TPHCM: Đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về pháp luật lao động, việc làm
Tại buổi đối thoại, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM và các đơn vị liên quan đã tiếp nhận và giải đáp hơn 55 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về hợp đồng lao động điện tử, các thủ tục về lao động khi chấm dứt dự án đầu tư, quyền lợi của thực tập sinh, hợp đồng lao động với người lao động đặc biệt, an toàn, vệ sinh viên, số giờ làm thêm và chế độ làm thêm, điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thủ tục xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài…
Đáng chú ý, tại Hội nghị một vấn đề "nóng" được nhiều nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là hướng dẫn về việc ký hợp đồng lao động điện tử đảm bảo tính pháp lý.
Các doanh nghiệp đặt câu hỏi với cơ quan quản lý nhà nước về lao động
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM) cho biết: Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Ngoài ra, trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Bộ luật Lao động Bộ luật Lao động năm 2019, thì “Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động được quy định: Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
“Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản”, ông Nguyễn Bảo Cường nói.
Như vậy, hợp đồng lao động được giao kết qua phương tiện thông tin điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như hợp đồng lao động bằng văn bản giấy, được bảo vệ bởi pháp luật lao động. Các bên tham gia hợp đồng lao động điện tử có quyền và nghĩa vụ như đối với hợp đồng lao động bằng văn bản giấy.
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ -TB&XH TPHCM) trả lời các câu hỏi doanh nghiệp
Đồng thời, khi người lao động và người sử dụng lao động lựa chọn giao kết hợp đồng lao động qua phương tiện điện tử cần đáp ứng đầy đủ điều kiện của văn bản điện tử và chữ ký số được sử dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
“Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Do đó, khi Chính phủ hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung liên quan đến hợp đồng lao động điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thông tin đến các doanh nghiệp được biết”, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Một vấn đề nóng khác được các doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị, liên quan đến nội dung hướng dẫn về việc tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
Ông Đoàn Văn Khoa - Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động ( Sở LĐ -TB&XH TPHCM) giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến Công tác An toàn, vệ sinh lao động
Liên quan đến Công tác An toàn, vệ sinh lao động, một trong những chủ đề nóng được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đặt câu hỏi với cơ quan quản lý nhà nước về lao động đã được. Trả lới về vấn đề này, ông Đoàn Văn Khoa - Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết: Theo quy định tại Điều 74 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015: Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc.
Người sử dụng lao động ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
“An toàn, vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra”, ông Đoàn Văn Khoa cho biết.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp còn được đại diện các phòng chuyên môn của Sở LĐ – TB&XH TPHCM giải đáp các câu hỏi liên quan đến các chính sách, pháp luật lao động, việc làm, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, An toàn vệ sinh lao động chi tiết, cụ thể giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn.
Vương Linh
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48