Xã hội
Quảng Ninh: Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong trợ giúp và chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí
04:27 PM 02/12/2020
(LĐXH) - Nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác truyền thông đến cộng đồng, đặc biệt là các gia đình có người bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí (RNTT) và các em học sinh phổ thông về vấn đề sức khỏe tâm thần với nhiều hình thức đa dạng.
Đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề công tác xã hội
Tâm thần, RNTT là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng phổ biến tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cũng như Việt Nam và nhiều nước trên thế giới nói chung do áp lực từ cuộc sống, khủng hoảng, suy thoái kinh tế và nhiều nguyên nhân khác. Ở Quảng Ninh, hiện có trên 6.500 người tâm thần, khuyết tật trí tuệ. Riêng tỷ lệ RNTT trẻ em chiếm khoảng 10%, trong đó tỷ lệ cao nhất là nhóm trẻ từ 11-16 tuổi (chiếm gần 17%), tiếp đến là nhóm trẻ 2-5 tuổi...
Để trợ giúp và chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần, người RNTT một cách hiệu quả, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người RNTT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 1215) với nhiều hoạt động thiết thực, giúp người tâm thần, người RNTT nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, ngay từ khi mới bắt đầu triển khai Đề án, Trung tâm đã chủ động đến với cộng đồng, đẩy mạnh công tác truyền thông đến cộng đồng, đặc biệt là các gia đình có người bị RNTT và các em học sinh phổ thông về vấn đề sức khỏe tâm thần thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên Website của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Trung tâm CTXH; phát videoclip, treo pano, áp phích... Phối hợp với Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Lao động và Xã hội thực hiện hàng chục phóng sự, đưa hàng chục tin bài về dịch vụ CTXH trợ giúp các đối tượng liên quan đến lĩnh vực tâm thần, RNTT.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc trợ giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần
Đồng thời, thực hiện tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, các thôn, bản, khu phố, với gần 300 hội nghị truyền thông trực tiếp tại các xã cho hơn 21.000 người; Duy trì 07 Pano tuyên truyền tại trục đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh; In ấn và phát hành đến cộng đồng ngàn tờ rơi, áp phích... Đặc biệt đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học và Xã hội và Nhân văn biên soạn và in 2 cuốn sách: “Hướng dẫn cách chăm sóc, nhận biết và phòng tránh rối nhiễu tâm trí ở trẻ em” để cung cấp cho bố mẹ và người nuôi dưỡng trẻ; cuốn  “Một số kỹ năng cơ bản về tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khoẻ tâm trí cho trẻ em” để cung cấp cho nhân ciên CTXH... Cùng với đó, phối hợp ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông cho 8.000 học sinh tại 40 trường THCS, THPT thuộc TP Hạ Long, TP Móng Cái và huyện Hải Hà về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng chống hội chứng tự kỷ, RNTT...
Qua các hoạt động truyền thông, nhận thức của cộng đồng về các dịch vụ CTXH trợ giúp cho các đối tượng trẻ em bị rối loạn tâm thần đã được nâng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các đối tượng trong cộng đồng biết, hiểu và tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm trí của Trung tâm./.
Cảnh Hưng 
Từ khóa: