Quảng Ninh tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
(LĐXH)- Nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật (NKT) tham gia sâu hơn vào đời sống xã hội, cũng như đảm bảo công tác an sinh xã hội, thúc đẩy quyền, nghĩa vụ của NKT, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách riêng, ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề cho NKT; đặc biệt là tạo điều kiện tốt nhất để NKT có làm việc, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, phát huy tối đa khả năng của mình.
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, vay vốn, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho NKT.
Cụ thể như: Xây dựng đề án, chương trình và tổ chức đào tạo, dạy nghề đối với NKT thông qua các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức của NKT; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là NKThoặc của người khuyết tật.
Đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ dạy nghề; hỗ trợ, tập huấn kỹ năng tìm việc làm, khởi sự doanh nghiệp, quản lý tài chính, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho NKT; hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ giúp cho NKT có nghề và việc làm.
Trung tâm BTXH tỉnh đưa người cao tuổi và NKT đi thăm quan khu du lịch Làng Nương Yên Tử (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí)
Tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu và triển khai hoạt động hỗ trợ sinh kế phù hợp với nhu cầu của NKT và gia đình; tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tháng, trong đó có hỗ trợ NKT; tư vấn nghề, việc làm và hỗ trợ NKT tìm kiếm việc làm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho NKT có nhu cầu được học nghề phù hợp.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với NKT; xây dựng mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với NKT; mô hình hợp tác xã có NKT tham gia chuỗi giá trị sản phẩm;
Ưu tiên thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tật, NKT và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ NKT và các nguồn vốn khác.
Để triển khai có hiệu quả những nội dung trên, Quảng Ninh quyết tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với NKT đủ điều kiện theo quy định và huy động sự đóng góp của cộng đồng, tạo điều kiện cho NKT cải thiện, ổn định cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT thông qua lồng ghép với các chương trình, đề án của tỉnh: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình giải quyết việc làm, Chương trình hỗ trợ nhà ở... Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và cung cấp trang thiết bị phục hồi chức năng cho các Cơ sở trợ giúp xã hội; khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia vào lĩnh vực chăm sóc, trợ giúp NKT có nhu cầu trợ giúp xã hội phù hợp với chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Quảng Ninh...
Quảng Ninh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học nghề, việc làm. Hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ học nghề cho người lao động từ 10 - 15 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh còn phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 3.000 NKT được đào tạo nghề; gần 1.000 chỗ làm được bố trí cho NKT; trên 1.000 hộ NKT được vay vốn phát triển kinh tế… Đặc biệt đã ban hành quyết định thành lập Quỹ việc làm dành cho NKT. Toàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, tạo việc làm cho hơn 200 lao động là NKT với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng.
Với việc thực hiện kịp thời các chính sách đối với NKT và huy động được sự tham gia, đóng góp của các cấp, các ngành, đơn vị và địa phương, các cá nhân cũng như tập thể và cộng đồng trong việc trợ giúp NKT, đời sống vật chất và tinh thần của NKT Quảng Ninh đã không ngừng được cải thiện và nâng cao, giúp NKT từng bước hòa nhập với xã hội, vươn lên trong cuộc sống./.
Tân Khang
Từ khóa:
-
Phụ nữ Nam Định với phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"
25-11-2024 11:17 09
-
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
25-11-2024 11:16 03
-
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
06-11-2024 11:21 52
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
22-11-2024 18:20 18