Nghiên cứu - trao đổi
Đồng Nai: Khoa học công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội
04:54 PM 18/05/2017
(LĐXH) - PGS. TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) cho biết: “Để KH&CN sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư ứng dụng KH&CN ở 3 lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, cải cách hành chính và đào tạo phát triển nguồn nhân lực KHCN”.

Lãnh đạo Bộ KH&CN trao Cờ thi đua xuất sắc năm 2016 cho Sở KHCN Đồng Nai

Ứng dụng mạnh trong nông nghiệp

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 116/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao theo chuẩn của Đồng Nai. Trong thực hiện chương trình nông thôn mới, KHCN đã đóng góp tích cực trong mọi hoạt động, nhất là các đề tài ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, nông thôn, các giống cây trồng, quy hoạch và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có chất lượng cao....

Giám đốc Sở KH&CN Phạm Văn Sáng cho hay, mới đây nhất, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh xem xét và ban hành “Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Long Khánh” dùng cho sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn”. Quy chế này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý Long Khánh đối với sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00048 của Cục Sở hữu trí tuệ. Theo quy định này khi tổ chức, cá nhân đăng ký và được cấp chứng nhận quyền chỉ dẫn địa lý Long Khánh sẽ được bảo hộ theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, được gắn logo chỉ dẫn địa lý Long Khánh, sử dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, phát triển danh tiếng cho sản phẩm chôm chôm tróc và nhãn Long Khánh cũng như nhiều quyền lợi khác.

Ông Sáng nhận định: “Đây chính là bước khẳng định thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ mà KHCN đang ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Hai sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là chôm chôm tróc và nhãn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý được trồng trên diễn tích gần 7000 ha tại các xã Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (TX. Long Khánh); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 3 (Thống Nhất); Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (Cẩm Mỹ), giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đảm bảo chất lượng và tính đặc thù, an toàn thực phẩm của sản phẩm chôm chôm mang chỉ dẫn địa lý”.

Một mô hình hiệu quả trong việc ứng dụng KHCN vào nông nghiệp là xây dựng khuôn viên 6000 m2 cà chua sạch trong nhà màng với hệ thống tưới và thiết bị điều khiển tự động theo mô hình công nghệ Israel. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học cho biết, nằm trong mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, cho năng suất cao, mô hình đã chọn 2 giống cà chua trái lớn có năng suất cao trồng trong nhà màng phù hợp với điều kiện khí hậu ở Đồng Nai là giống Doufu với năng suất thí nghiệm đạt 95 tấn/ha và giống Attiya RZ với năng suất thí nghiệm đạt 99,6 tấn/ha. Đối với giống cà chua trái nhỏ đã chọn được giống có năng suất cao trồng trong nhà màng điều kiện khí hậu ở Đồng Nai là giống Piccota RZ với năng suất thí nghiệm đạt 50,4 tấn/ha....

Giám đốc sở Phạm Văn Sáng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân xuất sắc.

Tập trung đào tạo nhân lực

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển mạnh KH&CN để thúc đẩy sản xuất phát triển là đào tạo và thu hút nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Sở KH&CN là cơ quan được tỉnh giao chủ trì chương trình 2 đào tạo sau đại học, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Tính trong giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã tuyển chọn được 1.659 ứng viên tham gia chương trình, đạt 180% kế hoạch cả giai đoạn. Trong đó, một số trường hợp đạt và vượt kế hoạch của cả giai đoạn ngay từ năm 2015 như đào tạo thạc sĩ đạt 565%, đào tạo tiến sĩ đạt 199%.

Đến nay, đã có gần 900 học viên hoàn thành chương trình 2, trong đó có 33,3% đạt xuất sắc, giỏi; 59,3% đạt khá. Trong đó, học viên thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhất (26,9%); khoa học tự nhiên đạt 18,6%. Theo PGS. TS Phạm Văn Sáng, so với mục tiêu đào tạo, chương trình 2 đã đi đúng hướng, đạt và vượt mục tiêu đề ra, góp phần lớn vào thực hiện mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Cũng theo Ban chủ nhiệm chương trình, trong tổng số gần 900 người đã hoàn thành chương trình đào tạo thì có 211 người được bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Trong đó số được bổ nhiệm giám đốc các bệnh viên, trưởng, phó phòng các ngành chiếm số lượng lớn trên 65% và gần 80% học viên tham gia chương trình có tuổi đời dưới 40.

Giám đốc Sở KH&CN trao giải cho các tác giả đoạt giải trong các hội thi do sở tổ chức

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ nhiệm chương trình 2 cho biết: “Hiệu quả lớn nhất của chương trình là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của tỉnh. Trên cơ sở đó, Chương trình đào tạo sau đại học do Sở chủ trì sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí chọn lựa đối tượng được hỗ trợ đào tạo. Dự kiến, có 250 chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Việc đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài sẽ chọn những quốc gia phát triển hiện đại, đảm bảo được chất lượng và phát huy hiệu quả sau khi hoàn thành chương trình đào tạo về nước. Về lĩnh vực ưu tiên tập trung các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa thực phẩm.... để tạo bước đột phá và chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển sau này.

Cùng với tỉnh, Sở cũng đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính ở cấp độ 3, 4, hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp. Ngày 15-5-2017, Bộ phận “Một cửa” Sở KH&CN đã có mặt tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Sở đã tập trung tiếp nhận 60 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền để giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Công tác này cũng là lĩnh vực được Sở quan tâm nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu KH&CN vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn./.

Theo Sở KH&CN,  trong năm 2016,  Sở đã triển khai 2 dự án cấp Bộ thuộc Chương trình nông thôn miền núi trên địa bàn Cẩm Mỹ, Tân Phú; quản lý 45 đề tài, sự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh, tổng kết và nghiệm thu ứng dụng vào sản xuất 31 đề tài, dự án trên địa bàn.

                                                                                                        N. Trinh

Từ khóa: