TPHCM: Trợ giúp người bán dâm thay đổi hành vi
UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, phấn đấu tổ chức kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên TPHCM; ít nhất 80% các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được phát hiện, xử lý theo quy định; giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến mại dâm đạt từ 90% trở lên; 100% số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp.
Đồng thời, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình thí điểm về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, người bán dâm tham gia mô hình được giới thiệu, chuyển gửi, tiếp cận với các dịch vụ về tư vấn pháp lý - tâm lý, chăm sóc sức khỏe, dạy văn hóa, dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn gắn với các chương trình an sinh xã hội của địa phương, giúp cho họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Công an lấy lời khai 1 đối tượng bán dâm. Ảnh minh họa
UBND thành phố giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội TPHCM, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao dễ sa vào tệ nạn mại dâm.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình tệ nạn mại dâm hoạt động tại nơi công cộng và tại cơ sở kinh doanh dịch vụ để làm cơ sở tham mưu đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để tệ nạn mại dâm phát sinh tràn lan trên địa bàn dân cư.
Củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý Nhà nước và chất lượng hoạt động của lực lượng Kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình thí điểm hiện có và lồng ghép xây dựng mô hình để cung cấp các dịch vụ về tư vấn pháp lý - tâm lý, chăm sóc sức khỏe, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hỗ trợ vay vốn, học nghề và giới thiệu việc làm thông qua chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình tín dụng ưu đãi bằng nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm trợ giúp cho người bán dâm từng bước thay đổi hành vi, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, chủ động đề xuất các đơn vị có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa phù hợp với đặc điếm, tình hình tệ nạn mại dâm mới phát sinh.
Hơn 2.500 người nghi vấn hoạt động mại dâm
Theo số liệu thống kê hiện nay, trên địa bàn TPHCM có trên 25.000 lao động nữ làm việc tại 8.674 cơ sở kinh doanh dịch vụ và ước tính có khoảng 2.500 người nghi vấn hoạt động mại dâm; có 20 điểm, tụ điểm, tuyến đường thuộc thành phố Thủ Đức và 10 quận, huyện (gồm 26 phường, xã, thị trấn) có phát sinh tệ nạn mại dâm nơi công cộng.
Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn, do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, di biến động, tinh vi và trá hình của nó vẫn còn diễn biến khó lường. Ngoài số đối tượng hoạt động mại dâm theo phương thức cũ như đường dây mại dâm hoạt động theo hình thức “gái gọi”, mại dâm đứng đường đón khách, hoạt động mại dâm trong các khu dân cư, các đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”...
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đối tượng tổ chức mại dâm đã lợi dụng hình thành các đường dây môi giới theo hình thức “gái gọi” thông qua mạng Internet, sử dụng các trang website... hoặc thông qua ứng dụng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Wechat... hay các cơ sở kinh doanh dịch vụ (spa, massage) trá hình hoạt động mại dâm đồng tính nam, các đường dây sextour có tính quốc tế vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, do đó các đơn vị chức năng rất khó khăn trong công tác đấu tranh, truy quét, triệt phá.
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của TPHCM tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm; nâng cao hiệu quả chính sách, mô hình dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong thời gian tới./.
Hoàng Anh
Từ khóa:
-
Quảng Ninh tích cực vận động nguồn lực xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
20-11-2024 17:42 05
-
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội từ 25/12
24-12-2024 16:28 16
-
Hà Nội tọa đàm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách với người có công
24-12-2024 16:16 51
-
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
23-12-2024 22:22 36
-
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
23-12-2024 22:20 15
-
Ninh Thuận: Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
13-12-2024 15:52 15
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00