Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xóa nhà tạm, nhà dột nát phải phân công rõ người, rõ việc
(LĐXH)- Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo được tổ chức ngày 10/11.
Tham dự có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành liên quan.
Chương trình nhân văn và thiết thực
Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1243/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để đến 31/12/2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả ba chương trình: hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đến nay, các địa phương đang quyết liệt triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các huyện nghèo, hộ nghèo tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với mục tiêu hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở cho trên 100 nghìn hộ.
Thực hiện 02 Chương trình này, đến nay, đã hỗ trợ nhà ở cho trên 66 nghìn hộ thuộc đối tượng. Có thể thấy, ý nghĩa nhân văn của các chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở hộ nghèo, hộ khó khăn sẽ mở ra cuộc sống tốt đẹp hơn đối với các hộ nghèo khó khăn có nơi ở ổn định, an tâm lao động sản xuất, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống…
Ngoài 02 Chương trình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, các chương trình mục tiêu, hộ nghèo, hộ cận nghèo…) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để "an cư, lạc nghiệp", yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành một phong trào toàn diện, huy động, tập trung được đa dạng các nguồn lực từ trung ương đến địa phương và đón nhận sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các bộ, ngành như: Công an, Quân đội; sự chung tay đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, người dân… và đặc biệt là sự chủ động vươn lên của chính các hộ nghèo và cận nghèo để cải thiện cuộc sống, phấn đấu đến cuối năm 2025 cả nước hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước…
Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính: xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo để thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025; phân tích, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc (như xác định đối tượng, đất ở, huy động, sử dụng nguồn lực, cách thức triển khai thực hiện…) và biện pháp khắc phục; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu vào năm 2025.
Trong đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là công việc có ý nghĩa chính trị rất lớn, là Chương trình nhân văn và thiết thực, đòi hỏi các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương vào cuộc một cách quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Do đó, phải có Ban Chỉ đạo từ Trung ương cho tới cơ sở, ở địa phương thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình này.
“Sau cuộc họp này, chúng ta có thể tổ chức một số hội nghị “đầu bờ” ở một số địa phương. Như ở miền Trung thì xem tỉnh Nghệ An triển khai ra sao, ở tây Bắc thì xem tỉnh Điện Biên làm như thế nào, miền Tây thì đến Trà Vinh, còn ở tây Nguyên thì đến tỉnh Đắk Lắk trao đổi, học trập kinh nghiệm trong việc làm nhà theo nhu cầu của người dân ở các vùng để thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ví dụ.
“Thực hiện Chương trình này, chúng ta nên chốt số liệu nhà tạm, nhà dột nát đã rà soát do Chủ tịch UBND các tỉnh đã ký quyết định gửi Ban Chỉ đạo, nếu có bổ sung thì địa phương phải tự cân đối ngân sách và huy động nguồn lực để hỗ trợ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.
Truyền cảm hứng toàn xã hội
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình đồng chí, nghĩa đồng bào cao cả, mang tính toàn dân, toàn diện, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tạo phong trào, xu thế, tổ chức như ngày hội, như chiến dịch, làm việc với tất cả tâm đức vì người nghèo, người có công với cách mạng để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Đặc biệt, trong thời gian ngắn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trình ban hành Quyết định thành lập, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và chuẩn bị chu đáo Phiên họp thứ nhất…
Nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ: Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, góp phần hình thành lưới an sinh xã hội, phát triển nhanh, bền vững, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung huy động nguồn lực xã hội hoá kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành đồng thời cả 3 nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng yêu cầu: Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình với tinh thần “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm”. Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được, được nhân dân ghi nhận.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lưu ý phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: "Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít"; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng toàn xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Về đất đai, nguyên tắc là không có tranh chấp và công việc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết; đồng thời, đa dạng hóa nguồn lực, nhân công (gồm cả lực lượng quân đội, công an), kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, dòng họ… và sử dụng hiệu quả nhất.
Thủ tướng kết luận đồng ý chủ trương nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (hiện là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (hiện là 25 triệu đồng). Cùng với ngân sách Nhà nước thì cần khuyến khích các hình thức xã hội hoá; cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tực giác phấn đấu của chính các đối tượng thụ hưởng...
Trần Thắng
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48