TP. Hồ Chí Minh: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
(LĐXH) - Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, đảm bảo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, người dân, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể.
Trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, Sở Lao động - TBXH thành phố đã tham mưu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch kịp thời. Công tác giải quyết chế độ chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên và đột xuất cơ bản được các địa phương thực hiện tốt. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo được chú trọng, triển khai xuống tận cơ sở để người dân biết và cùng thực hiện.
Sở Lao động - TBXH đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất những chính sách, chế độ cho đối tượng bảo trợ xã hội và triển khai, hướng dẫn kịp thời. Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động tại 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập, qua đó hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc. Nhìn chung, các trung tâm bảo trợ xã hội cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng xã hội theo đúng quy định về các mặt từ vật chất, tinh thần phù hợp với điều kiện từng đơn vị; tổ chức lao động sản xuất, tạo nguồn thu nhập thêm cho đối tượng; tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề phù hợp với đối tượng xã hội; chủ động tìm đầu ra, tạo việc làm cho đối tượng, nhất là người trong độ tuổi lao động hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 136, năm 2020, TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện trợ cấp xã hội cho 146.049 người, với số tiền hơn 73 tỷ đồng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác người cao tuổi, người khuyết tật, gia đình có người bị rối nhiễu tâm trí. Rà soát việc cấp thẻ BHYT giai đoạn 2015-2020 cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Trong công tác quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội, hiện Sở Lao động - TBXH đang quản lý 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập; 01 cơ sở giáo dục và 01 cơ sở đào tạo nghề. Tiếp nhận, quản lý 6.093 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 886 người; người cao tuổi: 1.464 người; người khuyết tật đặc biệt nặng: 4.000 người. Sở đã tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở bảo trợ xã hội công lập trực thuộc, triển khai hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội về hồ sơ tiếp nhận đối tượng theo Nghị định 103/2017/NĐ-Cp và công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Ngoài ra, còn thực hiện chính sách xã hội hóa trong việc hỗ trợ, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng. Theo đó, các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo và cá nhân đã tham gia thành lập 62 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập (trong đó có 52 cơ sở có quyết định thành lập) trên địa bàn thành phố, với số đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc là 3.526 người, trong đó có 866 người cao tuổi, 104 người khuyết tật và 2.556 trẻ em.
Để thực hiện tốt công tác quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, Sở Lao động - TBXH đã triển khai Nghị định 103/2017/NĐ-CP, Thông tư 33/2017/BLĐTB&XH, đề nghị các đơn vị rà soát lại cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và chức năng nhiệm vụ để đảm bảo hoạt động theo quy định; đồng thời tiếp tục khảo sát 10 đơn vị chưa có quyết định thành lập để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập và cấp phép hoạt động theo quy định hiện hành. Ngoài ra, triển khai các chỉ đạo của UBND thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19 của Sở đến các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả.
Thực hiện công tác tiếp nhận đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, trong năm 2020, Sở Lao động - TBXH đã tiếp nhận ban đầu 1.202 trường hợp người xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú ổn định; 124 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo Nghị định 136 đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - TBXH.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH thành phố, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập tuy đã có kết quả đáng khích lệ, song một số cơ sở chưa thực hiện tốt quy định về lập hồ sơ tiếp nhận ban đầu đối với trẻ em bị bỏ rơi. Thêm vào đó, một số cơ sở thành lập nhiều năm, hiện nay cơ sở vật không còn đáp ứng điều kiện về nơi sinh hoạt, diện tích phòng ngủ, bếp ăn một chiều cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Thông tư 33.
Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; hướng dẫn và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội kịp thời; tiếp tục tham mưu hướng dẫn quận, huyện giải quyết tình trạng người xin ăn không có nơi cư trú ổn định; xã hội hóa hoạt động bảo trợ xã hội, huy động sự tham gia, phối hợp của các quỹ, hội, tổ chức đoàn thể xã hội tạo phong trào rộng khắp với tinh thần trách nhiệm không chỉ của nhà nước mà cả cộng đồng xã hội cùng tham gia chia sẻ thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm trước các vấn đề xã hội./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
18-11-2024 11:06 07
-
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan
18-11-2024 11:05 28
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
15-11-2024 16:24 56
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
15-11-2024 16:24 46
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29