Sức khỏe - Đời sống
Chuyện tình mẹ đơn thân lấy chồng kém 11 tuổi
08:42 AM 26/12/2024
Gần 10 năm bên nhau nhưng chưa một lần cãi vã, chị Tú tự nhận tính mình trẻ con và hay giận hờn vu vơ còn chồng chín chắn, có sự hiểu biết, thương con riêng của vợ hơn con đẻ.

Tình yêu vẫn vẹn nguyên như ngày đầu

Với dáng người nhỏ nhắn, cách ăn mặc hiện đại, ít ai nghĩ chị Thanh Tú (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã 41 tuổi. Chồng chị, anh Phạm Trung Thành năm nay 30 tuổi, nhìn bề ngoài cặp đôi không có nhiều sự chênh lệch về tuổi tác.

Lần gặp gỡ đầu tiên chị Thanh Tú đã ngoài 30 tuổi còn anh Thành mới bước qua tuổi 20. Chị Tú nhớ lại đó là một thanh niên đẹp trai và dễ thu hút người đối diện, bên cạnh đó thái độ làm việc nhiệt tình cẩn thận của anh Thành khiến chị Tú thêm phần ấn tượng. Còn anh Thành nhớ về vợ mình là một người có vẻ ngoài xinh xắn, trẻ trung.

“Mình không nghĩ là vợ hơn mình nhiều tuổi như vậy, cũng nghĩ hơn tuổi nhưng chỉ hơn vài tuổi thôi. Sau này hỏi ra mới biết hơn chục tuổi, nhưng mình thấy hợp và vui vẻ khi nói chuyện cùng nên mình đuổi” anh Thành chia sẻ.

Gần 10 năm bên nhau, nhưng chưa một lần cãi vã, chị Tú tự nhận tính mình trẻ con và hay giận hờn vu vơ, còn chồng chín chắn, có sự hiểu biết, chia sẻ mọi điều với vợ. Điều chị Tú lo lắng cũng giống như nhiều người phụ nữ lấy chồng kém tuổi, sợ già, sợ mình không xinh đẹp bằng các em gái ít tuổi hơn... Những suy nghĩ tiêu cực của chị, chồng đều thấu hiểu và không bao giờ để vợ phải buồn. Cho đến nay, chị Tú luôn vững tin vào chồng, như tình yêu vô điều kiện của anh dành cho chị.

“Cũng có những cô gái trẻ đẹp muốn quyến rũ chồng mình, nhưng anh Thành chưa bao giờ làm điều gì sai trái. Vì hai vợ chồng làm việc suốt ngày cùng nhau, gần như 24/24h đã 9 năm nay nên mọi điều ở chồng mình đều quan sát được. Có những em nào tán tỉnh, chồng đều đem tin nhắn cho mình xem, bảo mình trả lời. Chúng mình luôn tin tưởng nhau và mình cảm thấy an toàn khi ở cạnh anh ấy”. Nói về chồng, chị Tú luôn dành những lời khen có cánh với giọng nói pha chút tự hào, hạnh phúc.

Nói về chồng, chị Tú luôn dành những lời khen có cánh.


Trái ngọt đến với mẹ đơn thân có hai người con

Chặng đường bên nhau của cặp đôi khó khăn nhất là những ngày đầu. Khi bắt đầu về thưa với mẹ cha, gia đình hai bên, anh chị bị ngăn cản cấm đoán. Một viễn cảnh vẽ ra khi chị Tú hơn chồng 11 tuổi, già ốm yếu xấu xí thì anh Thành sẽ bỏ rơi chị. Rào cản không chỉ ở tuổi tác mà còn ở hoàn cảnh chị Tú là mẹ đơn thân có hai con, anh Thành lại là trai tân. Bố mẹ anh Thành không gặp mặt con trong suốt thời gian dài mong con trai hồi tâm chuyển ý, nghe lời khuyên gia đình để tìm một cô gái phù hợp và quên đi chị Tú. Ngày đó, chị Tú nuôi con gái 4 tuổi nhưng anh Thành xem bé như con ruột của mình, chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương để nhận được tiếng gọi ba từ đứa trẻ.
Chị Tú cũng nhận thấy anh Thành là người không bao giờ phân biệt đối xử với con chung con riêng, khiến chị khó nghĩ. “Ngày xưa mình lấy chồng, tuy hơn tuổi mình nhưng mình không được chiều chuộng như anh Thành bây giờ. Chồng cũ cũng không giúp mình chăm con. Còn từ ngày gặp anh Thành thì anh làm hết việc nhà và bé con 4 tuổi, con riêng của mình cũng một tay anh chăm sóc. Nhiều khi anh còn chăm con riêng của mình hơn vì anh bảo con bé thiếu tình cảm của bố từ nhỏ nên anh còn chiều hơn".
Để có được trái ngọt như ngày hôm nay, anh chị cũng đã cùng nhau đi qua những khó khăn của cuộc sống. Đặc biệt là về vấn đề kinh tế, khi anh Thành từ bỏ công việc làm công ăn lương để chuyển hướng trở thành một người thợ xăm hình.

Anh Thành, chồng chị Tú hiện đang là một người thợ xăm hình.

Chị Tú là người đồng hành, hỗ trợ công việc của chồng.

Nghề thợ xăm hình cần sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận từ đôi tay, không chỉ vậy còn cần thời gian và một số vốn lớn để học. Anh Thành cho biết mọi thứ anh đều có một nửa, phần còn lại đều do chị Tú hỗ trợ nên anh mới vững tâm để nắm bắt cơ hội học nghề và mở cửa hàng xăm hình nghệ thuật.

“Ngày mới mở cửa hàng, hai vợ chồng tự chuẩn bị mọi thứ. Vợ tôi đi tìm thuê địa điểm, còn tôi thì lo mua sắm những đồ nghề liên quan. Những ngày đầu không có khách, tâm lý của tôi nhiều khi muốn buông xuôi nhưng may mắn lấy vợ lớn tuổi nên vợ vẫn luôn dốc mọi sức lực cho chồng. Còn nếu lấy vợ trẻ hơn thì chắc chắn tôi cũng không thể theo đuổi và sống được bằng nghề xăm hình cho tới ngày hôm nay” - anh Thành chia sẻ thêm.

Trải qua hai lần hôn nhân, chị Tú lại thấy cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ là điều may mắn, đúng như câu nói “cánh cửa này khép lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra”. Với chị Tú, mở được cánh cửa thứ hai chị gặp được người chồng tốt hơn, như một món quà bù đắp cho những mất mát trước đó của chị.

PV

Từ khóa: me don than