Xã hội
Trà Vinh tổ chức đoàn đại biểu người có công ra Hà Nội viếng Lăng Bác
10:12 AM 06/05/2019
(LĐXH)- Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”…, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Trà Vinh luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thân nhân liệt sỹ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Để chăm lo đời sống người có công, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Trà Vinh đã không ngừng đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, huy động được mọi nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh hưởng ứng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, thời gian qua, Trà Vinh đã đưa nhiều đoàn đại biểu người có công của tỉnh đi an dưỡng, thăm quan các danh lam thắng cảnh trong nước. Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa đoàn đại biểu người có công ra thăm thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác và thăm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tiếp đoàn người có công tỉnh Trà Vinh
Thay mặt lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã tiếp đoàn và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới những tấm gương anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng và nhân dân của tỉnh Trà Vinh trong hai cuộc kháng chiến.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ: “Đảng, Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm tới các đối tượng người có công. Thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những chính sách nhằm nâng cao đời sống cho những người có công. Đặc biệt, tập trung giải quyết cơ bản những hồ sơ người có công còn tồn đọng, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình người có công, tiếp tục quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin trên cả nước…”.
Thứ trưởng cũng chia sẻ thêm,  việc lãnh đạo tỉnh tổ chức các đoàn ra thăm Hà Nội đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều thế hệ đã cống hiến xương máu cho sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành có điều kiện tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người có công nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống chính sách ưu đãi phù hợp với thực tế... Thứ trưởng cũng mong muốn các đại biểu người có công tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát huy truyền thống, giáo dục con cháu, cùng chung sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh hơn.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện toàn tỉnh có hơn 65.000 người có công được ghi nhận, tôn vinh. Trong đó có gần 20.000 liệt sỹ, trên 15.000 đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; gần 10.000 thương, bệnh binh; 3.273 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 185 mẹ); 12.373 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; 8.814 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng và 3.348 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; 1.678 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nghiễm chất độc hoá học… 
Trong những năm kháng chiến, Trà Vinh là vùng căn cứ cách mạng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dung để góp phần vào độc lập, thống nhất nước nhà với những tấm gương người có công tiêu biểu mãi mãi được ghi danh như: Nguyễn Thị Út (chị Út Tịch), Kiên Thị Nhẫn, Hồ Thị Nhâm, Phạm Thái Bường…
Đại biểu người có công Trà Vinh thăm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Ngày nay, trong lao động sản xuất, nhân dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục vượt qua khó khăn thử thách, thi đua phát triển kinh tế gia đình, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước, tiêu biểu là những tấm gương như: Thương binh Lê Văn Lục, Cam Thị Cúc, Lưu Văn Nhiều, Trần Văn Dũng, Dương Văn Châu… đã sáng tạo nhiều mô hình kinh tế gia đình hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. 
Cũng theo ông Nguyễn Văn Khiêm, hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND để ban hành các văn bản thực hiện về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cũng như triển khai, thực hiện chỉ thị số 31/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho con liệt sĩ, con thương, bệnh binh nặng.
Quyết định về các chính sách ưu đãi như trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, chăm sóc điều dưỡng sức khoẻ, đồ dùng sinh hoạt, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo. Quyết định ban hành Quy chế quản lý và sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội. Trung bình mỗi năm, Trà Vinh trích ngân sách hơn 10 tỷ đồng để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình người có công trong các dịp Lễ, Tết. Việc tu sửa, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng được thực hiện chu đáo. Hiện toàn tỉnh có 9 nghĩa trang liệt sĩ (trong đó có 1 nghĩa trang cấp tỉnh, 7 nghĩa trang cấp huyện, 1 nghĩa trang cấp xã) với hơn 12.000 mộ liệt sĩ.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 98% gia đình người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn so với mức sống người dân nơi cư trú. Để có được kết quả này, theo lãnh đạo Sở, đó là do sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng sự phối hợp hiệu quả của của Sở, ngành, địa phương trong tỉnh./.
 PV
Từ khóa: