Nghiên cứu - trao đổi
Công tác xác nhận người có công: Thực trạng và giải pháp
08:48 AM 24/07/2017
LĐXH - Với hơn nửa thế kỷ kháng chiến trường kỳ giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc ta đã giành được những thắng lợi huy hoàng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hàng triệu những người con ưu tú của Tổ quốc đã có nhiều cống hiến, công lao, thậm chí đã hy sinh cả xương máu trong những cuộc chiến tranh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, để đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do” vững bước tiến vào thời kỳ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Cùng với những đổi thay của đất nước, 70 năm qua, thực hiện truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của toàn xã hội, công tác xác nhận người có công với cách mạng đã đạt được những kết quả to lớn.
Đến nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, gồm: gần 9.000 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 16.500 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; gần 1,2 triệu liệt sĩ  và gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; trên 117.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 1.200  Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trên 40.000 thương binh B; gần 185.000 bệnh binh; khoảng 205.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 1.897.000 người có công giúp đỡ cách mạng;  gần 4.2 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế... Hiện có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà người có công với cách mạng tại xã Trực Khang (huyện Trực Ninh, Nam Định) nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ
Tuyệt đại đa số người có công đã được xác nhận và thụ hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp người có công thực sự chưa được xác nhận do không còn căn cứ để xác lập hồ sơ. Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay vẫn còn trên 2.000 trường hợp kê khai đề nghị xác nhận liệt sĩ, gần 8.000 trường hợp kê khai đề nghị xác nhận thương binh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài những yếu tố khách quan khó tránh khỏi do chiến tranh gian khổ, lâu dài, khốc liệt; do việc ghi chép, quản lý ban đầu có nhiều sơ xuất; do thời gian quá lâu, đã có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính, địa hình tự nhiên của địa bàn chiến đấu, cũng như thay đổi nơi cư trú… thì còn những hạn chế trong khâu quản lý và tổ chức thực hiện, như việc phân cấp trách nhiệm, tổ chức thực hiện chế độ, thủ tục, quản lý hồ sơ còn chưa chặt chẽ; việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy định chính sách ưu đãi người có công chưa kịp thời và sâu rộng…
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có công, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc xác nhận đối với những trường hợp không còn giấy tờ gốc chứng minh trường hợp hy sinh, bị thương. Tuy nhiên những chính sách đó đều bị đối tượng xấu lợi dụng để làm giả hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi ở hầu khắp các địa phương, thậm chí có đối tượng sau khi làm giả hồ sơ bị thương cho bản thân mình được hưởng chính sách lại trở thành "cò" môi giới làm hồ sơ thương binh giả cho nhiều người với thủ đoạn hướng dẫn cho các đối tượng tự kê khai thương tật là các vết sẹo, vết thương, vết gãy xương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vết mổ bệnh lý... rồi giả mạo chữ ký, xác nhận cho nhau để kê khai làm hồ sơ giả và móc nối, hối lộ một số cán bộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận bị thương và giám định thương tật.
Kể từ năm 2012 - 6/2016, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại 05 Quân khu (Quân khu 2, 3, 4, 5, 7). Qua kiểm tra hơn 60.000 hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên, phát hiện trên 12.000 hồ sơ có sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó cơ quan có thẩm quyền đã kết luận gần 1.900 hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi. Thanh tra Bộ đã kiến nghị đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng, đồng thời kiên quyết chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra khởi tố để xử lý theo pháp luật đối với các sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.
Tình trạng cống hiến giả, mất mát giả đè lên cống hiến thật, mất mát thật đã gây thất thoát lớn cho ngân sách và nguy hiểm hơn, gây bất bình trong quần chúng nhân dân nói chung và người có công nói riêng, dẫn đến nảy sinh nhiều vướng mắc trong các gia đình chính sách, tiềm tàng yếu tố không ổn định ở cơ sở, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào tính công khai, minh bạch của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo người có công đều được xác nhận và giải quyết chế độ như mong mỏi của dư luận xã hội là nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao của cơ quan quản lý Nhà nước đối với quá khứ, với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc và cũng là tình cảm đối với thế hệ cách mạng quang vinh đi trước.
Đối với người có công không còn giấy tờ gốc chứng minh trường hợp hy sinh, bị thương, năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn cụ thể. Thông tư đã mở ra những điểm mới, đơn giản hơn như: không cần người làm chứng, thương binh bị thương trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ tại các chiến trường B, C, K và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện có vết thương thực thể đều thuộc diện lập hồ sơ, giải quyết chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đến nay đã xác nhận được trên 300 liệt sĩ; trên 500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo Thông tư liên tịch số 28 nêu trên. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 và giai đoạn tiếp theo là tăng cường việc rà soát để giải quyết các hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng (hồ sơ đã được xác lập trong những giai đoạn trước đây nhưng chưa được xem xét giải quyết do chưa đảm bảo thủ tục).
Trên cơ sở triển khai giải quyết thí điểm hồ sơ người có công còn tồn đọng tại các tỉnh Thái Bình, Long An, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang và thành phố Đà Nẵng (đã xác nhận được 75 liệt sĩ và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo, và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017, trong đó giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tiếp tục giải quyết các hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi (Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ).
Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ban hành quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng với mục tiêu hết năm 2017 cơ bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng người có công với cách mạng tại các tỉnh, thành phố. Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quán triệt một số nguyên tắc quan trọng trong công tác giải quyết tồn đọng như sau:
Thứ nhất, việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng chí, đồng đội cùng hoạt động, ý kiến của cộng đồng nhân dân, đồng thời phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình giải quyết hồ sơ.
Thứ ba, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Đặc biệt tại bước xét duyệt ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai Quyết định nêu trên, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Cùng với đó, công tác thanh, kiểm tra cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để ngăn ngừa các hành vi tiêu cực xuất hiện trong quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Tri ân những người có công với cách mạng, đảm bảo công bằng xã hội là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, góp phần ổn định tình hình chính trị, củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước, động viên thế hệ trẻ sẵn sàng cống hiến vì sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phát triển vững chắc./.
Nguyễn Duy Kiên
Phó Cục trưởng Cục Người có công­­
Từ khóa: