Xã hội
Tấm gương “tàn nhưng không phế”
02:46 PM 21/12/2018
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua các cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Quốc Oai không ngừng nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Nhiều CCB đã trở thành những điển hình tiên tiến, được nhiều người biết đến với cách làm hay, mô hình kinh tế sáng tạo, hiệu quả.
Trong số đó có ông Lê Văn Huệ, CCB xã Hòa Thạch, người nhiều năm liền được UBND huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội khen thưởng vì có thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Trang trại của CCB Lê Văn Huệ nằm sâu trong khu hẻo lánh nhất của xã Hòa Thạch nhưng không khó khi chúng tôi hỏi thăm để tìm hiểu về mô hình kinh tế của gia đình ông. Chứng kiến hàng nghìn quả trứng gà để trong kho chờ bán cho thương lái và hàng trăm quả bưởi vàng ươm trên cây trong vườn, chúng tôi mới hiểu vì sao mô hình kinh tế của ông được đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đến thăm.
Mô hình nuôi gà đẻ trứng của cựu chiến binh Lê Văn Huệ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong câu chuyện với ông Lê Văn Huệ, được biết, ông sinh ra và lớn lên tại xã Thống Nhất, huyện Thường Tín. Năm 1979, cũng như bao thanh niên khác cùng thời, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Capuchia. Trong khi làm nhiệm vụ, ông bị thương với mức thương tật 4/4. Năm 1982, xuất ngũ trở về quê hương, ông Huệ được cử đi học lớp công nhân cơ khí và được tổ chức phân công về công tác tại Công ty Sông Đà. Ông bén duyên với mảnh đất xã Hòa Thạch  từ năm 1990 khi Công ty Chè Long Phú tổ chức giao khoán đất cho các cá nhân nhận khoán trồng chè cho Công ty. Năm 2010, do nhiều yếu tố tác động, Công ty Chè Long Phú giải thể.
 Khác với các hộ cùng nhận khoán đất, ông Huệ đã chuyển đổi số đất mình được giao theo hướng vừa chăn nuôi vừa trồng cây ăn quả có giá trị cao. Ban đầu, khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới, ông gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Song với sự kiền trì, mô hình kinh tế của ông đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, với diện tích hơn 6.000m2, hai trại nuôi trên 6.000 đầu gà Ai Cập đẻ và gần 160 gốc bưởi Diễn cùng các loại cây ăn quả khác, mỗi năm, gia đình ông thu lãi hơn 250 triệu đồng. Đây không phải là số tiền quá lớn so với hàng trăm mô hình kinh tế khác, song với một thương binh, đó là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Hiện tại, ở tuổi gần 60, sức khỏe đã giảm sút, ông Lê Văn Huệ mong muốn truyền đạt những kinh nghiệm chăn nuôi để ngành chăn nuôi của địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.
Đồng chí Phùng Văn Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thạch khẳng định với chúng tôi: “CCB Lê Văn Huệ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế của địa phương đáng để mọi người học tập, noi theo. Đồng chí luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Trong phát triển kinh tế, CCB Lê Văn Huệ thực sự có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi gà đẻ. Nhờ sự giúp đỡ của đồng chí, hiện tại, địa phương đã xây dựng được hàng chục mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều người dân trong xã”.
Thuận Nhân
Từ khóa: