Nghiên cứu - trao đổi
Để thực hiện có hiệu quả quyền được bảo vệ của trẻ em
08:09 AM 05/09/2016
Qua 05 năm thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015, về cơ bản, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em (BVTE) cả về khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách; cấu trúc tổ chức và nhân sự; hệ thống dịch vụ BVTE, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu của công tác BVTE.
Theo đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành được cải thiện rõ nét thông qua việc từng bước hoàn thiện hệ thống BVTE, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu của công tác bảo vệ trẻ em. Khung pháp lý được rà soát, sửa đổi, trong đó có Dự án Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi. Trước đó, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2013 về tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em;  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Thông tư 23 về quy trình can thiệp trợ giúp trẻ em bị xâm hại và một số văn bản khác.
Cấu trúc tổ chức và nhân lực từng bước được củng cố. Bên cạnh tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước hiện có, tính đến 6/2015, cả nước có 1.242 công chức chuyên trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em, nhóm công tác liên ngành được thành lập ở 43/63 tỉnh, thành phố, 447 quận, huyện; Ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc Ban Bảo vệ trẻ em được kiện toàn ở 5.510 xã, phường. Đội ngũ cộng tác viên tham gia công tác BVTE đã được kiện toàn ở 4.558 xã, phường với 65.549 người. Ngoài mạng lưới cộng tác viên, hầu hết các xã có ban bảo vệ trẻ em đều thành lập được nhóm trẻ em nòng cốt.
Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng được tổ chức và hoạt động đáp ứng nhu cầu cần sự bảo vệ của mọi trẻ em, cả nước đã có 31 Trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, trong đó có 07 Trung tâm Công tác xã hội trẻ em; 134 Văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện; 1.600 điểm tham vấn cộng đồng, 3.069 điểm tham vấn trường học; 428 các loại hình trợ giúp trẻ em khác được thành lập và đi vào hoạt động.
Hệ thống bảo vệ trẻ em hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp đang từng bước đươc kiện toàn, nâng cao năng lực để có đủ nhân lực đảm nhận các vị trí trong hệ thống BVTE. Trong 5 năm qua, cả nước đã tổ chức được 1.489 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 74.132  lượt công chức, viên chức, cộng tác viên với các nội dung cơ bản về luật pháp, chính sách, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn triển khai Chương trình Bảo vệ trẻ em; quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em; các kỹ năng cung cấp dịch vụ BVTE...  Hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình quốc gia BVTE được thiết lập và áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện chương trình ở các cấp, 47/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức khảo sát đánh giá ban đầu về thực trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và công tác BVTE.
Về hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý, phân loại, xác minh, đánh giá cụ thể hoàn cảnh của trẻ em. Việc phát hiện và giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em đã có chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã chủ động trong việc nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc và trợ giúp trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo lực, ngược đãi, giúp các em phục hồi, hòa nhập cộng đồng. Công tác BVTE ngày càng được quan tâm thực hiện ở cả 3 cấp độ. Công tác phòng ngừa được thực hiện thông qua các hoạt động xây dựng môi trường sống an toàn, phù hợp đối với mọi trẻ em (67% xã, phường đạt tiêu chuẩn Xã, phường phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 37/QĐ-TTg); truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ, chăm sóc trẻ em (thông qua nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng). Cùng với đó, đội ngũ cán bộ cơ sở đã nắm bắt kịp thời các yếu tố nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em hoặc đẩy trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt thông qua việc thiết lập được tiêu chí nhận dạng các nhóm đối tượng và xác định yếu tố có thể gây tổn hại cho trẻ em (09 nhóm trẻ em có nguy cơ rơi). Ngoài ra, các địa phương đang từng bước áp dụng quy trình tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ BVTE theo Thông tư 23, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng của các dịch vụ trợ giúp trẻ em. Hàng chục ngàn trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại cũng đã được cung cấp các dịch vụ trợ giúp kịp thời, phù hợp, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tổn hại do các hành vi xâm hại, bạo lực, ngược đãi, mua bán trở về. Thông qua việc xây dựng hệ thống BVTE, nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù để giải quyết các vấn đề nổi cộm liên quan đến trẻ em như chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kinh phí thí điểm mô hình; cơ chế, chính sách củng cố đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thôn, bản... điển hình là các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và vận hành hệ thống BVTE, nhưng theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện nay, hệ thống BVTE mới chỉ được hình thành ở quy mô thí điểm trên 5.510/11.118 xã, phường tại 447/713 quận, huyện ở 43/63 tỉnh/thành phố với điều kiện vận hành còn khiêm tốn, chưa đáp ứng một cách chuyên nghiệp. Do đó, việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị tổn thương, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu như chưa chủ động phát hiện nên các can thiệp, trợ giúp chậm, kém hiệu quả; việc cung cấp các dịch vụ can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được đáp ứng kịp thời và đảm bảo các nhu cầu cơ bản; việc trợ giúp, phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững, chưa có sự phân công cụ thể về trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo chức năng của các ngành, các tổ chức và gia đình. Các điều kiện đảm bảo cho trẻ em được thực hiện các quyền cơ bản, trong đó có quyền được bảo vệ còn chưa theo kịp sự biến đổi xã hội và nhu cầu của các em. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí có chất lượng vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm cả tài chính và nhân lực còn quá nhỏ so với tiềm năng phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của một số địa phương và so với các nước có mức thu nhập trung bình như nước ta. Tính đến tháng 4/2015, kinh phí huy động cho thực hiện chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em đạt khoảng 905 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn dự kiến cho chương trình là 1.750 tỷ đồng, đạt khoảng 53%. Mặt khác một số tỉnh chưa bố trí ngân sách thực hiện chương trình mà chủ yếu dựa vào kinh phí hỗ trợ từ trung ương; phần lớn các địa phương không xây dựng và ban hành chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình
Để khắc phục những hạn chế trong công tác BVTE, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về công tác này; đồng thời, tăng cường phối kết hợp và lồng ghép hoạt động giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; thiết lập cơ chế, chính sách cho việc hình thành và vận hành hệ thống BVTE ở tất cả các cấp, cần thiết phải tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia BVTE giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, chú trọng các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về BVTE cho các cấp chính quyền, gia đình cũng như bản thân trẻ. Củng cố bộ máy tổ chức, đội ngũ nhân lực cán bộ làm công tác BVCSTE. Phát triển hệ thống dịch vụ BVTE nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ BVTE cả các tổ chức cung cấp dịch vụ hiện có; hình thành mới các trung tâm cung cấp dịch vụ BVTE ở các địa phương chưa có và từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động này. Hoàn thiện luật pháp, chính sách và nâng cao hiệu quả theo dõi đánh giá, tạo hành lang pháp lý và các điều kiện cần thiết để xây dựng hệ thống BVTE và phát triển các dịch vụ BVTE ở các cấp./.
Phạm Thị Hải Hà
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em
 
Từ khóa: