Để đảm bảo những tiêu chuẩn và điều kiện chung về lao động hàng hải, ILO đã ban hành nhiều công ước về lao động hàng hải, đặc biệt quan trọng là Công ước lao động hàng hải năm 2006 (Maritime Labour Convention - MLC 2006). MLC 2006 là sự kết hợp và cập nhật của nhiều công ước và khuyến nghị khác nhau đã được ILO ban hành từ trước nhằm quy định quyền, lợi ích của thuyền viên và nâng cao an toàn hàng hải. Với sự kiện Việt Nam gia nhập MLC 2006 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 121/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của MLC 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển. Tiếp đó, ngày 25/11/2015 Quốc hội thông qua Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 (có hiệu lực từ 1/1/2017) thay thế Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của thuyền viên vì vậy được điều chỉnh bởi quy định chung của pháp luật về bảo hiểm xã hội và còn được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành về hàng hải.
- 1. Đặc điểm và điều kiện tiêu chuẩn của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam
Thuyền viên là người làm việc trên tàu biển đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật mỗi quốc gia. Khoản 2 Điều 1 Điều công ước số 145 về tính liên tục của việc làm (cho thuyền viên) năm 1976 của ILO: “thuyền viên” là “những người được luật pháp hoặc hoặc thực tiễn của quốc gia, hoặc thỏa thuận tập thể định nghĩa như là những người thường được thuê mướn với tư cách là thủy thủ đoàn trên tàu với một tàu đi biển”. Tàu này được phân biệt với tàu chiến; tàu dành cho việc đánh bắt cá hoặc những hoạt động trực tiếp gắn với việc đó hoặc cho việc săn bắt cá voi hoặc các mục đích tương tự. Công ước còn quy định pháp luật quốc gia sẽ xác định khi nào các tàu được coi là tàu đi biển trong công ước. Công ước số 165 của ILO về an sinh xã hội cho thuyền viên (đã sửa đổi), năm 1987 đưa ra định nghĩa rõ hơn về thuyền viên: “thuyền viên” là “những người được thuê mướn với một khả năng nào đó ở trên một tàu biển chuyên vận chuyển hàng hóa hay hành khách, nhằm mục đích thương mại, được sử dụng vào bất kỳ mục đích thương mại nào khác hay là một tàu kéo trên biển” (Điểm c Điều 1)
Như vậy “thuyền viên” được hiểu là những người lao động làm các công việc khác nhau trên tàu biển và khái niệm thuyền viên được giải thích kèm với địa điểm, nơi làm việc của họ là trên “tàu biển”. Theo MLC 2006: “Thuyền viên là bất kỳ người nào được tuyển dụng hoặc thuê hoặc làm việc theo bất kỳ khả năng nào trên một tàu áp dụng Công ước này” (Điểm f Điều 2). Khái niệm “tàu” được giải thích là “một tàu khác với tàu chỉ hoạt động trong vùng nước nội thủy hoặc vùng nước trong khu vực, hoặc liền kề với vùng nước kín hoặc các khu vực chỉ áp dụng các quy định của cảng” (Điểm i Điều 2).
Việt Nam là thành viên của MLC 2006, vì vậy các quy định của pháp luật Việt Nam về thuyền viên về cơ bản thể hiện tinh thần của công ước. Khái niệm thuyền viên làm việc trên tàu biển được quy định tại Điều 59 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015: “Thuyền viên là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhiệm chức danh trên tàu biển Việt Nam”. Đặc điểm và cũng là những điều kiện, tiêu chuẩn xác định thuyền viên theo quy định pháp luật Việt Nam là:
Thuyền viên làm việc ở một nơi làm việc đặc biệt là “tàu biển Việt Nam”. Theo Điều 13, 14 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015: Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Tàu biển không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi. Tàu biển Việt Nam là tàu biển đã được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc đã được cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam. Tàu biển Việt Nam có quyền và nghĩa vụ mang cờ Việt Nam; Chỉ có tàu biển Việt Nam mới được mang cờ quốc tịch Việt Nam.
Thuyền viên phải đáp ứng các điều kiện để tham gia quan hệ lao động đồng thời đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của lao động hàng hải. Thuyền viên phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhiệm chức danh trên tàu biển Việt Nam. Khoản 2 Điều 59 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định điều kiện: “a) Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển Việt Nam; b) Có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, tuổi lao động và chứng chỉ chuyên môn theo quy định; c) Được bố trí đảm nhận chức danh trên tàu biển; d) Có sổ thuyền viên; đ) Có hộ chiếu để xuất cảnh hoặc nhập cảnh, nếu thuyền viên đó được bố trí làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế.
Pháp luật hàng hải có hướng dẫn về “tiêu chuẩn sức khỏe” và “tiêu chuẩn chức danh” của thuyền viên. Tiêu chuẩn sức khỏe được xác nhận bởi “Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên”. Thuyền viên không được làm việc trên tàu biển nếu không được chứng nhận có sức khoẻ phù hợp, giấy chứng nhận có hiệu lực chứng thực rằng họ có sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ tiến hành trên biển (xem Thông tư số 22/2017/TT-BYT quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và công bố cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên).
Quy định về đào tạo và chứng nhận chuyên môn của thuyền viên nhằm mục đích đảm bảo thuyền viên được đào tạo hoặc có chuyên môn thực hiện nhiệm vụ trên tàu và đảm bảo an toàn cá nhân. Đào tạo và cấp giấy chứng nhận phù hợp với các văn kiện bắt buộc được Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua. Các chức danh và thời gian làm việc trên tàu biển của thuyền viên được xác nhận, lưu giữ tại “Sổ thuyền viên” của mỗi thuyền viên.“Sổ thuyền viên” có ý nghĩa như giấy tờ chứng nhận pháp lý (xem Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam).
Trước khi làm việc trên tàu biển Việt Nam, thuyền viên phải ký hợp đồng lao động với chủ tàu. Đây là điều kiện được ghi nhận ở MLC 2006 và Điều 62 Bộ luật hàng hải Việt Năm 2015. Thuyền viên làm việc trên tàu mang cờ quốc gia của mình phải có một thỏa thuận tuyển dụng được ký kết bởi cả thuyền viên và chủ tàu về các điều kiện sống và làm việc phù hợp trên tàu theo quy định của Công ước. Thuyền viên phải có cơ hội kiểm tra và tìm kiếm sự tham vấn về thỏa thuận trước khi ký, cũng như các cách thức khác nếu cần thiết để đảm bảo rằng họ tham gia thỏa thuận một cách tự do với nhận thức đầy đủ về các quyền lợi và trách nhiệm của họ. Mỗi chủ tàu và thuyền viên liên quan phải giữ một bản thỏa thuận tuyển dụng gốc đã ký. Phải đảm bảo thông tin về các điều kiện tuyển dụng của thuyền viên trên tàu được rõ ràng, thuận lợi. Thuyền viên phải nhận được tài liệu bao gồm hồ sơ về quá trình tuyển dụng của họ trên tàu. Pháp luật lao động và pháp luật hàng hải Việt Nam về hợp đồng lao động với thuyền viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.
Điều kiện, tiêu chuẩn đối với thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam. Thuyền viên nước ngoài là thuyền viên mang quốc tịch nước ngoài. Thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam về thuyền viên nước ngoài vì làm việc trên tàu mang cờ của nước nào có nghĩa là làm việc trên lãnh thổ của quốc gia đó (nguyên tắc áp dụng xung đột pháp luật khi thuê thuyền viên tại Khoản 1 Điều 3 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015). Điều 4 Thông tư 17/2017/TT-BGTVT quy định về điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam và Điều 1 Thông tư 43/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Thông tư 17/2017/TT-BGTVT quy định tiêu chuẩn và điều kiện của thuyền viên nước ngoài[1].
- 2. Quy định chuyên ngành về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam
Việt Nam xây dựng và thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của thuyền viên theo nguyên tắc chung đối với lao động hàng hải. MLC 2006 yêu cầu mỗi quốc gia thành viên phải đảm bảo mọi thuyền viên, trong phạm vi pháp luật quốc gia quy định, được bảo đảm an sinh xã hội phù hợp. Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các bước, phù hợp với hoàn cảnh quốc gia của mình, một cách độc lập và thông qua hợp tác quốc tế, nhằm đạt được bảo đảm an sinh xã hội cho thuyền viên. Trong Hướng dẫn B4.5 về an sinh xã hội, MLC 2006 nhấn mạnh phải đảm bảo về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: “1. Sự bảo đảm an sinh xã hội phải được quy định tại thời điểm thông qua phù hợp với mục 2 Tiêu chuẩn A4.5, ít nhất phải gồm có các thành yếu tố chăm sóc y tế, trợ cấp bệnh tật và trợ cấp thương tích nghề nghiệp”. Nguyên tắc này áp dụng đối với cả thuyền viên Việt Nam và thuyền viên nước ngoài: “5. Mỗi quốc gia thành viên có thuyền viên mang quốc tịch của mình, thuyền viên không mang quốc tịch của mình hoặc cả hai làm việc trên tàu mang cờ quốc gia của mình phải cung cấp bảo đảm an sinh xã hội theo Công ước hiện hành, và phải xem xét định kỳ các yếu tố đảm bảo an sinh xã hội tại mục 1 Tiêu chuẩn 4.5, với quan điểm xác định mọi yếu tố bổ sung phù hợp cho thuyền viên.”. Thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam được tham gia và hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở các quy định pháp luật an sinh xã hội và pháp luật chuyên ngành hàng hải. Khoản 1 Điều 61 Bộ luật hàng hải 2015: “1. Chế độ lao động và quyền lợi của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động hiện nay thực hiện theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và các văn bản liên quan. Các chế độ tương đối toàn diện, bao gồm: Chế độ khi người lao động bị tai nạn lao động; Chế độ khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp; Chế độ về phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình cho người lao động; Chế độ trợ cấp phục vụ cho người lao động; Chế độ trợ cấp cho thân nhân người lao động khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; v.v… (xem từ Điều 41 đến điều 62 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015). Thuyền viên mang quốc tịch nước ngoài được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 8 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Pháp luật hàng hải bổ sung quy định về “tai nạn lao động hàng hải” của thuyền viên khi làm việc trên tàu biển. “Tai nạn lao động hàng hải là tai nạn xảy ra trong thời gian đi tàu gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho thuyền viên trong khi thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo phân công của chủ tàu hoặc người được chủ tàu ủy quyền” (Điều 3 Thông tư 37/2018/TT-BLĐTBXH quy định về khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải)[2]. Tai nạn lao động hàng hải được phân loại theo mức độ nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của thuyền viên: Tai nạn lao động hàng hải làm chết thuyền viên (tai nạn lao động hàng hải chết người); Tai nạn lao động hàng hải làm thuyền viên bị thương nặng (tai nạn lao động hàng hải nặng); Tai nạn lao động hàng hải làm thuyền viên bị thương nhẹ (tai nạn lao động hàng hải nhẹ). Thuyền viên được hưởng các chế độ chuyên ngành về đảm bảo sức khỏe phòng ngừa, khắc phục tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp như sau:
- Chế độ bảo hiểm tai nạn: Thuyền viên vừa được tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đồng thời “được” tham gia cả “bảo hiểm tai nạn”. Đối với lao động ngành nghề khác thì việc tham gia bảo hiểm tai nạn chỉ mang tính chất khuyến khích, lựa chọn, tuy nhiên đối với thuyền viên thì việc tham gia bảo hiểm tai nạn là điều kiện trong hợp đồng lao động (Khoản 2 Điều 62 Bộ luật hành hải Việt Nam 2015). Mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên là lợi ích của thuyền viên và là nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ tàu: “Chủ tàu có trách nhiệm mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định cho thuyền viên trong quá trình làm việc trên tàu biển” (Khoản 2 Điều 71 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015).
- Chế độ đảm bảo về thực phẩm và nước uống (Điều 67 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015). Trên cơ sở điều luật, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm và nước uống, định lượng bữa ăn của thuyền viên làm việc trên tàu biển (xem Thông tư 40/2017/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm, nước ăn uống và định lượng bữa ăn của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam)
- Chế độ chăm sóc sức khỏe (Điều 68 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015): Việc chăm sóc sức khỏe thuyền viên cũng được tiến hành thường xuyên và theo tiêu chuẩn của Bộ y tế (xem Thông tư 22/2017/TT-BYT quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trêm tàu biển Việt Nam và công bố cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên).
- Bổ sung trách nhiệm của chủ tàu khi thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp (Điều 69 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015): Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả, bao gồm: điều trị y tế, phẫu thuật, nằm viện, các loại thuốc, trang thiết bị điều trị cần thiết, chi phí ăn, ở của thuyền viên từ khi sơ cứu cho đến khi thuyền viên bình phục hoặc đến khi xác định là bệnh mãn tính; Thanh toán chi phí mai táng trong trường hợp thuyền viên bị tử vong trên tàu hoặc trên bờ trong thời gian đi tàu; Vận chuyển thi thể hoặc tro cốt của thuyền viên bị tử vong về địa điểm hồi hương.
- Chế độ phòng ngừa tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp (Điều 71 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015): Điều luật quy định chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên đều phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi làm việc trên tàu biển. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các loại máy, thiết bị của tàu biển có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (xem Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động)
- Quyền hồi hương khi bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp (Điểm b khoản 1 điều 66 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015). Do tính chất di chuyển quốc tế của lao động hàng hải nên việc quy định quyền hồi hương nhằm đảm bảo thuyền viên được trở về nhà. Các chi phí liên quan đến việc hồi hương của thuyền viên do chủ tàu thanh toán bao gồm: “a) Chi phí đi đến địa điểm hồi hương được quy định trong hợp đồng; b) Chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương; c) Tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu biển cho đến thời điểm đến địa điểm hồi hương; d) Chi phí vận chuyển tối đa 30 kilôgam (kg) hành lý cá nhân của thuyền viên đến địa điểm hồi hương; đ) Chi phí chăm sóc y tế cần thiết cho tới khi thuyền viên đủ điều kiện sức khỏe để đi đến địa điểm hồi hương”(Khoản 3 điều 66 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015). Chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương bằng các phương tiện phù hợp và thuận lợi. Thuyền viên hồi hương được đưa tới địa điểm quy định trong hợp đồng lao động của thuyền viên hoặc địa điểm nơi thuyền viên cư trú. Chủ tàu có trách nhiệm lưu giữ trên tàu bản sao và cung cấp cho thuyền viên các văn bản pháp luật quy định về hồi hương. Chủ tàu có trách nhiệm bảo đảm tài chính để chi trả cho thuyền viên khi hồi hương theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải thu xếp cho thuyền viên hồi hương, chủ tàu có trách nhiệm hoàn trả các chi phí đó.
Kết luận
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là nội dung quan trọng trong các chế độ lao động đối với Thuyền viên. Theo pháp luật hàng hải, thuyền viên có thể làm việc trên tàu biển có quốc tịch khác với quốc tịch của thuyền viên, một tàu biển có thể tuyển dụng nhiều thuyền viên có quốc tịch khác nhau, và tàu biển hoạt động ở cảng biển của quốc gia nào còn phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó. Chính vì vậy, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của thuyền viên cần được tìm hiểu đầy đủ để họ được đảm bảo tối đa quyền lợi và lợi ích. Việc làm rõ đặc điểm, điều kiện, tiêu chuẩn của thuyền viên và quy định chuyên ngành trong chế độ bảo hiểm tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam cũng là nghiên cứu có tính thời sự về chế độ của lao động trong lĩnh vực hàng hải.
Tài liệu tham khảo
- Công ước lao động hàng hải 2006
- Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015
- Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
- Nghị định số 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.
- Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Nghị định 58/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
- Thông tư 22/2017/TT-BYT quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trêm tàu biển Việt Nam và công bố cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên.
- Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.
- Thông tư 37/2018/TT-BLĐTBXH quy định về khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải.
- Thông tư 03/2020/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam.
- Thông tư 17/2017/TT-BGTVT quy định về điều kiện của thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam. Thông tư 43/2019/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung Thông tư 17/2017/TT-BGTVT
- Thông tư 40/2017/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm, nước ăn uống và định lượng bữa ăn của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.
- Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
- Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.
- Vụ Pháp chế - Bộ Lao động thương binh và xã hội: “Một số công ước của tổ chức lao động quốc tế”, NXB Lao động - xã hội, Hà Nội, 2010.
[1] “a) Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên và đảm bảo tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam; b) Có giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp; c) Có hợp đồng lao động thuyền viên theo quy định của pháp luật Việt Nam và tuân thủ MLC 2006. Hợp đồng lao động thuyền viên phải phù hợp với giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc điện cấp giấy phép lao động; d) Có hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp; đ) Có sổ thuyền viền; e) Được bố trí đảm nhận chức danh trên tàu biển”.
Yêu cầu chuyên môn của thuyền viên nước ngoài cao hơn thuyền viên Việt Nam gồm điều kiện chứng chỉ chuyên môn và điều kiện kinh nghiệm làm việc:“a) Có đủ chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Việt Nam ký thỏa thuận về việc công nhận chứng chỉ chuyên môn cấp. Trường hợp chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cửa quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Việt Nam ký thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn cấp theo quy tắc II/1, II/2, II/3, II/4, II/5, III/1, III/2, III/3, III/4, III/5, III/6, III/7, IV/2, V/1-1, V/1-2 của Công ước STCW[1] thì phải có Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; b) Kinh nghiệm: đã có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng.”
Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978, sửa đổi năm 2010 (Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers Cobvention viết tắt là Công ước STCW 1978/2010). Việt Nam đã là thành viên của công ước.
[2] Lưu ý phân biệt với “tai nạn hàng hải” quy định tại Điều 123 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015
TS. Nguyễn Thu Ba - Ths. Phạm Đức Chung
Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
-
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
08-12-2024 16:25 28
-
Hà Nội: Nâng cao năng lực quản trị theo hướng tự chủ tại các trường nghề công lập
05-12-2024 14:46 41
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
14-05-2024 10:45 10
-
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
28-04-2024 09:17 13