Sức khỏe - Đời sống
Bệnh viện Đa khoa Vân Đình: Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
06:02 PM 12/09/2024
(LĐXH)- Trong những năm gần đây, Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã có những nỗ lực mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Xác định ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp “đòn bẩy” để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và khám chữa bệnh, Bệnh viện đa khoa Vân Đình là một trong những bệnh viện “top đầu” ở Hà Nội đã triển khai thành công bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.
Tiên phong triển khai bệnh án điện tử
Bệnh viện đa khoa Vân Đình là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội có nhiệm vụ: Khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khu vực phía Nam Thành phố Hà Nội. Hiện nay, bệnh viện có 5 phòng chức năng và 19 khoa, với hơn 440 cán bộ, viên chức, người lao động, 420 giường bệnh; trung bình số lượt người đến khám bệnh tại bệnh viện khoảng 650-1.000 lượt/ngày.
Trước đòi hỏi các bệnh viện phải không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới sâu rộng, toàn diện về tư duy và hành động, với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm để phục vụ, thời gian qua, Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số các hoạt động quản trị bệnh viện và quản lý khám chữa bệnh, góp phần đổi thay toàn diện, tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh.
TS.BS Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vân Đình phát biểu chào mừng đoàn công tác của Bệnh viện đa khoa Đống Đa đến học tập kinh nghiệm về công tác chuyển đổi số
 Xác định ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp “đòn bẩy” để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và khám chữa bệnh, Bệnh viện đã triển khai hiệu quả “bệnh án điện tử”; là một trong những bệnh viện đầu tiên ở Hà Nội triển khai thành công bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Hà Nội có hơn 40 bệnh viện công lập, nhưng mới có 4 cơ sở chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử, trong đó có 2 bệnh viện hạng I là Xanh Pôn và Phụ Sản, 2 bệnh viện hạng II là Mỹ Đức và Vân Đình. 
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng của bệnh viện trong đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện đồng bộ các hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT, đồng thời bồi dưỡng nhân lực vận hành hệ thống hiệu quả như: Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ, truyền tải và hội chẩn hình ảnh y khoa (PACS)…
Triển khai bệnh án điện tử là bước tiến lớn với nhiều bệnh viện trên hành trình chuyển đổi số y tế, hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh. Để thực hiện thành công bệnh án điện tử, từ năm 2023, BV đa khoa Vân Đình đã triển khai hệ thống đồng bộ phần mềm HIS (hệ thống quản lý bệnh viện). Tiếp đó là triển khai hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ, truyền tải và hội chẩn hình ảnh y khoa (PACS), ứng dụng (App) bệnh viện…

Bệnh viện Đa khoa Vân Đình áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy

Lợi ích thiết thực của bệnh án điện tử
Chia sẻ  về những lợi ích thiết thực nhất mà bệnh án điện tử mang lại cho bệnh nhân, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho biết: Trước kia, lịch sử khám bệnh của bệnh nhân (tức là bệnh án giấy) được lưu trữ trong kho nên khi tìm lại rất khó và mất nhiều thời gian. Nhưng với bệnh án điện tử, chỉ cần mở máy tính, tất cả thông tin cần biết về bệnh nhân từ trước đến nay, kể cả tiền sử dị ứng đã được tích hợp vào tính năng của bệnh án, tiền sử bệnh tật… đều được cung cấp đầy đủ.
Tiền sử dị ứng của bệnh nhân rất quan trọng. Trước đây, nếu không có tính năng cảnh báo về tiền sử dị ứng trên bệnh án điện tử, việc bác sĩ có biết về tiền sử này hay không phụ thuộc vào chia sẻ của bệnh nhân và người nhà.
Nếu trong tình huống cấp cứu, bệnh nhân không tỉnh táo, người nhà thì luống cuống, việc khai thác rất khó khăn, nếu không khai thác được thì có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị và kết quả điều trị của người bệnh.
Bệnh án điện tử cũng giúp dự đoán gần như chính xác thời gian có kết quả xét nghiệm, tránh người bệnh phải chờ đợi lâu.
Với quy trình cũ, không thiếu cảnh nhiều bệnh nhân đi khám từ sáng sớm nhưng phải nửa buổi chiều mới hoàn tất quá trình khám. Với bệnh án điện tử, bệnh nhân đặt lịch khám từ nhà, theo hẹn đúng giờ sẽ đến khám với số thứ tự, phòng khám, giờ khám đã biết trước. Bác sĩ khám theo quy trình cũ phải in nhiều phiếu chỉ định xét nghiệm, bệnh nhân cầm tệp giấy đó tất tả chạy khắp viện, tới từng nơi để kịp xếp giấy lấy số.
Nay có bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ cần in một tờ duy nhất, dù bệnh nhân cần làm đến 10 xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm sinh hóa máu, chụp X-quang, điện tim, siêu âm… Phần mềm quản lý cận lâm sàng (HIS-LIS) sẽ tự động tính toán trình tự cho từng bệnh nhân, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân.
Sau khi thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, hệ thống tự động dự báo thời gian trả kết quả chính xác tới từng phút, trên phiếu cũng in mã QR để bệnh nhân chủ động quét, theo dõi thời gian trả kết quả. Từ đó, cảnh bệnh nhân phải “canh giờ” để đến tận từng nơi lấy kết quả sẽ không còn. Họ chỉ cần ngồi chờ tại phòng khám ban đầu, kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm… sẽ được trả về cho bác sĩ khám qua HIS-LIS và phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS). Bệnh nhân muốn lưu lại kết quả đó, bác sĩ sẽ gửi cho bệnh nhân qua ứng dụng để theo dõi. 
Như vậy, khi bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện, mọi thông tin sức khỏe của người bệnh, thông tin tiền sử của người bệnh đều được số hóa lưu giữ đầy đủ, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh.
Thành công của việc triển khai “bệnh án điện tử” đã đặt nền móng quan trọng trong hành trình “chuyển đổi số” của Bệnh viện đa khoa Vân Đình, hướng tới mô hình hoạt động “thông minh, chuyên nghiệp, hiện đại”. Đặc biệt, bệnh án điện tử tiết kiệm rất nhiều về nhân lực. Trước kia, mỗi khoa lâm sàng cần phải có một điều dưỡng hành chính để cập nhật thông tin. Nhưng nay không cần nhân lực làm việc này mà thông tin vẫn được cập nhật hằng ngày.
Nhờ bệnh án điện tử, bác sĩ có thể tra cứu kết quả xét nghiệm của bệnh nhân nhanh chóng
Với nhiều bệnh viện lớn, cảnh nhân viên y tế khệ nệ bê tay hoặc đẩy xe chở từng chồng bệnh án giấy vào kho lưu trữ rất quen thuộc. Đặc biệt, mỗi lần tìm kiếm hồ sơ bệnh án của bệnh nhân rất vất vả. Có nơi bệnh án nặng hàng cân còn rơi xuống người vì xếp chồng quá cao. Với bệnh án điện tử, lệnh duy nhất bác sĩ cần làm khi tìm kiếm hồ sơ là cltr+F.
Một số bệnh viện lớn mỗi năm dành khoảng 2 tỷ đồng chi phí in ấn hồ sơ bệnh án giấy, bệnh án điện tử tất nhiên sẽ tiết kiệm được khoản này. Bệnh án điện tử cũng nói không với đơn thuốc in giấy, hoặc viết tay, không còn cảnh bệnh nhân dịch không ra chữ bác sĩ. Bác sĩ cũng không cần bút, sổ giấy nữa. 
“Với phim nhựa, nếu được bảo hiểm y tế thanh toán, các bệnh viện hạng II như Mỹ Đức, Vân Đình có thể tiết kiệm từ 1-2 tỷ đồng chi phí in phim hàng năm, chưa kể hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.  
Chi phí lưu trữ cũng được tiết kiệm tối đa, chúng tôi chỉ mất vài chục triệu đồng mỗi năm thuê kho lưu trữ điện tử theo quy định tại Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế. Với kho lưu trữ bệnh án giấy, khi triển khai bệnh án điện tử sẽ không cần nữa”, TS.BS Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình chia sẻ.
Tạo đột phá khi ứng dụng các phần mềm “thông minh”
Phát huy thành công trong ứng dụng “bệnh án điện tử”, Bệnh viện tiếp tục tạo bước đột phá khi ứng dụng thành công phần mềm “thông minh” nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người bệnh. Từ ngày 18/9/2023, bệnh nhân được đặt lịch khám tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình từ xa. Người bệnh có thể đăng ký lịch khám trước để tránh mất thời gian chờ đợi, được chọn khung giờ khám phù hợp, chọn phòng khám mong muốn. Người bệnh có thể đặt lịch khám trước thông qua một trong hai hình thức: Gọi điện đến Tổng đài 1900 571 238 để gặp tổng đài viên đăng ký lịch khám; đặt lịch qua Zalo Bệnh viện đa khoa Vân Đình.
Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân thuận tiện trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, giảm thiểu thời gian tập trung, chờ đợi thanh toán tại quầy thu ngân, Bệnh viện đã triển khai đa dạng các ứng dụng thanh toán không tiền mặt như: Thanh toán qua App, QR Pay, chuyển khoản (Internet Banking),ví điện tử,… Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được áp dụng, không chỉ giúp người dân linh hoạt hơn, chủ động các khoản thanh toán, giảm thời gian xếp hàng chờ đợi, mà còn giúp bệnh viện quản trị hiệu quả, giảm nhân lực, chi phí trong việc kiểm đếm, in ấn đơn, phiếu; qua đó, từng bước rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, đảm bảo tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số. 
Những ứng dụng “thông minh” giúp ban lãnh đạo Bệnh viện giám sát hiệu quả sự tuân thủ các quy trình, các phác đồ điều trị của nhân viên y tế; hướng đến phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, Bệnh viện đa khoa Vân Đình còn ứng dụng triệt để CNTT trong công tác quản trị bệnh viện: phần mềm Quản trị, tuyển dụng nhân sự; phần mềm quản lý trang thiết bị; phần mềm quản lý văn bản… Nhờ đó, mọi công tác quản lý đều được thực hiện hiệu quả, chính xác, hạn chế tối đa các sai sót.
Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã trở thành điểm sáng của ngành Y tế Thủ đô và được nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn ./.
Thảo Lan