Lao động
Thanh Hóa tăng cường kết nối cung cầu lao động
02:35 PM 26/12/2024
(LĐXH)- Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cùng các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho người lao động.

Cuối tháng 11/2024 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Bá Thước tổ chức Sàn giao dịch việc làm năm 2024. Địa điểm tổ chức tại Trường THPT Bá Thước (thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước).

Sàn giao dịch việc làm 2024 tại huyện Bá Thước có sự tham gia của gần 15 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, tuyển sinh với các vị trí ngành nghề đa dạng, mức lương cạnh tranh, hấp dẫn.

Tại đây, các doanh nghiệp tuyển dụng việc làm trong và ngoài nước đã cung cấp thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh và cơ hội tìm việc làm cho trên 10.000 vị trí; các thông tin về chế độ, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động - việc làm, dạy nghề và xuất khẩu lao động…

Đây là cơ hội cho người lao động tiếp cận thông tin về nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, đơn vị, các cơ sở đào tạo dạy nghề. Đặc biệt, các em sinh viên được tư vấn, giới thiệu và định hướng về đào tạo, dạy nghề; tư vấn việc làm, tư vấn các kỹ năng phỏng vấn, tư vấn hướng nghiệp và tư vấn về chính sách pháp luật lao động.

Các đơn vị và người lao động trao đổi tại Sàn giao dịch việc làm huyện Bá Thước 2024

Anh Lê Minh Hưng, thị trấn Cành Nàng cho biết, trước đây anh làm công nhân ở thị xã Nghi Sơn. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình nên anh quyết định trở về quê và đến tìm hiểu tại phiên giao dịch việc lần lần này. Anh may mắn được tuyển dụng vào làm việc tại một đơn vị kinh doanh dịch vụ tại khu du lịch Pù Luông gần nhà. 

Lãnh đạo Trung tâm cho biết, triển khai thực hiện Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, đơn vị đã tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm tại cộng đồng; trong đó đã tổ chức 16 hội nghị giới thiệu việc làm, học nghề cho 4.230 người lao động tại 09 huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Quảng Xương và Hoằng Hóa; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại 600 doanh nghiệp (525 doanh nghiệp trong tỉnh và 75 doanh nghiệp ngoài tỉnh), với nhu cầu tuyển dụng khoảng 28.000 lao động.

Từ đầu năm đến tháng 11/2024, Trung tâm đã tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động, thu hút 266 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 8.732 lượt người lao động tham gia tuyển dụng; kết nối việc làm thành công cho 1.291 lao động; tư vấn việc làm, chế độ chính sách liên quan đến lao động việc làm, hoạt động xuất khẩu lao động cho hơn 53.200 lượt lao động; kết nối việc làm cho 3.898 lao động đi làm việc trong nước, ngoài nước và học nghề.

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn tuyển sinh các lớp tiếng Hàn Quốc, tạo nguồn cho Chương trình xuất khẩu lao động EPS; tiếp nhận 10.500 hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn Quốc, tổ chức khám sức khỏe cho 4.200 lao động trúng tuyển đi lao động ở Hàn Quốc.

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành thu thập thông tin thị trường lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp đều có nhu cầu tuyển dụng lao động liên tục để đáp ứng việc hoàn thiện các đơn hàng dịp cuối năm. Số lượng lao động cần tuyển khoảng 25.000 - 30.000 lao động, tập trung vào các nhóm ngành: may mặc, giầy da, nhựa, bao bì. Các đơn vị xuất khẩu lao động cũng đang tăng cường tuyển dụng lao động, đáp ứng các đơn hàng vào đầu năm 2025.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa chia sẻ thêm, nhằm tăng cường kết nối cung cầu lao động, Thanh Hóa đã tổ chức thường xuyên các phiên giao dịch việc làm. Những sự kiện này tạo cơ hội để người lao động tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp, tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực và mong muốn của mình. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến, giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm thông tin mà không cần phải di chuyển nhiều. Không chỉ vậy, Thanh Hóa còn liên kết lao động với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các hợp đồng hợp tác tuyển dụng, mở rộng cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất và dịch vụ.
Trung tâm tích cực tuyên truyền sâu rộng trên các hạ tầng số, các hội nghị tư vấn, phiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động và doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Hiện các đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá đã tạo việc làm mới cho khoảng 48.800 lao động. Đặc biệt, tỉnh đã đưa 9.518 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 58,6% so với kế hoạch và đạt 95% so với cùng kỳ năm trước. Những thị trường trọng điểm xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đều đạt kết quả cao, với số lao động lần lượt là 3.459, 3.978 và 1.820 người.
Từ nỗ lực thực hiện Tiểu dự án 3, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh năm 2024. Theo rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,46% còn 2,06%; hộ cận nghèo giảm giảm 1% còn 4,57%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 5%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 8,7%.
Giai đoạn 2022 - 2024, tổng tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,66% (năm 2022 giảm 1,79%; năm 2023 giảm 1,47%; năm 2024 giảm 1,46%); bình quân giai đoạn 2022 - 2024 mỗi năm toàn tỉnh giảm 1,57%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và chỉ tiêu giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ./.
Dương Thìn
Từ khóa: