Xã hội
Gặp gỡ những thương binh tiêu biểu ở Việt Yên
06:07 PM 28/10/2021
(LĐXH) – Với bản chất “Bộ đội cụ Hồ” thời gian qua trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã có nhiều gương thương binh tiêu biểu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, vượt khó vươn lên làm kinh tế, trở thành tấm gương sáng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Người thương binh làm kinh tế giỏi
Thương binh Nguyễn Vũ Thắng người làng Mỏ Thổ, xã Minh Đức là một tấm gương sáng về ý chí vượt qua gian khổ, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Tháng 2/1984, khi vừa tròn 19 tuổi, theo tiếng gọi của tổ quốc, người thanh niên Nguyễn Vũ Thắng lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 51 Tân Cầu (nay thuộc xã Phúc Hòa huyện Tân Yên). Trải qua những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, trong một trận cao điểm giữ chốt tại biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, ông đã bị thương nặng, mất hoàn toàn bàn chân trái và nhiều vết thương trên cơ thể. Tháng 10/1990, ông được xuất ngũ với tấm Huân chương chiến công hạng 3, giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân ngũ, là thương binh hạng 2/4 với tỷ lệ thương tật 75%.
Thương binh Nguyễn Vũ Thắng chăm sóc đàn lợn Nái của gia đình
Trở về cuộc sống đời thường, với cơ thể không còn lành lặn, cuộc sống của người thương binh, cựu chiến binh (CCB) gặp muôn vàn khó khăn. Đứng trước nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với ý chí kiên cường được tôi luyện trong những tháng năm quân ngũ, giữ vững bản chất của người lính "Bộ đội Cụ Hồ", thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, qua nhiều năm ông đã gây dựng được một trang trại chăn nuôi lợn, bò với quy mô lớn. Năm 2020, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện Việt Yên khiến nhiều hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan ra diện rộng, ông đã cùng gia đình tiến hành thực hiện tốt công tác khử trùng, cách ly, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong thôn tái đàn hợp lý, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa giúp đẩy lùi dịch bệnh. Hiện tại, gia đình ông đang có 04 bò thịt, 07 lợn Nái (bình quân gần 3 tạ/1 con), 50 lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm lợn giống. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm bồ câu, gà, vịt thịt.... Thu nhập hiện tại của gia đình ông đạt trên 200 triệu/năm.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với trách nhiệm là một hội viên CCB thôn Mỏ Thổ, bản thân ông cũng thường xuyên quan tâm chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên CCB với mong muốn giúp anh em CCB vươn lên làm giàu, vượt khó... Đây cũng là công việc giúp ông tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong cuộc sống, bỏ qua những đau đớn, mất mát chiến tranh đã gây ra, khẳng định tinh thần chiến đấu, ý chí vượt gian khổ trong thời bình của những người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
 Với những đóng góp cho cộng đồng, nhiều năm liền gia đình ông đã được nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Thương binh Nguyễn Vũ Thắng chính là tấm gương sáng có sức lan tỏa trong thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Chi hội trưởng CCB nhiệt tình, gương mẫu
Trong những ngày hè nắng nóng, bất cứ ai ở làng quê nhỏ này đều rất quen thuộc với một CCB dáng người nhỏ thó, bước đi thoăn thoát, gương mặt mướt mát mồ hôi của thương binh, CCB Nguyễn Sỹ Mùi (sinh năm 1942), chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Giá Sơn, xã Ninh Sơn.

Đồng chí Nguyễn Sỹ Mùi tích cực tham gia chống dịch Covid-19

Ông Nguyễn Văn Tăng, Chủ tịch hội CCB xã Ninh Sơn cho biết: Giá Sơn là thôn tuyến đầu của xã, có nhà trọ công nhân, có nhiều F0, lại sát ngay khu Tam Tầng- Quang Châu là nơi tâm dịch, vì vậy việc duy trì quản lý các chốt kiểm soát phòng chống dịch có vị trí rất quan trọng. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ của trên, đồng chí Mùi đã nhanh chóng triển khai huy động Tổ Cựu chiến binh xung kích phòng chống dịch do ông làm tổ trưởng với 14 thành viên đảm nhiệm cả 03 điểm chốt của thôn suốt ngày đêm. Bản thân CCB Nguyễn Sỹ Mùi là thương binh trong Chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị 1972, tuổi cao, sức yếu nhưng rất nỗ lực, cố gắng, gương mẫu vận động được hơn 1/3 tổng số hội viên của Chi hội tham gia phòng chống dịch, vừa là Tổ trưởng CCB xung kích, vừa làm tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng, ông có lẽ là CCB cao tuổi nhất tham gia trực tiếp trên mặt trận chống dịch này đấy.
Chi hội CCB thôn Giá Sơn nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ khi có dịch đến nay, hoạt động tham gia phòng chống dịch của Chi hội đạt hiệu quả rất cao, trên tất cả các lĩnh vực từ tuyên truyền vận động nhân dân, truy vết lấy mẫu, tham gia chốt chặn, tẩy trùng khử khuẩn, giúp nhân dân thu hoạch hoa nông sản, vận động ủng hộ… lĩnh vực nào cũng hoàn thành tốt, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân khen ngợi.
Thương binh, CCB Nguyễn Sỹ Mùi chia sẻ: “Tôi bị thương vào ngày cuối cùng của Chiến dịch Quảng Trị 1972, sau này phải về nghỉ chế độ bệnh binh, khi tham gia công tác CCB thì luôn được vợ tôi nhiệt tình ủng hộ, vì bà ấy cũng là một CCB mà. Còn sức, còn được cống hiến cho Đảng cho dân là vui rồi”.
Trên địa bàn huyện Việt Yên, còn nhiều những tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”, họ là những người đã, đang và sẽ tiếp bước truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng như lời Bác Hồ dạy năm xưa. Nhân tố tiếp thêm sức mạnh cho hàng ngàn thương binh, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, trở thành người sống khỏe, sống có ích cho xã hội, trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo./.
Minh Hưng
Từ khóa: