Lao động
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
11:46 AM 30/12/2024
(LĐXH)- Kết quả triển khai Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững, thuộc Dự án 4 trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững cho thấy, bên cạnh những nội dung được triển khai tích cực thì vẫn có những nội dung gặp khó khi thực hiện.
Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong chương trình quan trọng này có Tiểu dự án 3 về Hỗ trợ việc làm bền vững, thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Tiểu dự án này nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Những ngày hội việc làm đã thu hút đông đảo người lao động và doanh nghiệp tham gia

Đến năm 2025, Tiểu dự án đặt ra các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (chiều thiếu hụt về việc làm).
Theo đó, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Tối thiểu 100 nghìn người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Tiểu dự án 4.3 tập trung vào 6 nội dung hỗ trợ cụ thể, trước hết là hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu.
Cùng với đó là các nội dung như: xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Đến nay (tháng 12/2024), kết quả thực hiện Tiểu dự án thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương đang làm rất tốt nội dung tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm cho lao động. Có thể kể tới một số tỉnh thành như: Hà Giang; Cà Mau; Cao Bằng; Tuyên Quang, Vình Long, Hà Nôi…
Tổng hợp cho thấy một số nội dung được các địa phương làm nhanh là: Tổ chức phiên giao dịch việc làm, tư vấn kết nối giới thiệu việc làm cho lao động; tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm hiện đại.
Tuy nhiên, một số nội dung khác thực hiện chậm như: Kết nối việc làm thành công; thống kê, cập nhật dữ liệu về lao động, doanh nghiệp…
Về nguyên nhân, lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn (đầu tư phát triển và sự nghiệp) cho các đơn vị thực hiện còn chậm. Điều này dẫn đến khó khăn trong thực hiện các hoạt động có liên quan, nhất là đối với các địa phương trong việc phân bổ kinh phí, xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm và cả giai đoạn.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu tại Tiểu dự án có mục tiêu tập trung thực hiện tại trung tâm dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, một số địa phương đã phân bổ vốn về cho các cơ quan cấp huyện, do vậy đến nay chưa thể triển khai thực hiện.
Lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị, để thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án, cũng như các chương trình giảm nghèo bền vững, cần thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện Chương trình.
Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất.
Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Kết hợp lồng ghép các nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát đánh giá thực hiện Tiểu dự án theo quy định; nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc theo dõi, giám sát tình hình thực hiện dự án, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện các phần mềm triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 gồm phần mềm quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về; phần mềm người tìm việc – việc tìm người. Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm giúp địa phương chủ động, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện…
Để đẩy nhanh tốc độ thực hiện Tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững", Cục Việc làm - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh sẽ bám sát thực tế triển khai tại các địa phương để có những hướng dẫn triển khai và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc./.
Dương Thìn