gây rối phải trả giá bằng tù tội, đẩy gia đình vào cảnh khốn đốn. 

Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông là một thành tố của văn hóa:

Văn hóa giao thông là một thành tố cấu thành của văn hóa, là một trong những thước đo đánh giá sự tuân thủ và chấp hành pháp luật cũng như các chuẩn mực văn hóa, xã hội đã được mọi người thừa nhận.  Văn hóa giao thông là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều cách hiểu khác nhau. Chính vì thế, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của thanh, thiếu niên còn là một trong những biểu hiện tích cực trong nhân cách của họ.

Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

(1)  Phải hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.

(2) Phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời.

(3) Cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường: từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt.


 

Hai nam thanh niên hành hung người nước ngoài khi va chạm giao thông

Thực trạng về văn hóa giao thông hiện nay:

Rạng sáng 01/01/2025, Công an quận 1, TPHCM đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1969) và Bùi Thị Ngọc Anh (sinh năm 1971, ngụ quận 1) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Theo điều tra ban đầu, khoảng 23 giờ 30 ngày 31/12/2024, anh T.A.P (sinh năm 1995, ngụ tỉnh Lâm Đồng) điều khiển xe chở vợ là chị H.N.L (sinh năm 1997) lưu thông trên đường Lê Duẩn hướng Thảo Cầm Viên về Dinh Thống Nhất. Khi đến trước địa chỉ số 2B Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) thì bị Dũng điều khiển xe máy chở Ngọc Anh cố tình cản đường, không cho P. quay đầu xe dẫn đến cự cãi giữa 2 bên. Sau đó, Dũng đã tấn công, đánh vợ chồng P và L. Khi anh H.H.V (30 tuổi, ở Q.7, tài xế công nghệ) đến can ngăn, Dũng và Anh quay sang tấn công, hành hung anh V. như clip lan truyền trên mạng xã hội. Sau đó, Dũng và Ngọc Anh đã tiếp tục quay lại đánh anh P. và chị L. Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Dũng và Bùi Thị Ngọc Anh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên.

Trước đó, ngày 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1, TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ TP.HCM) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Các lệnh và quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân quận 1 phê chuẩn.

Vụ việc xảy ra trên đường Cống Quỳnh, đoạn gần Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) vào trưa 14/12. Người bị đánh là ông T.T. (50 tuổi, ngụ quận 1) đang chở con gái 16 tuổi đi học. Khi đến gần bệnh viện Từ Dũ thì có một ô tô chạy phía trước rất chậm, thi thoảng dừng và chiếm đường. Sau khi chạy sau ô tô một quãng từ cổng bệnh viện đến qua khỏi cầu đi bộ, khi đến gần đèn đỏ, ông T. chạy xe ngang hàng, nhờ tài xế nhường đường cho đi. Theo hình ảnh từ các clip camera an ninh, nam tài xế chừng 30 tuổi đã bước xuống xe, tấn công vào mặt ông T liên tục. Nhiều người đi đường có can ngăn nhưng nam tài xế vẫn tỏ thái độ và hùng hổ lao tới đánh.


Nhiều học sinh thiếu ý thức khi tham gia giao thông

Ngăn chặn, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông

Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh Bùi Thanh Khoa đánh người rồi tra tay vào chiếc còng số 8 trở thành tâm điểm "buổi họp chiều" của một xóm nhỏ tại huyện Bình Chánh. Đi kèm đó là những cảm xúc phẫn uất, lên án của mọi người khi miêu tả lại cảnh anh này liên tục tát, đấm đá một cô gái. Thậm chí, liên tục đạp vào người cô gái đã bị ngã sau va chạm trên đường ở quận 4 (TP.HCM).

Hay việc nam thanh niên trẻ chở theo bạn gái hung hăng đạp ngã xe của người đàn ông chở hàng ở quận Bình Tân đầu tháng 12. Thông tin khởi tố, bắt tạm giam Ngô Đức Giang (43 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng khi cầm mỏ lết đánh tài xế trên đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức cũng được báo chí đăng tải thông tin.

Có thể nhận thấy văn hóa giao thông hiện nay tại nước ta có một sự xuống cấp trầm trọng. Các dấu hiệu dễ dàng nhìn thấy khi tham gia giao thông như: vượt đèn đỏ, dừng đỗ xe không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong nội ô, đi ngược chiều…  Tất cả đều là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ nhưng lại diễn ra thường xuyên và phổ biến. 

Những hành vi này diễn ra nhiều đến mức mà mọi người xem đó là điều hết sức bình thường và từ chối cho việc bình luận. Thậm chí, đôi lúc lực lượng chức năng cũng không có bất cứ hình thức ngăn chặn, khiển trách hay hình thức phạt nào dành cho các đối tượng này. Điều này đặt ra một câu hỏi về vấn đề xây dựng văn hóa giao thông và việc nghiêm túc chấp hành luật giao thông ở nước ta đang ở mức độ nào?

Nếu như theo dõi thường xuyên, thì số lượng người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) không hề nhỏ. Theo Tổng Cục thống kê, 10 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 19.513 vụ TNGT, làm chết 8.990 người, bị thương 14.505 người. Số vụ TNGT tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho chúng ta thấy được sự nghiêm trọng của việc không tuân thủ đúng quy định giao thông cũng như ý thức kém trong việc phát huy vai trò của văn hóa giao thông trong cộng đồng.

 

Trong những vụ xô xát, án mạng vì mâu thuẫn giao thông, một đặc điểm chung là thủ phạm ứng xử rất tùy tiện, không có phép tắc và giới hạn đạo đức

Ứng xử của một bộ phận thanh niên khi tham gia giao thông hiện nay:

1) Đứng xem, quay clip các cuộc ẩu đả do tai nạn giao thông:  

Thời gian qua, hình ảnh về những vụ ẩu đả, đánh người sau khi xảy ra va chạm giao thông lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khiến dư luận rất bức xúc. Chỉ cần xảy ra va quệt bình thường hay một câu nhắc nhở của người đi đường là sẵn sàng tự xử lý bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người khác, không cần phân biệt phải trái, không cần lực lượng chức năng tới giải quyết.  Điều này cho thấy thái độ và ứng xử của người tham gia giao thông với nhau chưa có sự chuẩn mực và tôn trọng.

Nhiều người khi chứng kiến các vụ ẩu đả không can ngăn, không báo các cơ quan chức năng, cảnh sát giao thông đến giải quyết. Họ đứng xem, quay clip, livestream để chia sẻ trên mạng xã hội. TNGT khi xảy ra mang đến những ảnh hưởng về sức khỏe và thiệt hại về tài sản nên nhiều người chịu áp lực và căng thẳng. Hậu quả của sự thiếu bình tĩnh, nóng giận có thể xảy ra các tình huống đánh nhau, gây rối trật tự công cộng... Do vậy, tất cả trường hợp tai nạn xảy ra nên báo cho lực lượng chức năng để làm rõ nguyên nhân. Từ đó sẽ kịp thời xử lý, bồi thường nếu có thiệt hại về vật chất, sức khỏe cho những bên liên quan.

2) Không trả lại đồ bị rơi cho người đi đường  

Trong quá trình tham gia giao thông, việc người tham gia giao thông bị rơi đồ hoặc chứng kiến người khác rơi đồ là khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người nhặt được đồ nhưng không trả lại đồ bị rơi cho người mất. Một số người không hiểu rằng, hành vi giữ trái phép đồ của người khác không chỉ thể hiện một sự vi phạm chuẩn mực văn hóa mà xét ở khía cạnh pháp lý, hành vi này còn có thể bị quy vào tội “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”. Người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và bán cho người khác là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

3) Bỏ mặc người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông:  

Nếu như trước đây, khi một ai đó bị tai nạn thì chắc hẳn sẽ có người cứu giúp. Nhưng những năm gần đây, chuyển sang xã hội mà khi phán xét hành vi của ai đó thường căn cứ trên các luật định thì tình hình có chiều hướng phức tạp hơn.

Nếu một ai đó gặp rủi ro TNGT vào ban ngày, người giúp đỡ trước sự chứng kiến của nhiều người thì chuyện khá đơn giản. Nhưng nếu điều đó xảy ra vào ban đêm và chỉ có họ đối diện với người bị nạn thì trong tình huống như thế rất khó phán xét. Thực tế cho thấy, nhiều người rơi vào cảnh làm ơn mắc oán, bị vướng vào những chuyện rắc rối mà họ không lường trước được. Có người bị người nhà của nạn nhân hành hung vì bị hiểu lầm là người gây tai nạn. Có người bị lôi vào những vụ án phức tạp kéo dài hàng năm trời với tư cách là nhân chứng. Hay đơn giản hơn là bị lưu giữ và phải khai báo rất phức tạp, mất thời gian. Ngoài ra, còn có thể kể ra vô vàn lý do khác nữa khiến người ta ngần ngại. Đơn cử, họ muốn giúp nhưng không có kỹ năng có thể làm cho người bị nạn nặng hơn. Chưa kể, có người yếu bóng vía, sợ máu, sợ người chết...

Trên thực tế, quy định về việc giúp đỡ người bị TNGT đã được luật hóa. Pháp luật quy định, ngoài tài xế gây tai nạn, những người bỏ mặc nạn nhân trong đang trong tình trạng nguy kịch có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, theo quy định này, tài xế gây tai nạn và những người qua đường có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân bằng cách kêu mọi người giúp đỡ hoặc báo cho công an. Nếu không thực hiện thì hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, thể hiện một sự thiếu văn hóa, vô cảm khi tham gia giao thông.

4) Không quan tâm đến người già, người khuyết tật khi tham gia giao thông:

Ý thức nhường ghế và giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng là một nét đẹp trong văn hóa giao thông. Từ lâu, khách đi xe buýt phải chủ động “nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai, người khuyết tật, trẻ em” được coi là hành vi văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải thanh niên nào cũng sẵn sàng và tự nguyện thực hiện điều đó. Trên xe buýt, khi nhìn thấy đối tượng được ưu tiên, nhiều thanh niên giả vờ coi như không biết đến chuyện phải nhường ghế. Có trường hợp phải đợi đến khi nhân viên bán vé hoặc người khác nhắc nhở mới chịu đứng lên.

Có thể thấy, những hành vi ở trên, xem xét ở một khía cạnh nhất định đã biểu hiện một sự vô cảm, vô tâm của thanh niên. Nó thể hiện một sự lệch chuẩn trong ứng xử của thanh niên với các chủ thể khác trong quá trình tham gia giao thông.  

5) Sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông, trêu đùa, không tập trung khi điều khiển phương tiện giao thông:

Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”. Điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) chạy trên đường từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại đi động vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt còn thấp. Số người vi phạm bị xử phạt không đáng kể.

6) Không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô và xe gắn máy:

Tình trạng thanh niên không đội mũ bảo hiểm nhất là học sinh, sinh viên đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm là khá phổ biến. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, số vụ TNGT có liên quan tới mô tô, xe máy, xe đạp điện chiếm trên 70%. Phần lớn các vụ TNGT đều để lại di chứng nặng nề. Một phần nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách. Mới đây, để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện, Chỉ thị số 04/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. 

7) Giờ cao điểm, chạy xe trên vỉa hè khi tắc đường:

Hành vi này không những vi phạm luật giao thông mà ở góc độ văn hóa giao thông là hành vi không đáng có. Vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ. Do đó, việc lấn chiếm vỉa hề dù bất cứ lý do gì cũng là phạm luật. Đối với đối với trường hợp người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, theo quy định tại điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong trường hợp, nếu đi xe trên vỉa hè gây tai nạn thì lái xe còn chịu thêm hình phạt bổ sung là tịch thu giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Việc xe máy, ô tô leo vỉa hè để đi lại là hành động thường thấy ở các thành phố lớn khi gặp ùn xe, đèn đỏ... gây nguy hiểm cho người đi bộ và trẻ em, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt còn ảnh hưởng đến kết cấu vỉa hè.

8) Vứt rác và khạc nhổ khi tham gia giao thông:

Vứt rác bừa bãi trong quá trình tham gia giao thông là một biểu hiện kém văn minh. Hành vi này cũng trực tiếp gây nguy hiểm cho những người đi đường và làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người say xe, nôn mửa rồi vứt ra đường qua cửa xe. Bên cạnh đó, nhiều loại rác thải khác cũng bị vứt ra đường. Theo quy định, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người đổ rác thải trên vỉa hè được quy định tại điểm d khoản 2, điểm a khoản 7 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển”. Trường hợp vứt rác gây tai nạn cho người khác, theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 thì người vứt rác có thể phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa nghiêm túc và hình phạt chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh hành vi vứt rác bừa bãi khi tham gia giao thông, hành vi khạc nhổ bừa bãi cũng không phải là hiếm. Có lẽ, với những người hay khạc nhổ nơi công cộng, thậm chí trong lúc lái xe, họ coi đó là một hành vi rất bình thường nên không cần để ý đến thái độ, ánh nhìn khó chịu của những người xung quanh. Khạc nhổ bừa bãi không những thể hiện sự kém văn hóa, gây phiền toái, dơ bẩn cho những người xung quanh mà nó còn là nguyên nhân dẫn đến những cuộc cãi vã, xô xát nếu người hứng chịu không kiềm chế được cảm xúc. Thậm chí có thể lây vi khuẩn, vi-rút cho người khác nếu bản thân kẻ khạc nhổ có mầm bệnh trong người.

 

Việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông

Một số giải pháp về tuyên truyền nâng cao văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông cho thanh niên hiện nay:

Một là, xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam:

Cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của gia đình, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Hai là, cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục về đạo đức cho thanh, thiếu niên: 

Gia đình là tế bào của xã hội. Những thành viên trong gia đình phải hiểu đúng hai từ “trách nhiệm”. Cha mẹ phải học cách kiềm chế, kiểm soát bản tính nóng nảy bởi sự hung hãn thiếu kiểm soát sẽ gây ra bạo lực. Bạo lực từ trong gia đình dễ dẫn đến bạo lực ngoài xã hội. Cha mẹ uốn nắn hành vi của con trẻ từ khi còn nhỏ. Cha mẹ thường xuyên quan tâm, điều chỉnh cách ứng xử của con cái độ tuổi hình thành nhân cách. Nhà trường cần xây dựng hệ thống giáo dục bài bản, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu mở rộng văn hóa, đảm bảo chuẩn mực đạo đức. Với xã hội, cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh trước những hành vi sai trái. Nhân cách con người được hình thành một cách tự nhiên trong gia đình. Sau đó mới đến nhà trường, cộng đồng. Chúng ta không thể quy trách nhiệm con hư tại nhà trường.  

Ba là, chú trọng giáo dục về nền văn hóa truyền thống của dân tộc cho thanh, thiếu niên:

Đối với các cơ sở giáo dục, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những bài học về đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực cho các học sinh.

Hiện nay, môn Giáo dục công dân còn bị coi nhẹ. Hầu hết, thầy cô dạy môn này thường kiêm nhiệm. Xét về mặt kỹ năng không thể dạy cho học sinh cảm nhận sâu sắc các giá trị mà các thầy cô muốn truyền đạt. Cách khắc phục là nên mời các chuyên gia bên ngoài có chuyên môn sâu tổ chức những khóa ngắn hạn, dài hạn cho các em có những hoạt động thực tế để các em không những được dạy lý thuyết mà còn có sự trải nghiệm.

Chúng ta không xây dựng một hình ảnh mỹ miều trong trường học hay một hình ảnh hoàn hảo trong cuộc sống mà nên dạy học sinh cách tự vệ và phản biện với những gì đã học để các em nhận biết đúng, sai. Từ đó, biết cách miễn dịch với cái xấu.

Bốn là, lồng ghép nội dung tuyên truyền văn hóa ứng xử trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông và cao đẳng, đại học:

Trong các bộ môn, việc tích hợp và lồng ghép giảng dạy về những chuẩn mực đạo đức thực tế phù hợp ứng xử của thanh niên là vô cùng quan trọng. Cần tăng cường những giờ học ngoại khóa, những buổi sinh hoạt dã ngoại nhằm học tập kinh nghiệm và xử lý những tình huống phát sinh từ cuộc sống, hình thành lên những thói quen tốt với cách hành xử văn minh, lịch thiệp.

Nhà trường cần chú trọng vào việc tuyên truyền, tập huấn kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống trong các vấn đề gây nhức nhối như: ý thức bảo vệ môi trường; văn hóa trang phục; văn hóa tham gia giao thông; văn hóa khi sử dụng dịch vụ ATM; văn hóa khi đi thang máy; văn hóa khi giới trẻ thể hiện tình cảm nơi công cộng... Song song với những dẫn chứng, lý thuyết về việc nâng cao ý thức nơi công cộng, cần đưa ra những hoạt động xử lý tình huống thực tế nhằm giúp thanh niên nâng cao ý thức của mình trong văn hóa ứng xử nơi công cộng.

Năm là, tăng cường thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng:

Khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa ứng xử thanh lịch, văn minh, xây dựng ý thức, trách nhiệm của thanh, thiếu niên đối với cộng đồng. Đồng thời, cần phát động phong trào giới thiệu về những tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Quy tắc ứng xử nhằm đẩy mạnh sức lan tỏa của những hình mẫu người thanh niên về thực hiện văn hóa ứng xử trong đời sống.

Văn minh nơi công cộng là tôn trọng những người xung quanh và chấp hành luật lệ một cách tự giác. Hành xử văn minh nơi công cộng là một phần làm nên văn hóa. Mỗi dân tộc có thể giàu nghèo khác nhau, nhưng văn hóa trong mỗi con người, trình độ văn minh của cả xã hội là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đó được xem là một trong những thước đo, là chỉ số quan trọng của một đất nước. 

Sáu là, phổ biến hệ thống quy phạm pháp luật về cách ứng xử của mỗi cá nhân khi giao tiếp ở nơi công cộng: 

Trong đó, tập trung tuyên truyền những quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử, việc sử dụng danh từ xưng hô và có hành vi ứng xử đúng chuẩn mực. Đồng thời, cần tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.

Xây dựng văn hóa ứng xử là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài. Bắt đầu từ vấn đề giáo dục, nhận thức của mỗi người. Để kiến tạo không gian, môi trường văn hóa công cộng lành mạnh với cung cách ứng xử văn minh, lịch sự của mỗi người cần tạo dựng nền tảng văn hóa với những giá trị, chuẩn mực đạo đức và hệ thống pháp luật đủ mạnh, được thực thi một cách tự giác, nghiêm minh. Cần lên án và loại trừ những biểu hiện “lệch chuẩn” trong hành vi giao tiếp, ứng xử của một số người ở nơi công cộng. Đồng thời, thường xuyên thực hành và lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp để xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện - động lực quan trọng nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay./.

Ths. Võ Xuân Cường

Trưởng Bộ môn Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác

- Học viện Tư pháp