Tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về: Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đặt ra từ Ngôi nhà Bình yên
(LĐXH)-Nhà tạm lánh (Nhà Bình yên - NBY) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập và chính thức ra đời ngày 08/3/2007. Với chức năng hỗ trợ sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam, Ngôi nhà Bình Yên là mô hình nhà tạm lánh điểm đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ miễn phí, trọn gói cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị mua bán người.
Từ mô hình điểm được vận hành (08/3/2007) bởi nguồn viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật của cộng đồng quốc tế, đến nay hoạt động Nhà Bình Yên đã được ngân sách nhà nước cấp một phần kinh phí hỗ trợ vận hành các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, khẩn cấp giúp phục hồi và tái hòa nhập an toàn và bền vững cho nạn nhân bị mua bán trở về. Kết quả vận hành của NBY là một trong những cơ sở trực tiếp để Hội LHPN Việt Nam đề xuất các chính sách liên quan đến phòng chống và bảo vệ nạn nhân mua bán người (MBN) tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, NBY gặp một số khó khăn thách thức trong quá trình hỗ trợ nạn nhân do một số chính sách hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp, khó khả thi trong thực tế, việc hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế và thiếu bền vững.
Cụ thể, về tư vấn và hỗ trợ tâm lý, hiện quy định chi phí chăm sóc y tế “thanh toán bằng thẻ BHYT” chỉ hỗ trợ thanh toán các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe thể chất, chưa có các chính sách quy định về dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho người bị mua bán đặc biệt dịch vụ trị liệu tâm lý chuyên sâu. Có tới 85,7% người bị mua bán tạm lánh tại NBY đều gặp các vấn đề sang chấn, rối loạn hành vi cảm xúc (trầm cảm, nghiện chất, có ý định tự tử), hầu hết phụ nữ, trẻ em đều cần các chuyên gia tâm lý lâm sàng trị liệu. Hiệu quả của trị liệu tâm lý có tác động rất lớn đến quá trình hỗ trợ, liên quan trực tiếp tính hiệu quả của dịch vụ học văn hóa, học nghề, giới thiệu việc làm hay hồi gia bền vững.
Về dịch vụ hỗ trợ y tế, đối với nhóm người bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục, nguy cơ bị mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục rất cao (giang mai, lậu, HIV…) và mang thai ngoài ý muốn cần điều trị trong thời gian dài, tốn kém. Tuy nhiên, tại Nghị định 09/2013 có quy định bệnh nặng thì chi phí khám bệnh, điều trị do nạn nhân hoặc gia đình, chi trả (trừ bệnh nhân thuộc hộ nghèo, nạn nhân có bảo hiểm y tế hoặc người không còn nhân thân). Điểm này chưa phù hợp với thực tế hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy, NBY cần huy động thêm các nguồn hỗ trợ kinh phí từ bên ngoài trong việc khám, điều trị các loại bệnh cho người bị mua bán.
Ngoài ra, theo Khoản 2, Điều 19 của Nghị định 09/2013, thời gian lưu trú của nạn nhân tại các cơ sở trợ giúp là 60 ngày chưa đủ hỗ trợ quá trình phục hồi thể chất, tinh thần cũng như hỗ trợ quá trình học nghề, việc làm chuẩn bị cho quá trình hồi gia bền vững của người bị mua bán.
Về kết nối chuyển tuyến, theo quy định của pháp luật, hiện chưa thấy vai trò của Hội Phụ nữ trong quá trình tiếp nhận hỗ trợ ban đầu. Thực tế, tại nhiều địa phương, sau khi tiếp nhận nạn nhân, UBND giao việc hỗ trợ ban đầu cho Hội Phụ nữ. Đây là điểm nhạy cảm trong quá trình hỗ trợ nạn nhân nữ. Quy định của pháp luật cũng chưa có nội dung quy định dịch vụ kỹ năng sống, cung cấp kiến thức phòng chống MBN, di cư an toàn cho nạn nhân. Đây cũng điểm gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Thực tế dịch vụ quan trọng nhằm giúp nạn nhân tự phòng ngừa rủi ro đảm bảo an toàn của bản thân và gia đình trước các thủ đoạn MBN.
Về dịch vụ học văn hóa và học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, theo thực tế, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho nạn nhân gặp khó khăn do trình độ văn hóa của nạn nhân thấp, nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu học nghề. Nhiều nạn nhân bị mua bán trở về còn trong độ tuổi vị thành niên khó tiếp cận được chương trình hỗ trợ học nghề và vốn sản xuất, do một số lý do: quy định nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được miễn học phí và hỗ trợ chi phí theo quy định của pháp luật. Nhiều người đã không làm đơn xin xác nhận hồ nghèo bởi lo sợ sự kỳ thị của cộng đồng nên không có cơ hội tiếp cận dịch vụ này. Bên cạnh đó, mức trợ cấp ban đầu thấp (1 triệu đồng), chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người bị mua bán so với giá cả thị trường hiện nay. Từ 2013 đến nay, NBY chưa sử dụng kinh phí nhà nước để hỗ trợ cho người bị mua bán dịch vụ này. Thay vào đó NBY huy động các nguồn lực khác để cung gói hỗ trợ phát triển kinh tế (máy may, cây con giống, dụng cụ làm tóc, làm móng, làm bánh….).
Về vấn đề hòa nhập cộng đồng, đa số các nạn nhân trở về không muốn công khai hoàn cảnh và quá khứ của mình, vì vậy đã không được tiếp cận các chính sách hỗ trợ ( chỉ dành cho hộ nghèo), chưa kể để thực hiện được các chính sách này trong thực tế còn rất hạn chế, thiếu đồng bộ ( đi học nghề mang hóa đơn/ biên nhận về thành toán).
Hiện tại, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan cũng thiếu quá trình đánh giá mức độ an toàn tại cộng đồng, gia đình (sự kỳ thị, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương), khiến nhiều phụ nữ, trẻ em phải bỏ đi nơi khác sinh sống, có nguy cơ bị tái mua bán. NBY cũng gặp nhiều khó khăn khi theo dõi quá trình hồi gia của 370 phụ nữ, trẻ em do nhận thức của cộng đồng, thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ và thiếu nguồn lực cần thiết đảm bảo cho việc hồi gia bền vững.
Bên cạnh đó hoạt động của NBY cũng còn một số khó khăn, hạn chế và thách thức trong ứng phó với tệ nạn MBN như sau: Hình thức, tính chất vụ việc MBN và đặc điểm nhóm đối tượng ngày càng đa dạng, phức tạp đòi hỏi phương pháp tiếp cận và dịch vụ phù hợp, đặt ra yêu cầu đào tạo kiến thức, kỹ năng thường xuyên cho cán bộ tham vấn và nhân viên xã hội. Nhận thức của cộng đồng và ngay cả một bộ phận nhóm quản lý về MBN còn hạn chế; thiếu sự cam kết và hợp tác trong hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý, kết nối, chuyển tuyến và tiếp nhận, hỗ trợ sau khi nạn nhân hồi gia, NBY khuyến nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung quy định tại
Nghị định 09/2013/NĐ-CP. Đồng thời khuyến nghị cần chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống MBN, đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp và trách nhiệm của các ngành chức năng, các tổ chức và cộng đồng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả trong quá trình hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân giữa các cơ quan pháp luật (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Bộ đội Biên phòng…) và chính quyền các cấp, các tổ chức, tạo hệ thống bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân đồng bộ. Trong đó, cơ quan đầu mối cần thể hiện rõ vai trò định hướng và kết nối mạng lưới, chủ trì các cuộc họp định kỳ với các bên liên quan trong việc rà soát, xử lý bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình giáo dục, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới... nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và các hộ gia đình; Xử lý nghiêm và tăng cường xét xử công khai các vụ việc MBN. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, đồng bộ trong việc phát hiện, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân từ cơ sở. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong việc giải cứu, giao chuyển nạn nhân giữa Công an, Bộ đội Biên phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội (Chi cục bảo trợ xã hội; Trung tâm Bảo trợ xã hội/công tác xã hội), Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tham vấn, năng lực công tác xã hội và năng lực quản lý dịch vụ/cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trung tâm sẵn sàng chuyển giao kỹ năng chuyên môn cho các đơn vị chuyển tuyến, cung cấp dịch vụ TW và địa phương./.
Bảo Châu
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58