Xã hội
Thái Nguyên: Hiệu quả của chính sách hỗ trợ BHYT đối với người nghèo, người cận nghèo
05:10 PM 07/12/2024
(LĐXH) - Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời hỗ trợ cấp thẻ BHYT. Việc bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Nhờ có thẻ BHYT, người nghèo, cận nghèo giảm bớt khó khăn trong khám, chữa bệnh
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu ở chiều thiếu hụt về y tế, 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT, qua đó giúp đối tượng có điều kiện chữa trị bệnh hiểm nghèo, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho 69.802 người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, 14.223 người thuộc hộ nghèo, 33.186 người thuộc hộ cận nghèo, 9.943 người Kinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, tổng kinh phí thực hiện là 183,8 tỷ đồng. Trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho 31.175 người thuộc hộ nghèo, kinh phí thực hiện là 24,8 tỷ triệu đồng; cho 32.724 người thuộc hộ cận nghèo, với kinh phí thực hiện là 26,2 tỷ đồng. Hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 1.907.521 lượt người nghèo, kinh phí thực hiện là 5,4 tỷ đồng.
Trong năm 2023, hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 22.455 người nghèo, 24.775 người cận nghèo, 58.309 người dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn, 9.657 người Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Kinh phí thực hiện 104,1 tỷ đồng. Năm 2024 dự ước cấp thẻ BHYT cho 15.396 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng.
Để giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần bảo đảm công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, nhất là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông chính sách BHYT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong sinh hoạt đoàn thể; tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người lao động và nhân dân. Đến nay, tỉnh đã bảo đảm cấp thẻ BHYT 100% cho người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nói chung, đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hiểu sâu hơn về chế độ, quyền lợi của chính sách BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải cách qui trình khám chữa bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực.
Hầu hết các cơ sở y tế đều được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Hiện tại, toàn tỉnh có 47 cơ sở khám chữa bệnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ban đầu cho người có thẻ BHYT. Có 222 cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều triển khai tiếp đón người bệnh đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID. Qua đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh bằng BHYT trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách tốt nhất. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên nên đã xử lý và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong khám, chữa bệnh BHYT. Với sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan, việc huy động người dân tham gia BHYT đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.
Nhờ thực hiện tốt chính sách BHYT cho người nghèo, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành các mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm dự ước 1,14%, đạt và vượt so với mục tiêu của tỉnh và Chính phủ giao. Hoàn thành vượt kế hoạch giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%/năm. Giải quyết kịp thời các chiều thiếu hụt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 10.190 hộ nghèo, tỷ lệ 3,02%, dự ước cuối năm 2024 còn 7.480 hộ, tỷ lệ 2,22%.
Khám, chữa bệnh bằng BHYT giúp người nghèo, cận nghèo giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị bệnh. Chính vì thế, việc hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia BHYT là chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo và rất ưu việt của Đảng và Nhà nước. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHYT tới người dân; tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình “Tặng sổ thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” để các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân chia sẻ giúp đỡ cho những người khó khăn được chăm sóc sức khỏe và giảm bớt gánh nặng kinh tế ổn định cuộc sống khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Phối hợp Sở Y tế và các cơ sở KCB trong toàn tỉnh nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong KCB BHYT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ, lấy phương châm hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ của ngành BHXH./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: