Điểm mới trong cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền
(LĐXH) Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động (TCLĐ) về quyền là cách thức mà quá trình giải quyết TCLĐ về quyền được thực hiện theo quy định pháp luật. Từ 1/1/2021 pháp luật lao động (PLLĐ) sẽ có những điểm mới quan trọng trong thực hiện cơ chế giải quyết TCLĐ về quyền. Bài viết phân tích những thay đổi, bổ sung cơ bản của pháp luật theo quy định của Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2019 và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (TA) năm 2020.
1. Những điểm mới trong cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền
1.1 Điểm mới về khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền
TCLĐ tập thể về quyền: “là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) với người sử dụng lao động (NSDLĐ) hoặc một hay nhiều tổ chức của NSDLĐ phát sinh trong trường hợp sau đây: a) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) , nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác; b) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định pháp luật về lao động; c) Khi NSDLĐ có hành vi phân biệt đối xử với NLĐ, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện của NLĐ; Can thiệp, thao túng tổ chức đại diện NLĐ; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng, thiện chí” (Khoản 2 điều 179 BLLĐ năm 2019)
Những điểm mới trong khái niệm tranh chấp lao động tập thể (TCLĐTT) về quyền:
- Chủ thể của tranh chấp. Một bên chủ thể của TCLĐTT về quyền là “một hay nhiều tổ chức đại diện NLĐ” với một bên chủ thể là “NSDLĐ hoặc một hay nhiều tổ chức của NSDLĐ”. Như vậy, một bên chủ thể bắt buộc phải là tổ chức đại diện NLĐ. Mặc dù tên gọi của loại tranh chấp là “tranh chấp lao động tập thể” nhưng tập thể phải có tổ chức và có cơ chế đại diện. Yêu cầu này nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhóm những NLĐ, không nhất thiết phải là toàn bộ LĐ trong doanh nghiệp (DN) và đảm bảo tính tổ chức, thống nhất (thông qua tổ chức đại diện). Trường hợp DN có nhiều hơn một tổ chức đại diện NLĐ thì cũng vẫn sẽ được giải quyết yêu cầu chung nếu có sự thống nhất (tranh chấp giữa nhiều tổ chức đại diện với một NSDLĐ) và trường hợp các tổ chức đại diện này đại diện cho tập thể LĐ ở các DN khác nhau thì sẽ là TCLĐ tập thể của ngành, của nhiều DN. BLLĐ năm 2019 không giải thích khái niệm “Tổ chức đại diện NLĐ” nhưng có giải thích khái niệm “Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở” (Khoản 3 Điều 3) và quy định tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là công đoàn (CĐ) cơ sở và tổ chức của NLĐ tại DN. Một bên chủ thể của TCLĐ tập thể về quyền là “NSDLĐ, một hoặc nhiều tổ chức đại diện NSDLĐ”. Trường hợp tranh chấp giữa tổ chức đại diện NLĐ hoặc nhiều tổ chức đại diện NLĐ với NSDLĐ có thể hiểu là tranh chấp trong phạm vi DN. Trường hợp tranh chấp với tổ chức đại diện NSDLĐ hoặc nhiều tổ chức đại diện NSDLĐ được hiểu là tranh chấp vượt ra ngoài phạm vi DN. Tổ chức đại diện NSDLĐ là tổ chức được thành lập hợp pháp, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NSDLĐ trong quan hệ lao động (QHLĐ).
(Ảnh minh hoạ)
- Nội dung của tranh chấp. BLLĐ năm 2019 quy định cụ thể từng trường hợp TCLĐTT vể quyền. Nhà nước điều chỉnh QHLĐ bằng các quy định pháp luật nhưng ngoài ra còn căn cứ các văn bản pháp lý nội bộ của DN. Ngoài việc phát sinh từ việc hiểu, thực hiện khác nhau quy định pháp luật LĐ thì TCLĐTT về quyền còn phát sinh từ việc hiểu và thực hiện khác nhau TƯLĐTT, nội quy LĐ, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác. TCLĐTT về quyền còn là tranh chấp phát sinh khi NSDLĐ “có hành vi phân biệt đối xử với NLĐ, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện NLĐ; can thiệp; thao túng tổ chức đại diện NLĐ, vi phạm về nghĩa vụ thương lượng thiện chí”. Việc xác định, chứng minh những hành vi này thường khó khăn, phức tạp vì đây có thể không phải là những hành vi phạm PLLĐ cụ thể nhưng khi kết hợp các yếu tố: mục đích, đối tượng, hoàn cảnh v.v… lại làm phát sinh TCLĐTT về quyền. Hiện chỉ có “hành vi phân biệt đối xử trong LĐ” được giải thích tại khoản 8 điều 3 BLLĐ năm 2019.
- Tính tổ chức và đại diện của tranh chấp. Cả trong TCLĐTT về quyền và TCLĐTT về lợi ích thì Bộ luật đều nhấn mạnh tính tổ chức và đại diện của tổ chức đại diện NLĐ, tổ chức đại diện NSDLĐ. Việc quy định này vừa giúp phân loại TCLĐ đồng thời cũng xác định tính hợp pháp về tư cách chủ thể khi giải quyết TCLĐTT. Có thể hiểu pháp luật không cho phép nhóm NLĐ không có tổ chức đại diện yêu cầu giải quyết những vấn đề LĐ hoặc sẽ chỉ được giải quyết như đối với TCLĐ cá nhân. Tính đại diện và tổ chức cũng được yêu cầu trong suốt quy trình, thủ tục giải quyết TCLĐTT về quyền.
2.2 Điểm mới về nguyên tắc giải quyết tranh chấp.
Giải quyết TCLĐTT về quyền là việc các chủ thể của tranh chấp, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành các hoạt động theo một trình tự xác định nhằm giải quyết những xung đột, bất đồng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Nguyên tắc giải quyết TCLĐTT về quyền được áp dụng theo nguyên tắc chung tại Điều 180 BLLĐ năm 2019.
BLLĐ năm 2019 đã bỏ nguyên tắc bắt buộc các bên tranh chấp phải thương lượng trước khi thực hiện các bước giải quyết tranh chấp (quy định tại khoản 5, 6 điều 194 BLLĐ năm 2012).
Nhằm đảm bảo hiệu quả giải quyết tranh chấp, Khoản 1 Điều 180 BLLĐ năm 2019 nhấn mạnh việc tôn trọng và khuyến khích các bên tự định đoạt giải quyết tranh chấp trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp và Khoản 5 Điều 180 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chỉ được yêu cầu giải quyết tranh chấp nếu được các bên tranh chấp đồng ý.
Do tính chất kinh tế, xã hội của QHLĐ nên Bộ luật mới bổ sung nguyên tắc “tôn trọng lợi ích chung của xã hội” (Khoản 2 Điều 180). Việc giải quyết TCLĐ, đặc biệt là các TCLĐTT về quyền phải tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, không trái pháp luật và còn đặc biệt phải tôn trọng lợi ích chung của cộng đồng.
2.3 Điểm mới về chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
BLLĐ 2019 quy định chủ thể có thẩm quyền giải quyết TCLĐTT về quyền là Hòa giải viên lao động (HGVLĐ), Hội đồng trọng tài LĐ và Tòa án nhân dân (Khoản 1 Điều 191 BLLĐ năm 2019). Như vậy điểm thay đổi quan trọng là bổ sung thẩm quyền giải quyết TCLĐTT về quyền của Hội đồng trọng tài LĐ và bãi bỏ thẩm quyền giải quyết TCLĐTT về quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện. Ngoài ra, vai trò giải quyết TCLĐTT về quyền của cá nhân, tổ chức này cũng có những quy định mới.
HGVLĐ là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm (Điều 184 BLLĐ năm 2019). Trong lĩnh vực dân sự, thương mại, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính chất lựa chọn nhưng theo quy định của PLLĐ, hòa giải do HGVLĐ tiến hành là phương thức bắt buộc nếu các bên không thể tự giải quyết được tranh chấp. TCLĐTT về quyền bắt buộc phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của HGVLĐ trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài LĐ hoặc TA giải quyết (Khoản 2 Điều 191 BLLĐ năm 2019).
Điểm mới trong cơ cấu, tổ chức, hoạt động, số lượng thành viên của Hội đồng trọng tài LĐ và Ban trọng tài LĐ quy định tại Điều 185 BLLĐ năm 2019. Trọng tài viên LĐ làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Yêu cầu về chuyên môn của Trọng tài viên LĐ theo khoản 3 Điều 185 BLLĐ năm 2019.
Trước đây giải quyết TCLĐ tại TA là bước giải quyết TCLĐ cuối cùng sau khi TCLĐTT về quyền đã được giải quyết ở các giai đoạn khác mà không đạt được kết quả. Tuy nhiên theo quy định của BLLĐ năm 2019, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn khởi kiện ra TA ngay sau khi HGVLĐ hòa giải không thành hoặc hết thời hạn mà HGVLĐ không tiến hành hòa giải. TA giải quyết các tranh chấp về LĐ của Việt Nam thuộc hệ thống tổ chức TA nhân dân, được thành lập, tổ chức, hoạt động theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Xác định thẩm quyền của TA nhân dân trong việc giải quyết các TCLĐ cần phải dựa trên quy định về thẩm quyền của TA nhân dân theo vụ, việc; theo cấp tòa; theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn và người yêu cầu.
Quy định về thẩm quyền của TA theo vụ, việc tại điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã được sửa đổi theo điều 219 BLLĐ năm 2019 để phù hợp với những thay đổi mới về cơ quan và thủ tục giải quyết TCLĐ về quyền: “1b. TCLĐTT về quyền theo quy định của pháp luật về LĐ đã qua thủ tục hòa giải của HGVLĐ mà hòa giải không thành, hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà HGVLĐ không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành thì có quyền yêu cầu TA giải quyết. 1c. TCLĐTT về quyền mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài LĐ không được thành lập, Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài LĐ thì có quyền yêu cầu TA giải quyết.”
2.4 Điểm mới về thời hiệu giải quyết tranh chấp.
BLLĐ năm 2019 xác định thời hiệu yêu cầu giải quyết TCLĐTT về quyền theo từng cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (Điều 194). Trước đây được quy định chung là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Thời hiệu yêu cầu HGVLĐ thực hiện hòa giải là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài LĐ giải quyết tranh chấp là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Thời hiệu yêu cầu TA giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
2.5 Điểm mới về thủ tục giải quyết tranh chấp.
HGVLĐ tiến hành hòa giải TCLĐTT về quyền theo Điều 192 BLLĐ năm 2019. Trình tự, thủ tục hòa giải TCLĐTT về quyền được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 188 của BLLĐ năm 2019.
Giải quyết TCLĐTT về quyền tại Hội đồng trọng tài lao động tiến hành theo Điều 193 BLLĐ năm 2019. Quy định về thủ tục giải quyết TCLĐTT về quyền do Hội đồng trọng tài lao động tiến hành là điểm mới vì BLLĐ năm 2012 không quy định Hội đồng trọng tài LĐ có thẩm quyền giải quyết TCLĐTT về quyền. Để đảm bảo quy trình và hiệu quả giải quyết tranh chấp, trong thời gian Hội đồng trọng tài LĐ đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu TA giải quyết (Khoản 4 Điều 193 Bộ luật lao động 2019).
Một điểm mới trong giải quyết TCLĐ về quyền tại tòa án đó là trước khi tòa án thụ lý vụ án LĐ, Tòa án sẽ thông báo để các bên được lựa chọn hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại TA năm 2020. Đây không phải là hòa giải bắt buộc trước khi mở phiên tòa giải quyết tranh chấp do thẩm phán thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 mà được tiến hành bởi “Hòa giải viên tại Tòa án”. Hòa giải viên tại Toà án là “Người có đủ điều kiện được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp…” (Khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải và đối thoại tại TA năm 2020). Hòa giải tại TA là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ TCLĐ nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc LĐ theo quy định của Luật Hòa giải và đối thoại tại Tòa án năm 2020. Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc LĐ bằng hình thức hòa giải tại TA. Các bên tham gia hòa giải tại tòa án cần tuân thủ các nguyên tắc và quy trình, thủ tục tiến hành hòa giải theo Luật Hòa giải và đối thoại tại TA năm 2020.
Một điểm mới trong giải quyết TCLĐ về quyền tại tòa án đó là trước khi tòa án thụ lý vụ án LĐ,
Tòa án sẽ thông báo để các bên được lựa chọn hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại TA năm 2020.
(Ảnh minh hoạ)
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Hiện hay nhà nước đang tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết BLLĐ năm 2019 vì vậy tác giả đề xuất một số kiến nghị về hoàn thiện và giải thích pháp luật như sau:
a) Khái niệm về TCLĐTT về quyền và lợi ích đều quy định chủ thể của tranh chấp là một hoặc nhiều tổ chức đại diện NLĐ. Cần quy định rõ về khái niệm “tổ chức đại diện NLĐ”. Giải thích, hướng dẫn cụ thể về TCLĐTT về quyền giữa nhiều tổ chức đại diện NLĐ với một hoặc nhiểu tổ chức đại diện NLSLĐ. Ngoài ra, quy định cụ thể về các hành vi “can thiệp”, “thao túng” tổ chức đại diện NLĐ tại điểm c khoản 2 điều 179 BLLĐ 2019.
b) Trường hợp phát sinh tranh chấp của tập thể LĐ về quyền ở những nơi chưa có CĐ cơ sở và các tổ chức đại diện NLĐ khác thì phải xác định tính chất hợp pháp của tranh chấp hay xác định loại TCLĐ. Tổ chức CĐ cấp trên cơ sở có còn tiếp tục trách nhiệm thực hiện vai trò tổ chức đại diện NLĐ tại những DN không có CĐ cơ sở hoặc CĐ cơ sở không thực hiện trách nhiệm của mình hay không?
c) Quy định mới đã khắc phục được bất cập về thủ tục trong giải quyết TCLĐTT về quyền trước đây. Tuy nhiên có thể thấy là việc giải quyết tranh chấp vẫn phải qua nhiều bước mà thiếu tính chế cưỡng chế. Xem xét coi hòa giải là phương thức lựa chọn và mang tính chất chuyên nghiệp.
d) Quy định mới về kênh hòa giải theo quy định tại Luật hòa giải, đối thoại tại TA năm 2020 góp phần đáp ứng được các yêu cầu kinh tế, xã hội. Tuy nhiên Luật hòa giải, đối thoại năm 2020 ban hành sau BLLĐ năm 2019 vì vậy có điểm chưa đồng bộ (Ví dụ về nguyên tắc giải quyết tranh chấp). Ngoài ra khi khởi kiện tại TA thì các bên sẽ phải tuân thủ tuyệt đối pháp luật tố tụng, vì vậy sẽ đầy đủ hơn khi có thêm quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong BLLĐ năm 2019.
TS. Nguyễn Thu Ba
Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Từ khóa:
-
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
08-12-2024 16:25 28
-
Hà Nội: Nâng cao năng lực quản trị theo hướng tự chủ tại các trường nghề công lập
05-12-2024 14:46 41
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
14-05-2024 10:45 10
-
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
28-04-2024 09:17 13