Nghiên cứu - trao đổi
Căn cứ nào tăng tuổi nghỉ hưu?
09:11 AM 24/02/2017
Theo dự thảo lần thứ nhất của Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động thì một trong những điểm sửa đổi lần này là tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Dưới đây là một vài ý kiến về vấn đề này.

Căn cứ để quy định tuổi nghỉ hưu

Có ba nhóm yếu tố cơ bản làm căn cứ căn cứ chủ yếu, đó là:

- Tính chất nghề nghiệp, tính chất công việc: những công việc có các yếu tố nặng, nhọc, độc hại, buộc phải tiêu hao lao động sống ở mức độ cao thì thường tuổi nghỉ hưu thấp hơn, như thợ mỏ hầm lò; lái xe đại sa 25-30 tấn; thợ rừng chặt hạ, lao xeo; thợ lặn... Ngược lại, những công việc bình thường, nhẹ nhàng hơn, mức độ tiêu hao lao động sống thấp hơn thì tuổi nghỉ hưu cũng thường cao hơn.

- Điều kiện, môi trường làm việc: bao gồm các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, độ bụi, độ rung, tiếng ồn...nếu không đạt chuẩn hoặc vượt chuẩn đều có tác hại đến cơ thể người lao động. Ví dụ, vế độ chiếu sáng, đối với người làm việc bàn giấy thì phải bảo đảm trong giới hạn 50-100 lux (luých); người làm ở xưởng may là 80-300 lux; không bị bóng tối hay chói, lóa trong tầm nhìn của người lao động. Tiếng ồn với cường độ mạnh, tần suất cao và thời gian dài sẽ làm cho con người mệt mỏi, các cơ bị nhão ra, mất sức nhanh, bị điếc nghề nghiệp. Có lẽ vì thế mà trong luật hình của Trung Hoa cổ đã ghi, Không cần treo cổ kẻ đã nhạo báng đấng tối cao. Hãy bắt hắn thức thâu đêm suốt ngày, liên tục trong sự ầm ĩ của tiếng trống, tiếng gào thét cho đến chết. Còn độ rung lắc mạnh quá chuẩn sẽ ảnh hưởng đến toàn thân, nhất là các khớp, thần kinh ngoại vi và lưu thông máu... Bởi vậy, những lao động làm việc trong môi trường độc hai thường tuổi nghỉ hưu cũng thấp hơn.

Một trong những căn cứ để tính tuổi nghỉ hưu là tính chất nghề nghiệp, tính chất công việc

- Giới tính: Lao động nữ có chức năng “thiên bẩm” là sinh đẻ. Hao phí lao động cho những lần mang thai và “vượt cạn” là vô cùng lớn. Bởi vậy không ít nước đã quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thường thấp hơn lao động nam, trong đó có Việt Nam.

Trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ba nhóm điều kiện trên là vô cùng quan trọng, có nhiều công việc thuộc loại nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm nên tuổi nghỉ hưu thường thấp hơn. Phải hạn chế tối đa việc sử dụng lao động nữ vào các công việc đó; có việc không được sử dụng lao động nữ (như Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định). Tuy nhiên, khó có thể quy định tuổi nghỉ hưu riêng biệt cho từng ngành nghề mà người ta thường xử lý phối hợp theo hai cách. Một là, quy định tuổi nghỉ hưu chung cho tất cả người lao động, khi đạt đến một độ tuổi nhất định thì người lao động có quyền quyết định nghỉ hưu hay làm tiếp; khi đến tuổi nghỉ hưu chung, một số người tài năng, hoặc lao động tay nghề hiếm nếu có nguyện vọng làm việc tiếp sẽ được xem xét theo những tiêu chí nhất định. Hai là, vẫn thực hiện theo tuổi nghỉ hưu chung, nhưng đến một thời điểm nào đó, người lao động có quyền chuyển nghề, chuyển việc cho phù hợp với sức khỏe đã bị giảm sút.

Căn cứ để tăng tuổi nghỉ hưu

Có thể có bảy căn cứ sau:

- Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên khá. Những năm 60 của thế kỷ XX tuổi tho trung bình của nam là 55, nữ 60, đến năm 2016 tương ứng là 73 và 75. Khoảng cách giữa tuổi thọ trung bình và tuổi nghỉ hưu bình quân khá xa. Tuổi nghỉ hưu năm 2012 bình quân là 54,17. Những năm 60-90 của thế kỷ trước, người lao động sau khi nghỉ hưu thường sống và hưởng lương hưu khoảng gần 10 năm, thì nay tới hơn 18 năm.

- Do tuổi nghỉ hưu hiện tại còn thấp trong khi tuổi thọ đã cao nên nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi làm (vừa không phải đóng bảo hiểm xã hội, vừa hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội).

- Thời kỳ dân số vàng của nước ta đến nhanh, nhưng già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ cũng đã hiện hữu.

- Quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn (Quỹ lương hưu, tử tuất) có thể không thật vững chắc nếu duy trì tuổi nghỉ hưu hiện tại.

- Việc tăng tuổi nghỉ hưu đang là xu thế chung ở nhiều nước.. Tuổi nghỉ hưu ở một số nước: Australia năm 1993, nam 65, nữ 60; năm 2002 nam 65, nữ 62,5; dự kiến năm 2035, nam 65, nữ 65. Tương tự như vậy, CHLB Đức 65 và 60; 65 và 61; 65 và 65. Iceland 65 và 65; 67 và 67; 67 và 67. Nhật Bản 60 và 58; 60 và 60; 65 và 65. Anh 65 và 60; 65 và 60; 65 và 65. Mỹ tất cả các năm nam nữ đều nghỉ hưu ở tuổi 62... ( Báo cáo của Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội tại Hội thảo”Giới và chính sách pháp luật về xã hội” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 31-10 và 01-11-2009 tại Quảng Ninh).

- Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được một phần nguồn lao động có trình độ cao, có bề dày kinh nghiệm.

- Đến thời gian này cũng rất cần thiết thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ khi đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của lao động nữ được nâng lên.

Nhìn chung các căn cứ để tăng tuổi nghỉ hưu là khá đầy đủ và tương đối rõ ràng. Tuy nhiên ít nhiều cũng có mặt trái của nó, đó là vài ba năm đầu khi thực hiện chính sách này sẽ có sự “dồn toa” đối với người đi tìm việc làm. Song mức độ ảnh hưởng ở mỗi khối lao động có khác nhau. Lao động thuộc lực lượng vũ trang hầu như không có ảnh hưởng; khối hành chính sự nghiệp công, nếu cải cách hành chính tốt, hoàn thiện được chức danh tiêu chuẩn, đào thãi được phần lớn số lao động “sáng vác ô đi, tối vác ô về” thì rất có thể thu hút được nhân tài đúng tiêu chuẩn nhiều hơn. Còn khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ (khu vực lao động thị trường) ít nhiều có ảnh hưởng mạnh hơn hai khối trên, nhưng trong nền kinh tế thị trường thì ở bất cứ độ tuổi nào người lao động cũng có thể bị thất nghiệp (không cứ người mới ra trường đi tìm việc làm) vì kỹ thuật, công nghệ luôn được đổi mới thúc đẩy năng suất lao đông tăng nhanh, tạo ra “cơ chế nhã” đào thải lao động. Cạnh tranh sẽ có doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc bị phá sản, mọi lao động của doanh nghiệp đó đều sẽ mất việc làm. Khi thay đổi mặt hàng sản xuất sẽ phải thay đổi cơ cấu lao động, những lao động không còn thích ứng sẽ mất việc... Tóm lại, tất cả người lao động (mới hay cũ) đều phải tìm việc làm khi chưa có việc, khi hết việc hoặc mất việc. Người lao động lần đầu đi tìm việc có thể có khó khăn hơn do chưa có thực tiễn, chưa có kinh nghiệm thị trường.

Cân đối hai mặt (thuận, nghịch) thì chiều thuận là cơ bản, việc tăng tuổi nghỉ hưu và thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ vào thời gian tới là chấp nhận được, trừ những lao động đang làm các công việc nặng nhoc, độc hại và nguy hiểm. Phương án nam 62 tuổi, nữ 58 tuổi nghỉ hưu có thể hợp lý hơn các phương án khác. Tuy nhiên, không nên theo lộ trình mỗi năm tăng 4 tháng, vì như thế sẽ rất khó khăn, rối rắm cho “bút toán” nghiệp vụ bảo hiểm xã hội, do đó tăng là tăng luôn khi có hiệu lực thi hành. Song, để đáp ứng yêu cầu của người lao động thì nên quy định cho họ có quyền quyết định nghỉ hưu sớm hơn. Nam từ 55, nữ từ 50 tuổi trở đi, nếu có nguyện vọng thì được quyền nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Mặt khác cũng phải suy nghĩ cặn kẽ thời điểm hiệu lực của việc tăng tuổi nghỉ hưu. Theo chúng tôi, lần này quy định tăng tuổi nghỉ hưu là đặt nền móng để tiến tới thực hiện, mà thời điểm thực hiện tương đối hợp lý là 01-01-2022. Vì rằng, bây giờ đang có những dư luận không thật chuẩn xác về cán bộ, công chức, nhất là đối với lãnh đạo. Nếu thực hiện ngay sẽ không ít ý kiến dị nghị rằng, các ông, các bà làm luật là để kéo dài thời gian “vàng son” tại nhiệm. Mặt khác cũng có ý kiến nói rằng, khi nào “chín muồi” thì hãy đưa vào luật, không nên quy định trước. Thưa rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề muôn thủa, gần như không có thời điểm chín muồi, vì các lớp người và thời gian đều tịnh tiến, lúc nào người ta cũng lý giải giống hệt như lúc này. Để giải tỏa hai tình huống trên thì rất cần thiết phải quy định có tính chất đặt nền móng (quy định bây giờ nhưng nhiệm kỳ sau mới thực hiện). Còn việc một luật có nhiều thời điểm hiệu lực thì đã có tiền lệ. Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 có tới ba thời điểm hiệu lực (01-01-2007; 01-01-2008 và 01-01-2009); Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn còn hai thời điểm hiệu lực (01-01-2016 va 01-01-2018). Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự cũng có nhiều thời điểm hiệu lực khác nhau. 

     TS. Bùi Ngọc Thanh

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Từ khóa: