Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới diễn ra phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu. Theo Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), trên thế giới có khoảng gần 250 triệu người di cư trái phép và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực… Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của hàng trăm đường dây mua bán người trên thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Kông được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp. Riêng ở Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Công an, cho thấy từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân.
Trước thực tế tình hình tội phạm buôn bán người ngày càng gia tăng về số lượng, nguy hiểm về tính chất vụ việc, công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đặc biệt chú trọng và tập trung đẩy mạnh thực hiện. Bộ Công an với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 và 03 Đề án về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người”, “Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người”, “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người”, góp phần quan trọng kiềm chế, kéo giảm trên 40% số vụ mua bán người so với giai đoạn 2011 - 2015. Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã làm tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đường dây nóng 111) – có chức năng tiếp nhận thông tin, tư vấn cho người dân các kiến thức về phòng, chống mua bán người; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề cho hàng trăm phụ nữ tại mô hình “Ngôi nhà bình yên” và hàng nghìn nạn nhân khác đã được chính quyền, đoàn thể ở địa phương hỗ trợ dịch vụ liên quan, như: trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả rất nổi bật.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Đường dây nóng về phòng chống mua bán người – tổng đài 111 đã tiếp nhận 147 cuộc gọi tư vấn liên quan đến vấn đề phòng chống mua bán người chiếm 14,4% trong tổng cuộc gọi đến. Trong đó, nội dung tư vấn chủ yếu là: tư vấn về phòng chống mua bán người, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân… Số lượng cuộc gọi chuyển tuyến 6 tháng đầu năm là 19 trường hợp với 28 nạn nhân trong đó có 04 nạn nhân là nam (chiếm 14,3%), 24 nạn nhân là nữ (chiếm 85,7%); 26 nạn nhân là người dân tộc Kinh (chiếm 92,9%), 02 nạn nhân là người dân tộc thiểu số (Thái và Mông) (chiếm 7,1%). Kết quả hỗ trợ: Có 03 trường hợp nạn nhân được giải cứu an toàn, 05 trường hợp người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý, pháp lý; 04 trường hợp xác minh không phải nạn nhân của mua bán người, 07 trường hợp đang trong quá trình theo dõi.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm mua bán người, để tập trung đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đồng thời thực hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một chủ trương mang tính chiến lược, hoạch định đồng bộ các giải pháp, huy động tổng lực sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vào công tác phòng, chống mua bán người. Và vừa qua, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chương trình này, đặc biệt trong tiếp nhận, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, 04 bên liên quan gồm Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng/Bộ Quốc phòng), Ban Tuyên giáo (Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) đã cùng nhau ký kết Kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của Đường dây nóng Tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người giai đoạn 2021 – 2025./.
Đăng Doanh
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
22-11-2024 18:20 18
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55
-
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
19-11-2024 19:05 09
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
- Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
- Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới