Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đều phải hạn chế. Dù vậy, thế hệ trẻ vẫn có nhiều cách để tưởng nhớ công ơn những anh hùng, liệt sĩ, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Anh (xã Tam An, H.Long Thành) dịp 30-4-2021. Ảnh: Nguyệt Hà * Vẽ tranh tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ
Hằng năm, vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các cấp Đoàn, Đội đều tổ chức đoàn thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình có công với cách mạng. Một trong những thành phần không thể thiếu của đoàn chính là các em học sinh.
Những chuyến đi này có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho các em. Bởi các em được gặp những “nhân chứng sống” của lịch sử, được nghe kể các câu chuyện từ những người trong cuộc, từ đó, hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, hiểu thêm về những đau thương, mất mát mà hàng triệu người đã đánh đổi để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà các em đang được thụ hưởng.
Năm nay, do dịch bệnh Covid-19, hoạt động thăm, viếng các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công đều hạn chế số lượng người tham dự nên các em học sinh sẽ không được tham gia. Để thế hệ trẻ được bày tỏ tấm lòng biết ơn với các anh hùng, thương binh, liệt sĩ, một số tổ chức Đoàn trong tỉnh đã tổ chức hội thi vẽ tranh với chủ đề Uống nước nhớ nguồn thu hút đông đảo thiếu niên, nhi đồng tham gia. Hội thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Em Phạm Như Huỳnh, học sinh lớp 6/14, Trường THCS Hiệp Phước (TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Em đã từng được tham gia hoạt động dọn dẹp vệ sinh quanh khu đền liệt sĩ ở xã nên em vẽ tranh mô tả lại hoạt động này. Em còn vẽ thêm cảnh học sinh đi thăm Mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu không có dịch Covid-19, em mong muốn được đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, đi thăm các mẹ để được nghe kể chuyện, vì những hoạt động này rất ý nghĩa”.
Cô Đinh Thị Thu Thảo, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hiệp Phước cho hay, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống là hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Vào các dịp lễ lớn, liên đội trường tổ chức cho học sinh đi viếng đền liệt sĩ. Năm nay, vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát, liên đội phát động các đội viên tham gia cuộc thi vẽ tranh, thiết kế logo với chủ đề về ngày 27-7. Để thu hút đông học sinh tham gia, liên đội tuyên truyền thông qua mạng xã hội và qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy môn Mỹ thuật.
Trường THCS Nguyễn Đức Ứng (TT.Long Thành, H.Long Thành) mang tên lãnh binh Nguyễn Đức Ứng, người đã cùng với 27 nghĩa binh hy sinh trong một cuộc đánh trả quân Pháp vào năm 1861. Vì vậy, liên đội nhà trường thường xuyên đến mộ của lãnh binh và 27 nghĩa binh để thắp hương, dọn dẹp khu mộ. Tháng 5-2021, nhà trường đã tổ chức cho 125 học sinh, đại diện 45 lớp của toàn trường đến viếng mộ và hát Quốc ca. Đây là hoạt động hưởng ứng chương trình Hành trình tìm về địa chỉ đỏ do Tỉnh đoàn phát động.
“Sau chuyến đi này, chúng tôi đã cho học sinh vẽ tranh tri ân. Hiện nay, Huyện đoàn tiếp tục tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ. Liên đội sẽ tiếp tục tuyên truyền để đông đảo đội viên tham gia” - thầy Lê Thanh Hy, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Đức Ứng cho biết.
* Vẫn thắp nến tri ân nhưng hạn chế người tham dự
Hoạt động thắp nến tri ân đã trở thành nét đẹp của tuổi trẻ, người dân trong việc thể hiện lòng ghi ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ. Vì vậy, dù trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động này sẽ vẫn được tổ chức Đoàn các cấp tổ chức nhưng ở quy mô nhỏ, giới hạn tối đa số người tham dự.
Anh Nguyễn Hiếu Trung, Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch cho biết: “Hoạt động dâng hương, thắp nến tri ân sẽ tổ chức gói gọn lại. Ở cấp xã, có bí thư, phó bí thư Đoàn xã dâng hương tại đền thờ liệt sĩ xã, số lượng 3 người tham gia. Ở cấp huyện, chỉ khoảng 5-6 người. Huyện đoàn đã chỉ đạo để các chi đoàn thiết kế nội dung sinh hoạt tháng 7 liên quan đến chủ đề về Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Các sinh hoạt này được tổ chức theo hình thức trực tuyến”.
Tương tự, anh Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Huyện đoàn Long Thành chia sẻ, hiện nay, tổ chức Đoàn đang tập trung cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 nên cũng hạn chế các hoạt động khác. Huyện đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức lễ dâng hương tại địa phương nhưng phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Năm nay, H.Long Thành không tập trung tổ chức lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện mà sẽ tổ chức tại cấp xã.
Bên cạnh đó, các Đoàn xã sẽ đi thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cựu thanh niên xung phong. Các thành viên tham gia đoàn thăm, tặng quà này cũng là những người đang tham gia Phòng tuyến áo xanh trong phòng, chống dịch. “Các bạn đoàn viên được xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên trong quá trình tham gia chống dịch. Trước khi đoàn đi thăm gia đình chính sách, các bạn cũng phải xét nghiệm lại, đảm bảo an toàn mới được đi” - anh Đạt cho hay.
Bài học ý nghĩa Anh NGUYỄN THÀNH CÔNG, Bí thư Chi đoàn ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Là vùng đất cách mạng, ấp tôi có nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, chiến sĩ bị địch bắt tù đày. Hằng năm, vào ngày 27-7, chúng tôi đều dẫn theo các em thiếu nhi đến thăm các gia đình này. Mỗi lần đến thăm, chúng tôi đều được nghe các bà, các mẹ kể cho nghe các câu chuyện thời chiến tranh. Có những câu chuyện chúng tôi được nghe đi, nghe lại nhiều lần bởi mỗi dịp có người đến thăm là các cụ lại kể, nhưng lần nào chúng tôi cũng bồi hồi, xúc động. Không có bài học lịch sử nào sinh động và ý nghĩa bằng lời kể của những nhân chứng lịch sử này”. |
Hải Yến