Xã hội
Vĩnh Phúc: Mở rộng tiêu chí tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh
03:07 PM 08/12/2020
Được sự quan tâm của tỉnh, ngày càng có nhiều đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội với mức trợ cấp cao hơn mức quy định của Chính phủ và các tỉnh lân cận; nhiều người được tiếp nhận vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 41.700 đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trong đó có gần 200 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; gần 21.500 người từ 80 tuổi trở lên; gần 15.220 người khuyết tật; hơn 2.300 người là đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo; hơn 1.530 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ cận nghèo.
Thực hiện Đề án “Đổi mới phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan từng bước thực hiện các chế độ, chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và công tác quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội; tổ chức truyền thông, tuyên truyền, tập huấn phương pháp kỹ năng chăm sóc, trợ giúp các đối tượng.
Hằng năm, phối hợp với các địa phương chủ động rà soát, nắm chắc danh sách đối tượng cần tư vấn, trợ giúp các địa phương trong việc tư vấn, trợ giúp; chủ động tiếp nhận các đối tượng yếu thế theo Nghị định 136 của Chính phủ.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh rà soát, nắm bắt hoàn cảnh, nguyện vọng từng đối tượng làm căn cứ để xây dựng Đề án mở rộng tiêu chí tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng tại trung tâm
Qua thực tế rà soát của các huyện, thành phố, trong số những người đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng vẫn có hơn 140 người có hoàn cảnh khó khăn, phần lớn đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguyện vọng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận các đối tượng còn gặp khó khăn do chính sách quy định tại Nghị định 136 của Chính phủ còn bó hẹp ở một số tiêu chí, khiến nhiều đối tượng đủ điều kiện nhưng lại không có nguyện vọng vào nuôi dưỡng tập trung, trong khi đó nhiều đối tượng có nguyện vọng, được các địa phương đề nghị đưa vào nuôi dưỡng tập trung nhưng lại không đủ điều kiện.
Vì vậy, số đối tượng nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh không nhiều, hiện chỉ có 63 người, trong khi đó, cơ sở vật chất của trung tâm được UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, các hạng mục cơ bản khang trang sạch đẹp, đáp ứng tốt công tác tư vấn, trợ giúp, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng từ 200 - 250 người với chế độ nuôi dưỡng ngày càng được nâng cao.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Xuân Thều cho biết: "Thực hiện Quyết định số 02 của UBND tỉnh, năm 2018, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh sáp nhập với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thành Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Tại Điều 25 Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì các nhóm đối tượng: Người cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại không đủ khả năng nuôi dưỡng; trẻ em khuyết tật, người khuyết tật nặng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng tiếp nhận khẩn cấp, người lang thang hết thời hạn 3 tháng theo quy định nhưng không xác định được nhân thân, nơi cư trú; trẻ em khuyết tật, người khuyết tật do bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, đang hưởng chính sách ưu đãi người có công, gia đình thuộc hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng và có nguyện vọng được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh lại không thuộc diện đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Nhưng theo quy định tại Khoản 5, Điều 6, Nghị định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì việc tiếp nhận các nhóm đối tượng là những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, không tự lo được cuộc sống ở cộng đồng thuộc hộ nghèo và hoàn cảnh neo đơn, khó khăn vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định.
Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH đề xuất UBND tỉnh cho phép mở rộng tiêu chí để các đối tượng trên có nguyện vọng được vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Sở đang chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án “Mở rộng tiêu chí tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh”.
Đây là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn ngừa người lang thang, xin ăn, góp phần giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế.
Khi đề án được UBND tỉnh phê duyệt sẽ là cơ sở để Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các địa phương triển khai công tác rà soát, trợ giúp để các đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; đồng thời đây cũng là cơ sở thực tiễn để tỉnh nghiên cứu đề xuất với Trung ương điều chỉnh chính sách đối với các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thúy Hường
 
 

Từ khóa: