Xã hội
Công an tỉnh Trà Vinh: Tri ân người có công bằng những tình cảm thiết thực
03:10 PM 25/07/2022
(LĐXH) - Phát huy truyền thống đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, lực lượng Công an Trà Vinh bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm, tấm lòng đã luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự tri ân sâu sắc, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
NHững năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, lực lượng Công an tỉnh Trà Vinh đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Một trong những công tác được chú trọng và duy trì với trách nhiệm và cả tấm lòng của lực lượng công an là việc nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh định kỳ hàng tháng đến thăm hỏi sức khỏe, trò chuyện và hỗ trợ Mẹ Việt Nam anh hùng do Công an Trà Vinh nhận phụng dưỡng.
Theo đó, Công an Trà Vinh đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng 05 Mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Càng Long. Bên cạnh đó, lực lượng Công an các huyện Châu Thành, Trà Cú, Tiểu Cần... cũng nhận phụng dưỡng 03 Mẹ Việt Nam anh hùng. Với lòng biết ơn vô hạn về những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các Mẹ, theo dõi, chăm lo Mẹ những lúc đau yếu, chia sẻ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

 Công an tỉnh Trà Vinh đến thăm, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mão.

Với CBCS Công an Trà Vinh, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự biết ơn sâu sắc tới những thế hệ cha, anh đi trước và phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Để có được nguồn kinh phí cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hằng năm, lực lượng Công an Trà Vinh đều đóng góp ngày lương vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động các đơn vị tài trợ, xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Việc làm này giúp động viên về tinh thần, cải thiện đời sống vật chất, góp phần làm vơi đi phần nào nỗi đau của gia đình chính sách và quý Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngoài ra, Công an tỉnh còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các Mẹ nhân ngày 27/7, tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn trong năm. Những việc làm này đã động viên tinh thần quý mẹ sống vui, sống khỏe, gắn kết tình cảm sâu sắc với lực lượng công an và cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh thường xuyên đến thăm, tặng quà cho gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân liệt sĩ đang công tác và nghỉ hưu; tổ chức cho CBCS dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ, Khu Di tích Ban An ninh Trà Vinh… Có thể nói, việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng là trách nhiệm, việc làm thường xuyên thể hiện tấm lòng tri ân của lực lượng công an Trà Vinh đối với sự hy sinh cao cả của các Mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chia sẻ với phóng viên, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mão (91 tuổi, ở ấp Lưu Tư, xã Huyền Hội, huyện Càng Long) cho biết: xuất thân trong một gia đình cách mạng truyền thống, Mẹ cùng chồng tham gia cách mạng từ rất sớm. Mẹ cùng chồng nhiều lần tổ chức nuôi giấu cán bộ tại hầm bí mật của gia đình để hoạt động và còn nhận nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho bộ đội. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, Mẹ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cán bộ được Mẹ che giấu đều an toàn trong vòng vây của địch. “Chiến tranh ác liệt lắm, bọn biệt kích, lính ngụy lùng sục xóm, ấp suốt ngày đêm để tìm cán bộ của ta. Nếu ai che giấu mà chúng bắt được bị tra tấn rất dã man, nhưng không ai chịu khuất phục. Mẹ thường bơi xuồng ban đêm để tiếp tế lương thực cho bộ đội, nguy hiểm cỡ nào Mẹ cũng đi và làm tròn trách nhiệm. Trong một lần địch ghé nhà dò hỏi, cán bộ Mẹ nuôi chứa đang ở trong hầm bí mật phát ra tiếng ho, lúc đó Mẹ nhanh trí xua cho đàn heo con kêu lên để tránh địch phát hiện…”, 
Năm 1968, người con trai đầu của Mẹ, chiến sĩ du kích Ngô Văn Hổ bị giặc Mỹ bắn chết khi đang làm nhiệm vụ. Nước mắt chưa vơi thì tin dữ lại đến, năm 1971, người con trai kế Ngô Văn Bình hy sinh khi làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội. Đau thương không làm Mẹ gục ngã, trong ngôi nhà, khu vườn của Mẹ luôn có những căn hầm bí mật nuôi giấu hàng chục lượt cán bộ, bộ đội, du kích. Bao đêm dài, Mẹ thao thức canh gác nhiều cuộc họp quan trọng của các chiến sĩ công an ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn của gia đình. Thật trân trọng và cao quý là mẹ chồng và mẹ ruột của Mẹ đều được Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đảm đang, tảo tần, lam lũ một đời nuôi con, nuôi bộ đội đánh giặc, Mẹ sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả, không đòi hỏi gì cho riêng mình, chỉ có mong muốn bình dị là con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với Nhân dân. Ngoài 02 liệt sĩ, Mẹ Mão sinh được 08 người con (05 người con trai, 03 người con gái). Những người con của Mẹ đều trưởng thành, xây dựng gia đình hạnh phúc và luôn tự hào về truyền thống gia đình, trân trọng sự hy sinh của bà nội, bà ngoại và của Mẹ. Tiếp nối truyền thống gia đình, con trai thứ tám của Mẹ cũng là cán bộ lãnh đạo ngành công an.
Có thể nói, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những đau thương, mất mát vẫn đọng lại trong sâu thẳm trái tim của mỗi người, nhất là đối với quý Mẹ Việt Nam anh hùng. Đất nước có được hòa bình, độc lập như ngày nay là nhờ vào những hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của quý Mẹ Việt Nam anh hùng.
Duy Hưng
Từ khóa: