Nghiên cứu - trao đổi
Chính sách ưu đãi người có công: 70 năm hình thành và phát triển
08:05 AM 26/07/2017
Ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi Bác Hồ lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong suốt 70 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công đã không ngừng được hoàn thiện và được thực hiện đồng bộ; góp phần to lớn vào những thành tựu trong lĩnh vực người có công nói riêng, của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nói chung.
70 năm chính sách ưu đãi người có công với những chặng đường
Văn bản pháp luật đầu tiên về ưu đãi người có công với cách mạng là Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ngày 16 tháng 2 năm 1947, sau đã được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12 tháng 10 năm 1948 qui định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sĩ”, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ  “tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ.
Do hoàn cảnh kháng chiến khó khăn gian khổ nên các văn bản pháp luật ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn đơn giản, nội dung còn mang tính hướng dẫn là chủ yếu, tính pháp luật chưa cao. Càng do khả năng kinh tế nên trợ cấp mới chỉ mang tính chất tượng trưng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khái quát sâu sắc quan điểm và chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề có tầm chiến lược này: ...“Phải đối đãi với những người, những gia đình liệt sĩ và thương binh như là những người đã có cống hiến rất lớn, rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân..; đó là một vấn đề rất quan trọng.., một vấn đề chính trị, một vấn đề tư tưởng, một vấn đề tình cảm, một vấn đề  xã hội, một trong những vấn đề lớn của nước ta…, một vấn đề của tất cả chúng ta, một vấn đề lớn của Đảng ta, Nhà nước ta, của các tổ chức quần chúng, một vấn đề của các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và của cơ quan có trách nhiệm ở địa phương, của tỉnh, của huyện, của xã. Một vấn đề mà không cho phép một người Việt Nam nào không quan tâm, nếu người Việt Nam đã quan tâm đến sự nghiệp cách mạng của nước ta, của dân ta, quan tâm đến sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của chúng ta hiện nay...”.
Trong thời kỳ này, pháp luật ưu đãi người có công đã phát triển tương đối toàn diện về các nội dung chăm sóc vật chất và tinh thần cho người có công; chính sách đối với thương binh, liệt sỹ đã được bổ sung, sửa đổi nhiều điểm hết sức cơ bản, cụ thể như:
- Qui định điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng và chế độ phụ cấp thương tật (thay thế chế độ hưu bổng thương tật) đối với thương binh, dân quân, du kích thanh niên xung phong bị thương tật .
- Qui định chế độ tuất một lần và trợ cấp khó khăn cho gia đình liệt sỹ. Định nghĩa khái niệm “liệt sỹ” thay cho khái niệm “tử sỹ”.
- Qui định bổ sung chế độ ưu đãi thương binh, gia dình liệt sỹ trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, về việc làm, khám chữa bệnh, cung cấp phương tiện chuyên dùng, miễn giảm vé tàu xe, xem văn công, chiếu bóng...
- Qui định về cất bốc, qui tập mộ liệt sỹ, xây dựng nghĩa trang liệt sỹ...
Tuy vậy ở thời kỳ này, pháp luật ưu đãi người có công còn mang tính liệt kê, mới chỉ chú trọng đến định tính, chưa có chiều sâu về định lượng và chỉ phù hợp với nền kinh tế kế hoạch, tập trung, bao cấp.
Khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, bước sang thời kỳ xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, Đảng và Nhà nước ta vẫn xác định công tác thương binh liệt sỹ là một trong những vấn đề lớn của nước ta.
Mười năm sau ngày giải phóng (1975-1985) là giai đoạn có những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội của nước ta. Pháp luật ưu đãi càng có những thay đổi bổ sung để khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại, hình thành một hệ thống văn bản pháp qui có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước, phục vụ cho yêu cầu của giai đoạn mới. Nghị định số 236/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã qui định bổ sung, sửa đổi về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp ưu đãi và qui định thống nhất thực hiện chính sách ưu đãi trong phạm vi cả nước...
Nhìn chung, đây là giai đoạn nền kinh tế nước ta có nhiều biến động xấu, lại phải bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây nam và phía Bắc, đời sống nhân dân và các đối tượng có công gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy các văn bản pháp luật về chính sách ưu đãi trong giai đoạn này còn tản mạn, chắp vá, lại chi li phức tạp, nhiều qui định tuy đáp ứng được yêu cầu trước mắt, nhưng còn nhiều hạn chế đối với những vấn đề cơ bản lâu dài.
Sau năm 1985, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường. Từ đầu những năm 90 trở đi, nền kinh tế thị trường phát triển khá mạnh mẽ đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội hết sức bức xúc, trong đã có vấn đề người có công. Để điều chỉnh các mâu thuẫn trong xã hội, vấn đề ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng đã trở thành nguyên tắc Hiến định và được ghi nhận trang trọng ở Hiến pháp năm 1992: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Nguyên tắc này đã được thể chế trong Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 10 tháng 9 năm 1994, và được qui định cụ thể tại Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ. Đây là một bước tiến dài trong việc pháp điển hoá pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, là sự kế thừa, chọn lọc và phát triển những bài học của nửa thế kỷ qua với một hệ thống trên 1.400 văn bản (trong đã có 21 Sắc lệnh, Pháp lệnh; 129 Nghị định; 387 Thông tư; 124 Quyết định; trên 740 Chỉ thị, Thông tri và các văn bản hướng dẫn) qui định về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng quà thương binh nặng đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ

Theo qui định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, số người hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng (Đến nay đã có khoảng 9 triệu người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi, trong  đã có trên 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng), các nội dung ưu đãi người có công với cách mạng được luật pháp hoá, trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống (trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục-đào tạo, về việc làm, ruộng đất, tín dụng, thuế...)
Với việc ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, nhiều vấn đề còn tồn tại trong chính sách ưu đãi trước đây được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, như việc áp dụng thống nhất mức trợ cấp giữa thương binh hưởng lương và thương binh hưởng sinh hoạt phí khi bị thương, giữa thương binh đang công tác hay nghỉ hưu với thương binh về địa phương có cùng tỷ lệ thương tật; thực hiện công bằng trong chính sách giữa người có công thoát ly và không thoát ly, căn bản tách chế độ ưu đãi tồn tại từ mấy chục năm trong chính sách bảo hiểm xã hội chuyển sang chính sách ưu đãi xã hội (như thâm niên kháng chiến, phụ cấp đối với cán bộ Lão thành Cách mạng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động...).
Để đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công không ngừng được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước, đồng bộ với những văn bản pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.
Sau 10 năm thực hiện, ngày 29/06/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 thay thế Pháp lệnh năm 1994, trong đó đặc biệt đã mở rộng đối tượng, bổ sung người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trở thành một trong 12 diện đối tượng người có công với cách mạng.
Sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, đảm bảo chính sách phù hợp với thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13). Theo đó điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khách quan, công bằng xã hội, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, hài hoà với hệ thống pháp luật Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới. Mỗi diện đối tượng có điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận cụ thể. Điều kiện xác nhận và chế độ ưu đãi được mở rộng hơn, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng; Thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về ưu đãi xã hội đã được qui định rõ ràng, cụ thể hơn, phù hợp với tiến trình cải cách hành Chính nhà nước.
Để triển khai Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 Quyết định, 02 Chỉ thị; các Bộ đã ban hành 17 thông tư và thông tư liên tịch.
Qua 5 năm triển khai Pháp lệnh số 04/2012, hầu hết người có công đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi đầy đủ và kịp thời. Đến nay, cả nước có khoảng 9 triệu đối tượng người có công (trong đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang và ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (thứ hai từ phải sang) trao đổi về phương án tu bổ, mở rộng Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên
Từ năm 2011-2016 đã xác nhận và cấp mới Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 2.730 liệt sĩ; cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 112.000 liệt sĩ; thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với trên 65.000 người HĐCM hoặc HĐKC bị địch bắt tù, đày; giải quyết chế độ trợ cấp người phục vụ đối với gần 8.000 Bà mẹ VNAH còn sống tại gia đình; khoảng 7.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với trên 410.000 người; chế độ điều dưỡng luân phiên từ 5 năm sang 2 năm một lần đã được thực hiện với trên 1,2 triệu người từ ngày 01/01/2013; chuyển đổi mức trợ cấp đối với người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học từ mức 2 cũ sang 3 mức mới cho 153.507 người;  xác định được danh tính gần 1.300 hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN; lấy mẫu, phân tích và lưu trữ được gần 11.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và gần 4.000 mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ...
Hiện nay có 4 Pháp lệnh, 4 Nghị định, 22 Thông tư và Thông tư liên tịch, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang còn hiệu lực thi hành nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công.
Hệ thống văn bản Pháp luật về ưu đãi người có công hiện hành đã đáp ứng và cơ bản thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, trợ giúp người có công và tạo điều kiện để người có công tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 
Một số bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, cho đến nay Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi đối với người có công đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như:
- Chưa quy định chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt sau 30/4/1975.
- Quy định người có công thuộc 2 đối tượng trở lên được hưởng trợ cấp, phụ cấp với từng đối tượng dẫn đến một người có thể được hưởng nhiều suất trợ cấp người phục vụ.
- Chưa quy định chế độ BHYT đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống (trong khi thương binh, bệnh binh, người HĐKC bị nhiễm CĐHH suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên còn sống thì thân nhân vẫn được hưởng BHYT). Đồng thời chưa quy định rõ thẩm quyền hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ xác nhận cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa.
- Chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%.
- Việc hạn chế thân nhân liệt sĩ chỉ được hưởng tối đa 3 định suất càng không còn hợp lý trong điều kiện hiện nay, chưa đảm bảo công bằng, hưởng chế độ theo mức độ, công lao đóng góp.
- Chưa quy định chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác.
- Công tác xác nhận người có công với cách mạng vẫn bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là công tác khám giám định bệnh tật, xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; các đối tượng không còn giấy tờ gốc, người bị địch bắt tù đày,…chưa được giải quyết triệt để.
Việc xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vướng mắc; trong thực tế có một số trường hợp khi ban hành Quyết định công nhận thiếu căn cứ xác định đối tượng hoạt động, hoặc điều kiện, tiêu chuẩn không đảm bảo, chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chế độ.
- Một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý đối tượng người có công. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện và quản lý chính sách còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới.
- Công tác thanh tra, kiểm tra việc xác lập hồ sơ giải quyết chế độ trong những năm qua mặc dù đã được tăng cường nhưng nhìn chung tình trạng man khai hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ vẫn diễn ra phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, trong đó đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chiếm tỷ lệ lớn. Việc thi hành, xử lý các kết luận thanh tra còn gặp nhiều vướng mắc do đối tượng bị đình chỉ, cắt chế độ do sai phạm nhưng vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Có nhiều trường hợp không có khả năng thu hồi số tiền đã hưởng sai chế độ do hoàn cảnh hiện nay thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã chết hoặc đang bị bệnh hiểm nghèo…
Định hướng hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công
Từ những bất cập nêu trên, thực hiện Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29/07/2016 của Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016 và 2017, văn bản số 4869/VPCP-PL ngày 11/5/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề nghị các địa phương tổng kết 05 năm thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh, qua đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định trong chính sách ưu đãi người có công theo hướng:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Trước mắt cần:
- Thể chế hoá đầy đủ các qui định về xác nhận người có công (sửa đổi, bổ sung một số căn cứ xác nhận đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống và người đã hy sinh, từ trần; Sửa đổi, bổ sung đối tượng được xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh).
- Điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội; triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi về kinh tế - xã hội nhằm nâng cao mức sống người có công để bản thân và gia đình họ có mức sống trên mức trung bình của xã hội (Bổ sung chế độ mua BHYT đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác; chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân của người có đủ điều kiện công nhận là người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi; qui định về việc ủy quyền đi thăm viếng, di chuyển mộ liệt sỹ đối với thân nhân, gia đình liệt sĩ).
Hai là, tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa  nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công.
Ba là, thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, giảm nghèo… tạo điều kiện cho bản thân người có công và gia đình họ (đặc biệt là con của họ) học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển về kinh tế nhằm ổn định, nâng cao đời sống gia đình, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Bốn là, đổi mới quản lý Nhà nước về ưu đãi xã hội, chú trọng cả 3 nội dung thể chế chính sách, tổ chức bộ máy và công chức, công vụ.  Chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho đối tượng chính sách nhưng vẫn đảm bảo chính xác; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và về công tác quản lý các chế độ, quản lý đối tượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời và sâu rộng các văn bản qui định về chính sách ưu đãi người có công; phát huy dân chủ và công khai trong việc thực hiện chính sách. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên công tác xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công, phát hiện vi phạm đến đâu giải quyết dứt điểm đến đó, tập trung vào những đối tượng người có công còn tồn đọng. Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, tham ô. Tăng niềm tin, sự tôn vinh, lòng biết ơn của xã hội đối với người có công với nước. Tổ chức, sắp xếp bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực người có công từ khâu nghiên cứu, quản lý chỉ đạo đến tổ chức thực hiện với cơ sở vật chất, trang thiết bị tương xứng với yêu cầu của công việc, đồng thời nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ cả về đạo đức và năng lực.
Hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công sẽ tăng cường hiệu quả của chế độ ưu đãi với mục tiêu quan tâm, chăm lo nhiều hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho việc thực hiện công bằng xã hội, đúng theo nguyên tắc đã được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước: “Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước, trong suốt quá trình phát triển tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội”.
Đào Ngọc Lợi
Cục trưởng Cục Người có công
Từ khóa: