Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp góp phần nâng cao chất lượng cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa
(LĐXH) - Từ nhiều năm nay, cán bộ, viên chức, người lao động và học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa (đóng trên địa bàn xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) luôn quan tâm chăm sóc, cải tạo cảnh quan môi trường, bởi ý nghĩa, mục tiêu của nó không chỉ là tạo cảnh quan xanh, đẹp cho đơn vị mà còn mang đến những cảm xúc tích cực, thân thiện cho cả những học viên cai nghiện.
Ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa cho biết: Trong năm 2020, Cơ sở đã tiếp nhận 340 lượt người vào cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, có 319 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Song trong quá trình thực hiện cai nghiện đơn vị vẫn gặp không ít khó khăn. Do số lượng học viên cai nghiện đông, với khoảng 500 người, là đối tượng đặc thù, có thành phần rất phức tạp, nhận thức về lợi ích việc cai nghiện còn hạn chế nên sự tự giác chưa cao; nhiều đối tượng chưa tuân thủ tốt nội quy, quy chế của cơ sở... nên rất khó trong công tác quản lý và điều trị. Trong khi đó, sự hiểu biết về ma túy và các vấn đề riêng liên quan đến công tác cai nghiện ma túy với đa số gia đình có người nghiện chưa đầy đủ. Ở một số địa phương, công tác cai nghiện phục hồi chưa được cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm...
Trước thực trạng đó, ngay khi tiếp nhận đối tượng, đơn vị tiến hành lập hồ sơ và phân loại học viên dựa trên cơ sở độ tuổi, đặc điểm nhân thân, mức độ nghiện, tiền án, tiền sự để lên kế hoạch sắp xếp chỗ ở cho phù hợp, thuận tiện trong công tác quản lý và giáo dục. Tiếp đến sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe ban đầu, phân loại tình hình sức khỏe, vào bệnh án để có hướng điều trị, theo dõi cho phù hợp với từng học viên và thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc cho đối tượng theo phác đồ điều trị. Sau vài ngày thực hiện cắt cơn giải độc, các học viên bắt đầu nhận thức được vấn đề, đơn vị sẽ tổ chức cho học viên học tập nội quy, quy chế tại cơ sở, chấp hành quy trình tổ chức cai cắt cơn nghiện ma túy theo quy định; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức cho học viên biết quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng chống ma túy; Luật Phòng, chống ma túy; Bộ luật Hình sự; chính sách, pháp luật về phòng, chống lây nhiễm HIV; tác hại và các biện pháp phòng ngừa tệ nạn ma túy; chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đối với người bị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại cơ sở; tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình người nghiện ma túy và cộng đồng, hướng nghề cho các học viên... Đặc biệt, một năm hai lần, đơn vị phối hợp với Hội phật giáo nói chuyện về phật pháp nhằm thức tỉnh cái thiện trong mỗi con người.
Các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt nhóm, tạo môi trường cho người nghiện được trao đổi tâm tư, tình cảm để vượt qua khó khăn, cai nghiện thành công.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang áp dụng mô hình điều trị “Cộng đồng trị liệu” - là hoạt động cai nghiện ma túy bằng phương pháp dùng cộng đồng người nghiện tự giúp đỡ lẫn nhau với phương châm “Trợ giúp để người nghiện tự giúp đỡ chính bản thân”. Đây là liệu pháp điều trị, phục hồi dựa trên nguyên lý tự giúp đỡ lẫn nhau của chính bản thân những người nghiện ma túy trong một cộng đồng (tập thể) người cai nghiện. Áp dụng mô hình này sẽ tạo ra một môi trường điều trị, học tập, rèn luyện và sinh hoạt lành mạnh đối với những người nghiện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người tự xóa bỏ mặc cảm, tự ti của bản thân và hình thành niềm tin, nghị lực để làm lại cuộc đời.
Để người nghiện từ bỏ được ma túy, quá trình cai nghiện đòi hỏi phối hợp đồng thời và đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau: Từ liệu pháp y tế đến các liệu pháp điều trị tổng hợp đối với người cai nghiện, như: Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, học tập, tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, văn hóa, thể thao... Các hoạt động quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức và làm chuyển đổi hành vi, phục hồi nhân cách của người nghiện ma túy nhằm giúp cho họ từng bước rèn luyện, thay đổi sự lệch lạc trong nhận thức, quan điểm và dần hình thành ý thức trách nhiệm, tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sinh hoạt có nề nếp và lối sống lành mạnh, lương thiện để trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội.
Trong môi trường này, đơn vị chia các học viên ra từng nhóm để một tuần 2 lần các học viên sinh hoạt với nhau, trao đổi, chia sẻ khi gặp chuyện buồn, khó khăn về tình cảm, tinh thần; về tâm lý và giao tiếp xã hội; về nghề nghiệp, việc làm ổn định cuộc sống; về sức khỏe do sự tàn phá của ma túy đối với cơ thể... từ đó, cán bộ, giáo viên nắm bắt được tâm tư của từng đối tượng để đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp học viên vượt qua khó khăn. Qua việc sinh hoạt theo nhóm, các học viên thấy mình nhận được sự quan tâm, gần gũi của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự chia sẻ, động viên kịp thời của các học viên khác nên nhiều học viên có những chuyển biến rõ rệt so với ban đầu, không còn cảm thấy hụt hẫng, dằn vặt bản thân và có thêm quyết tâm cai nghiện để từ bỏ ma túy.
Ngoài công tác giáo dục pháp luật, đạo đức, rèn luyện thể chất phục hồi hành vi nhân cách, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho học viên cũng được Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 quan tâm thực hiện. Đơn vị luôn duy trì đầy đủ, kịp thời và chính xác các chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho học viên theo quy định, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng bữa ăn. Mở các lớp dạy nghề như may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, nghề mộc, cơ khí, nề cho học viên. Kết nối thường xuyên với gia đình, thân nhân người nghiện nhằm duy trì trách nhiệm cộng đồng giữa gia đình các đối tượng với cơ sở và tìm ra giải pháp tốt nhất để hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện thực hiện quy trình cai nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng.
Không chỉ thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy, Cơ sở cũng đặc biệt quan tâm công tác quản lý và bảo vệ môi trường nhằm xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện. Để thực hiện tốt công tác điều trị cho người cai nghiện, những năm gần đây Cơ sở đã quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữa lại cơ sở vật chất; chỉnh trang khuôn viên, tạo một môi trường sống an toàn để các học viên thấy gần gũi với thiên nhiên, thoải mái về tâm lý, nỗ lực cai nghiện thành công, sớm tái hòa nhập cộng đồng. Hệ thống chất thải rắn, chất thải y tế được thu gom, phân loại, xử lý đúng quy định, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đến nay, Cơ sở đã có khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, sạch, đẹp với những hàng cây xanh mướt tỏa bóng mát, bên cạnh là ao cá, vườn trồng rau xanh; một không gian tĩnh lặng, thư thái như tách biệt với thế giới ồn ào, náo nhiệt bên ngoài.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa vẫn thường xuyên tuyên truyền cho học viên hiểu và tự giác thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, 100% học viên đều phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế và giữ khoảng cách, không tụ tập đông người để đảm bảo an toàn, phòng ngừa lây nhiễm.
Có thể nói, xây dựng Cơ sở Xanh, Sạch, Đẹp, An toàn không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Mỗi cán bộ công nhân viên nơi đây là một tuyên truyền viên tới từng đối tượng học viên, người nhà đến thăm để cùng nâng cao ý thức giữ gìn môi trường cảnh quan, chung tay xây dựng đơn vị, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
25-12-2024 10:42 32
-
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
25-12-2024 10:42 18
-
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
25-11-2024 10:32 44
-
Cà Mau: Quyết liệt thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
18-11-2024 15:06 38
-
Kết quả công tác cai nghiện và quản lý lý sau cai nghiện ở tỉnh miền Tây Hậu Giang
24-12-2024 14:19 27
-
Thanh Hóa: Tập trung phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24-12-2024 13:51 22
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00