Nghiên cứu - trao đổi
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
10:45 AM 14/05/2024
(LĐXH)- Những thành tựu đã đạt được về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) trong hệ thống GDNN Việt Nam đã được khẳng định, tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Thực trạng đào tạo nhân lực chất lượng cao trong hệ thống GDNN

Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề cao là nền tảng vững chắc đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội và là yếu  tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực CLC là một trong ba đột phá chiến lược...”

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua lĩnh vực GDNN nói chung, đào tạo nguồn nhân lực CLC ở nước ta nói riêng đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lựa chọn các ngành, nghề trọng điểm và các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm, theo đó, Bộ đã lựa chọn 144 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ (trong đó 68 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 101 ngành, nghề cấp độ Khu vực ASEAN và 144 ngành, nghề cấp độ quốc gia).

Có 398/421 trường thuộc khối công lập được lựa chọn các ngành nghề trọng điểm với 1.566 lượt ngành, nghề trọng điểm (trong đó 410 lượt ngành, nghề cấp độ Quốc tế; 294 lượt ngành, nghề cấp độ Khu vực ASEAN và 862 lượt ngành, nghề cấp độ Quốc gia). Đối với khối trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường thuộc doanh nghiệp nhà nước: Có 59/321 trường được lựa chọn các ngành nghề trọng điểm với 168 lượt ngành, nghề trọng điểm (trong đó 33 lượt ngành, nghề cấp độ Quốc tế; 40 lượt ngành, nghề cấp độ Khu vực ASEAN và 95 lượt ngành, nghề cấp độ Quốc gia).

Kết quả tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề trọng điểm trong giai đoạn 2016-2020 là 641.136 người (chiếm 26% tổng số tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng (CĐ) của cả giai đoạn 2016-2020). Số đã tốt nghiệp là 397.046 người (đạt 64% trên tổng số tuyển sinh); tỷ lệ SV có việc làm/tổng số SV tốt nghiệp đạt trên 70%. Bắt đầu hình thành mô hình đào tạo CLC theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao.

Bộ LĐTBXH đã thực hiện chuyển giao 34 bộ chương trình của 34 nghề trọng điểm quốc tế từ Úc và Đức theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 và tiến hành thí điểm đào tạo các bộ chương trình này từ năm 2016 đến nay. Tiếp đó, Bộ đã triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho 264 nhà giáo tại CHLB Đức với kết quả là 100% nhà giáo đều hoàn thành chương trình nghiệp vụ sư phạm với các kiến thức về hệ thống đào tạo kép của CHLB Đức, cách thức triển khai các chương trình đào tạo CHLB Đức và hoàn thành bài thi tổng kết chương trình nghiệp vụ sư phạm với kết quả tốt, điểm số đạt từ 85% - 100%; đồng thời đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề với kết quả tốt và đạt chứng chỉ kỹ năng nghề tương đương trình độ bậc 4 của Khung trình độ quốc gia CHLB Đức.

Về công tác tổ chức thực hiện chương trình CLC tại các cơ sở GDNN, tính đến tháng 9/2023, đã có 32 trường có chương trình CLC với tổng số 146 chương trình đào tạo ở trình độ CĐ và trung cấp. Trong đó có 14/45 trường theo Quyết định 761 đã có văn bản báo cáo đăng ký triển khai chương trình CLC. Hầu hết các chương trình do các trường tự xây dựng, một số trường đang tham gia dự án sử dụng chương trình chuyển giao từ Đức, Úc, Pháp, Hàn Quốc... để làm chương trình đào tạo CLC của trường và triển khai theo Thông tư 21/2018/BLĐTBXH. Tính đến thời điểm này, Tổng cục GDNN đã cấp giấy chứng nhận liên kết đào tạo với nước ngoài cho 14 trường CĐ. Tổng số 40 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai, trong đó có 39 chương trình trình độ CĐ, 1 chương trình trình độ sơ cấp (không bao gồm 12 chương trình thí điểm đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Úc và 22 chương trình chuyển giao từ CHLB Đức).

Thực hiện Đề án “Phát triển trường cao đẳng CLC đến năm 2025”, đến nay 10/10 trường đã đạt tiêu chuẩn trường CĐ CLC theo quy định. Có 56 trường đủ năng lực đào tạo 34 nghề chuyển giao từ nước ngoài (Úc, Đức) được các tổ chức giáo dục quốc tế công nhận.

Về quy mô tuyển sinh, đào tạo: Năng lực đào tạo của các trường tăng 1,4 lần; kết quả tuyển sinh tăng gấp 2,1 lần; kết quả tuyển sinh các nghề trọng điểm tăng 1,7 lần so với thời điểm trước khi có Đề án.

Về năng lực, trình độ của đội ngũ nhà giáo:  100% nhà giáo các trường CLC đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn dạy tích hợp (cả lý thuyết và thực hành) tăng mạnh: 90,5% đáp ứng yêu cầu đào tạo theo năng lực thực hiện để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo GDNN.

Về trình độ kỹ năng nghề: Theo báo cáo tự đánh giá của các trường, năm 2021, có 89,7% số trường có ít nhất 70% nhà giáo có chứng chỉ kỹ năng nghề để giảng dạy thực hành trình độ CĐ hoặc văn bằng, chứng chỉ tương đương trở lên; chỉ có 10,3% số trường có tỷ lệ từ 50%  đến dưới 70% đội ngũ nhà giáo đạt yêu cầu này.

Có 84,6% số trường có ít nhất 50% nhà giáo có trình độ ngoại ngữ bậc 3 hoặc tương đương trở lên. 100% nhà giáo đã có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản hoặc tương đương trở lên theo quy định. Có 84,6% số trường đã đáp ứng được yêu cầu về số hoá, kết nối, chia sẻ và tương tác trong nhà trường; thực hiện quản trị, điều hành trường dựa trên dữ liệu và các công nghệ số.

Về gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo: Năm 2021, 97,4% số trường được khảo sát có ít nhất 80% tổng số học sinh (HS) hệ trung cấp, CĐ tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Có 42/45 trường được khảo sát có sinh viên (SV) đã từng có thành tích tại các kỳ thi kỹ năng nghề ở cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó ở cấp độ quốc gia có 218 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, 73 huy chương đồng, 38 huy chương bạc, 110 huy chương vàng; ở cấp độ ASEAN có 14 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, 6 huy chương đồng, 6 huy chương bạc, 16 huy chương vàng; ở cấp độ thế giới có 9 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc...

Đào tạo nghề trên thiết bị hiện đại tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

 

Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác đào tạo nguồn nhân lực CLC trong hệ thống GDNN nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể là: Việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Phát triển trường cao đẳng CLC đến năm 2025” còn chậm như: Chưa phê duyệt danh sách các trường CĐ có năng lực đào tạo tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường CĐ CLC; chưa tổ chức đánh giá, công nhận trường CĐ CLC theo mục tiêu của Đề án; chưa có hướng dẫn cụ thể các cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống các trường cao đẳng chất lượng cao…

Nguồn lực đầu tư cho GDNN nói chung, cho đào tạo nhân lực CLC nói riêng còn thấp; cơ chế thực hiện còn vướng mắc do một số quy định về tài chính. Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN vẫn còn bất cập. Trong giai đoạn 2021-2025 chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn để thực hiện Đề án. Một số bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản của các trường chưa tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực từ kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án trong và ngoài nước, nguồn thu sự nghiệp của các trường và các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương đầu tư đồng bộ cho các trường được lựa chọn nhằm đạt các tiêu chí của trường nghề CLC; bảo đảm chi phí đào tạo nghề của các trường. Đến nay vẫn chưa có văn bản quy định nội dung chi và mức chi cho hoạt động đánh giá, công nhận trường CĐ CLC.

Năm 2022, Tổng cục GDNN được bố trí kinh phí 1 tỷ đồng để triển khai đánh giá, công nhận trường CĐ CLC (để đánh giá tối đa 10 trường). Năm 2023, được bố trí 500 triệu đồng (để đánh giá tối đa 05 trường). Với kinh phí được cấp hằng năm như trên khó có thể đạt được mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 70 trường CLC theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với chương trình CLC, nhiều đề án các trường xây dựng theo Thông tư số 21 còn khá sơ sài, chưa làm rõ chuẩn đầu ra về chuyên môn nghề cao hơn chuẩn đầu ra tối thiểu là gì, chưa có thông tin về mức thu phí, dự toán thu chi, lộ trình cụ thể.

Cơ chế, quy định cụ thể về phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng nhà giáo còn phức tạp. Chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ tham gia đào tạo nhân lực CLC trong khi yêu cầu về đội ngũ nhà giáo đáp ứng được các điều kiện đào tạo CLC là tương đối cao. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; số lượng SV của 34 chương trình được chuyển giao, đào tạo thí điểm còn chưa đạt mục tiêu của Đề án. Kinh phí chi trả chuyên gia CHLB Đức sang Việt Nam hướng dẫn, tổ chức thi, đánh giá công nhận tốt nghiệp, kiểm tra, giám sát đào tạo thí điểm và chi trả cho các trường để tổ chức đào tạo thí điểm theo hợp đồng ký kết.. còn hạn hẹp, dẫn đến tình trạng SV đã học xong chương trình nhưng chưa được tổ chức thi tốt nghiệp để cấp bằng theo kế hoạch.

Việc triển khai tự chủ tại các cơ sở GDNN chưa đồng bộ và mạnh mẽ; cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ trong lĩnh vực GDNN còn chưa rõ. Các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nhân lực CLC còn chưa hoàn thiện và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để phát triển trường nghề CLC...

Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học công nghệ, xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đòi hỏi người lao động phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn cao cũng như khả năng đổi mới và sáng tạo để có thể bắt kịp với công nghệ tiên tiến. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục đổi mới, khắc phục những tồn tại, bất cập và “phải thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực CLC, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” . 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014)

2. Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 06 tháng 06 năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

3. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí Thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4.Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 07/7/2011 phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2025.

5.Quyết định 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017 phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường cao đẳng, trường trung cấp công lập được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025

6.Quyết định số 1839/QĐ-LĐTBXH ngày 28/11/2017 về việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường thuộc doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

7. Thông tư số 21/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2018 quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

8.Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025

9.Thông tư số 35/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2021 quy định tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.

ThS. Phùng Lê Khanh - ThS. Nguyễn Quang Hưng

Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp