Lao động
Quảng Ninh thực hiện tốt việc thu thập, cập nhật thông tin về người lao động và nhu cầu tuyển dụng
09:34 AM 28/12/2024
(LĐXH)-Thực hiện hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và thực hiện, hoàn thành tốt việc việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh được bám sát theo Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 19/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 và căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Doanh nghiệp tuyển dụng người lao động 
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Kế hoạch, lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đơn vị, Sở đã ban hành Kế hoạch số 3337/KH-LĐTBXH ngày 15/11/2023 về việc triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động và thông tin nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, 13/13 huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo Kế hoạch 3337/KH-LĐTBXH nêu trên đã xây dựng Kế hoạch về việc triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động và thông tin nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động trên địa bàn địa phương.
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động
Để triển khai hiệu quả việc thu thập thông tin về người lao động trên địa bàn toàn tỉnh, sau khi thống nhất với phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lựa chọn, chỉ đạo triển khai thí điểm thu thập, cập nhật thông tin về người lao động tại phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên và phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả. Sau khi thực hiện thí điểm tại 2 phường, đã tiến hành rút kinh nghiệm để chỉ đạo triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng thời với việc thu thập thông tin thông tin về người lao động và thông tin nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động trên địa bàn, tỉnh đã thành Đoàn liên ngành gồm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Công an tỉnh đến làm việc trực tiếp với UBND thị xã Đông Triều, thành phố Cẩm Phả để nắm tình hình, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện việc thu thập, cập nhật thông tin người lao động.
Trong quá trình thực hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành 03 văn bản trong năm 2024 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn, đôn đốc triển khai việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và tổng hợp thông tin về người lao động. Phối hợp với UBND 3 thành phố Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long và huyện Hải Hà để tổ chức 04 hội nghị tập huấn kỹ năng thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và tổng hợp thông tin người lao động cho cán bộ điều tra cấp xã. Đồng thời, chuyên viên đầu mối Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp trao đổi, hướng dẫn và giải đáp vướng mắc cho cán bộ phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, cán bộ cấp xã trong quá trình triển khai.
Nhìn chung, các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ báo cáo kết quả triển khai việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và tổng hợp thông tin về người lao động định kỳ hàng tháng hoặc khi có yêu cầu.
Hiện nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đang phối hợp với Công an tỉnh rà soát lại việc cập nhật thông tin người lao động trên hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của năm 2024 nên chưa có số liệu cụ thể của cả năm. Tính đến ngày 30/9/2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu thập, cập nhật thông tin người lao động lên phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động với tổng số 642.277 người lao động.
Tuy nhiên, quá trình thu thập thông tin cũng nảy sinh một số khó khăn như cán bộ điều tra thông tin thường xuyên phải đi lại nhiều lần, thực hiện việc thu thập thông tin ngoài giờ hành chính vì trong giờ hành chính thì người lao động đi làm hoặc không ở nơi cư trú. Một số người lao động đang sinh sống và làm việc trên địa bàn nhưng không đăng ký cư trú nên không thể cập nhật thông tin lên phần mềm. Một số người lao động không phối hợp cung cấp thông tin do lo ngại việc mất an toàn thông tin cá nhân; hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác. Cùng với đó, nhân lực, thiết bị phục vụ thu thập, cập nhât thông tin còn hạn chế về số lượng, phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác cùng một lúc.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Các địa phương thường xuyên thực hiện việc rà soát, thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp bổ sung thông tin về người lao động trên địa bàn. Thực hiện việc khai thác, sử dụng dữ liệu người lao động trong công tác quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, góp phần cung cấp thông tin cụ thể về người lao động và nhu cầu, số lượng vị trí việc làm cần tuyển dụng, từ đó kết nối, giới thiệu việc làm thiết thực cho người lao động, giúp hoàn thành mục tiêu về giải quyết việc làm trong năm 2024.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, ước cả năm 2024, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho 32,22 nghìn lượt lao động (đạt 107,4% kế hoạch năm, tăng 2.401 lượt người so với năm 2023); trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 950 người (đạt 158% kế hoạch).
Một trong những thành công đáng chú ý là việc triển khai các phiên sàn giao dịch việc làm định kỳ, online và lưu động, cùng với các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, trong đó có người dân tộc thiểu số.
Theo đó, toàn tỉnh đã tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách việc làm cho 13.970 ca tư vấn; giới thiệu việc làm tuyển dụng lao động cho 4.095 ca và 832 lượt doanh nghiệp; tổ chức 140 phiên giao dịch việc làm có kết nối trực tuyến, 5 phiên giao dịch việc làm/ngày hội việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh cũng đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 6.671 lao động./.
Mỹ Hạnh