Xã hội
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Ninh Thuận tổ chức Tọa đàm “Công tác xã hội – Đổi mới, hội nhập và phát triển”
09:47 AM 26/03/2019
(LĐXH) - Hòa chung trong không khí chào mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam, được sự nhất trí của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức buổi tọa đàm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 với chủ đề “Công tác xã hội – Đổi mới, hội nhập và phát triển”. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Ninh Thuận được thành lập theo quyết định số 447/QĐ - SLĐTBXH ngày 19/12/2018 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên nền tảng hợp nhất 03 cơ sở gồm Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh. Trung tâm có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng Bảo trợ xã hội và tư vấn, trợ giúp, quản lý ca tại cộng đồng.

Ông Trần Đức Long, phụ trách Trung tâm CTXH tỉnh cho biết, hiện Trung tâm đang chăm sóc và nuôi dưỡng 33 trẻ mồ côi, 143 người bệnh tâm thần (trong đó có 110 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 29 người tâm thần thuyên giảm, 04 người tâm thần phục hồi). Được sự quan tâm, chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ của các cấp ngành trên địa bàn, hoạt động của Trung tâm đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực. Thông qua các hoạt động phục hồi, nhân viên CTXH trợ giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường và hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã tiến hành tái hòa nhập cộng đồng cho 45 bệnh nhân về tại địa phương, sống cuộc sống mới và có thể lao động giúp đỡ gia đình như Nguyễn Văn Còn, Nguyễn Chiêu Huy, Nguyễn Hồng Sáng, Đinh Thị Hòa,…

Hoạt động xã hội đang dần tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội

Riêng đối với trẻ em, ngoài việc chăm lo cho các em được ăn uống, sinh hoạt, vui chơi, học văn hóa ở trường. Trung tâm còn tạo điều kiện cho các em đến tuổi có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm cho các em khi đủ tuổi ra nghề. Đồng thời giúp các em tái hòa nhập cộng đồng khi đủ điều kiện; Tổ chức dạy kèm cho trẻ vào các buổi tối hàng tuần nhằm giúp các trẻ tiến bộ trong học tập. Tổ chức cho các em được vui chơi, giải trí nhân các ngày kỷ niệm ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, tết trung thu và các ngày lễ khác. Tổ chức cho trẻ đi giao lưu và tham quan khu du lịch vào dịp hè; Tổ chức sinh hoạt kỹ năng sống theo chủ đề gồm: Kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, kỹ năng giao tiếp nơi công cộng, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, kỹ năng phòng tránh bắt cóc trẻ em,kỹ năng sắp xếp công việc học tập và sinh hoạt hợp lý, tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em nhằm giúp các em có thái độ tích cực, tạo môi trường thân thiện cho trẻ em được học tập và phát triển; Trung tâm còn tổ chức cho các em được vui chơi các trò chơi vận động tập thể, thi hái hoa dân chủ nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, giúp các em nâng cao tinh thần đoàn kết và thân thiện. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện công tác tư vấn qua đường dây nóng của Trung tâm 18008079 các câu hỏi liên quan đến quyền và nghĩa vụ trẻ em, cách phòng tránh xâm hại tình dục, quy định xử phạt khi trẻ em tảo hôn...; Gửi thư ngõ đến các doanh ngiệp, các tổ chức cá nhân kêu gọi sự tài trợ ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần cho các trẻ mồ côi đang nuôi dưỡng tại Trung tâm nhân dịp lễ, tết...

Tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em

Thực hiện trợ giúp trẻ em tại cộng đồng thông qua phát 9000 tờ rơi và tuyên truyền trực tiếp về phòng tránh bắt cóc cho học sinh tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; Phát 12.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng tránh bắt cóc cho trẻ em tại 15 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; Phát 10.000 tờ rơi và 20 băng rôn tuyên truyền về phòng tránh xâm hại tình dục; 15 băng rôn tuyên truyền về phòng tránh bắt cóc trẻ em; 1000 quyển sổ tay cung cấp địa chỉ liên hệ về dịch vụ công tác xã hội cho người dân và trẻ em tại 20 xã, phường, thị trấn; Phối hợp với Tỉnh đoàn Ninh Thuận tổ chức tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em tại 05 xã của huyện Thuận Bắc (Phước Kháng, xã Lợi Hải, xã Công Hải, xã Phước Chiến và xã Bắc Sơn); Quyên góp, tặng quần áo cũ, mì tôm, gạo, bánh, sữa cho 61hộ gia đình có trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Phước Tân và xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Gây quỹ từ việc bán bao lì xì, hỗ trợ 06 phần quà cho 06 hộ gia đình có trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các hoạt động CTXH của Trung tâm CTXH tỉnh trong thời gian qua đã từng bước khẳng định được vai trò điều phối, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh, đóng vai trò kết nối các nguồn lực, cung cấp dịch vụ xã hội, để các cơ quan, đơn vị phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhìn lại chặng đường qua, mỗi viên chức, người làm CTXH đều có quyền tự hào đã góp phần hoàn thành sứ mạng của mình là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng.

Buổi tọa đàm cũng là dịp để các cán bộ, viên chức, người lao động trong Trung tâm tạo mối liên hệ chặt chẽ, chia sẻ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công việc. Từ đó, thấy đươc trách nhiệm, có quyết tâm cao, cùng hợp tác với nhau trong thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị phục hồi chức năng; cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp cho các nhóm đối tượng yếu thế, gia đình và cộng đồng dân cư./.

Trần Huyền

 

Từ khóa: